Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi phía bắc, quãng thời gian 20 năm sau khi về hưu ông dành để dịch và biên tập sách tiếng Trung; xấp xỉ bát tuần, nhưng ngày nào ông cũng làm việc đủ tám tiếng, kể cả ngày Lễ, Tết. Ông là nhà văn - dịch giả Dương Thu Ái, một điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của TP Hà Nội.

 

Trong buổi giao lưu những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhà văn Dương Thu Ái đã tâm sự: 'Chúng ta phải tự hào vì dân tộc ta có Bác Hồ; có những lời dạy và tấm gương đạo đức của Bác để học tập, làm theo. Ðạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là những điều xa vời, mà chính là những việc chúng ta đang làm hằng ngày, làm bằng cái tâm trong sáng, như lời Người căn dặn... Tôi đã học ở Người tác phong sinh hoạt và làm việc hết mình'. Nguyên là một giáo viên dạy môn Trung văn, những năm tháng trai trẻ, ông không quản gian khổ, nhận công tác ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Thái, Vĩnh Phú (cũ)... rồi  về dạy tại quê hương Tân Yên (Bắc Giang). Năm 1963, khi đang dạy tại Trường cấp 2 Sa Ðéc (thị xã Phú Thọ), ông là một trong những giáo viên đầu tiên đưa môn đạo đức vào nội khóa. Bài giảng đầu tiên là Lòng yêu Tổ quốc - điều thứ nhất trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Là nhà giáo, ông luôn tâm niệm, với học sinh, cách giáo dục tốt nhất là thể hiện gương sáng mẫu mực của người thầy. Hơn 30 năm dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, bao thế hệ học trò của ông nay đã trưởng thành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đều dành cho người thầy của mình tấm lòng kính trọng. Sau gần 50 năm gặp lại, người học trò cũ của ông là Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng không quân nhân dân Việt Nam, cùng nhiều người đã từng được học thầy Ái, hết sức xúc động, khi thấy thầy của mình vẫn nhiệt tâm như thế, để mà thán phục sức lao động không biết mệt mỏi của ông.

Sự nghiệp viết và biên dịch sách chỉ thật sự bắt đầu khi ông đã về hưu, ra Hà Nội sống cùng con cháu ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Khi ấy, vốn tiếng Trung của ông mới có dịp được khai thác triệt để. Từ đó đến nay, ông đã có 245 tác phẩm được xuất bản, với tổng số gần 80 nghìn trang sách. Dịch giả - nhà văn Dương Thu Ái vừa được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đề xuất xác lập ba kỷ lục: Nhà văn có số sách đã xuất bản nhiều nhất trong một năm; Nhà văn có số lượng sách viết và dịch nhiều nhất; Nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt... Không chỉ có thế, ông còn hàng chục tập bản thảo đang được chờ in và nhiều tác phẩm khác do các nhà xuất bản mang đến đặt ông biên dịch. Có tận mắt chứng kiến bộ sưu tập đồ sộ bản thảo viết tay của ông, mới cảm nhận sức làm việc hiếm người theo kịp. Ông tâm sự, để có sức làm việc bền bỉ, ông luôn dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục đều đặn, bất kể mưa, nắng, giá rét, sau đó ngồi vào bàn, làm việc cho đủ tám tiếng một ngày mới thôi, nếu bận việc gì đó, tối ông lại làm bù. 'Một ngày không dịch, viết được mấy trang sách, tôi cảm giác bứt rứt trong người'. Sách ông dịch có đủ các thể loại  văn học, khoa học, tôn giáo, lễ nghi, ngạn ngữ, truyện cười... Có những bộ sách lớn như ba tập Thánh hiền thư (Lời dạy của các bậc thánh hiền), với hơn 1.000 trang, hay ông đang nỗ lực hoàn thành bộ Lễ nghi hiện đại, gần 1.000 trang khổ lớn... Ông bảo: 'Ngày xưa, thế hệ ông tôi, bố tôi dạy chúng tôi  lễ nghi theo lối truyền khẩu, làm gương, nay tôi dịch cuốn sách này để thế hệ trẻ bây giờ có sách dạy con'. Dịch sách Thánh hiền, ông lại thêm khâm phục tài trí và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dường như những tinh hoa trong tư tưởng của các bậc vĩ nhân xưa đã thấm nhuần trong tư tưởng của Bác.

Học tập và làm theo tấm gương suốt đời cống hiến cho nước, cho dân của Bác Hồ, thầy giáo - nhà văn Dương Thu Ái luôn tâm niệm: 'Tất chức tất lực tự nhiên hữu đức' (dành hết tâm sức cho công việc tự nhiên trở thành người có đức). Làm theo Bác, ông sống giản dị, tiết kiệm. Toàn bộ 80 nghìn trang bản thảo được ông viết trên giấy một mặt, bằng bút nhặt trong lúc 'bách bộ' rèn luyện sức khỏe. Nhiều người biết ông có thú tái sử dụng giấy, bút để cho ra đời những trang sách quý cho nên cứ có giấy, bút vẫn còn dùng được lại mang đến tặng ông. Ông chia sẻ: 'Có thể ai đó cho là tôi lẩn thẩn, khi các con cung cấp cả chục tập giấy trắng tinh, hàng tá bút loại tốt, nhưng tôi vẫn tận dụng đồ cũ. Có biết bao câu chuyện kể về lối sống giản dị của Bác Hồ, là Chủ tịch nước, Bác vẫn giữ nếp quen tiết kiệm, đáng quý như vậy thì vì sao mình không học. Hơn nữa, trước kia tôi  cũng từng trải qua thời kỳ rất khó khăn, phải bán than, bán muối kiếm sống, nay cũng không nên vì thấy đủ đầy mà phung phí'. Chẳng thế, dù bốn người con của ông đều là những doanh nhân thành đạt, hiếu đễ; có lúc nhà xuất bản mang trả cả trăm triệu đồng nhuận bút, nhưng ông vẫn giữ thói quen sống thanh bạch, không có nhu cầu hưởng thụ gì nhiều,  sống khỏe và được làm việc là nhu cầu lớn nhất. Ông đã viết những dòng tự bạch: 'Tiền bạc, cửa nhà đều thừa cả/ Duy chỉ thời gian là thiếu thôi/ Bút nhặt, giấy xin say hối hả/ Viết những trang vui hiến dâng đời'.

Ðể có được số lượng sách xuất bản đáng nể phục trong khoảng thời gian ngắn như vậy, bên cạnh ông có sự trợ giúp đắc lực của người vợ hiền, trọn đời chung thủy, tần tảo chăm lo gia đình để ông có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc mà ông say mê. Nhiều cuốn sách ông đã trân trọng đặt tên vợ là đồng tác giả. Dù tuổi cao, ông vẫn được tín nhiệm bầu vào Ban mặt trận khu phố. Gia đình ông là mẫu gia đình tiêu biểu của địa phương, được cấp bằng chứng nhận Gia đình văn hóa cấp thành phố nhiều năm liền; là tấm gương cho các gia đình trẻ noi theo.

 

                                                                   Theo NhanDan

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục