Cụ Bùi Văn Te (xóm Tân, xã Phú Lai) kể lại chiến công lịch sử bắt giữ phi công giặc.

Cụ Bùi Văn Te (xóm Tân, xã Phú Lai) kể lại chiến công lịch sử bắt giữ phi công giặc.

(HBĐT) - 37 năm sau ngày chiến thắng, cánh đồng bị bom Mỹ cày xới năm xưa giờ đây đã xanh màu ngô lạc trù phú. Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng ký ức, niềm tự hào về những năm tháng oai hùng đấu tranh bảo vệ đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người dân Yên Thuỷ. Dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, qua lời kể của các cụ cao niên, tinh thần và khí thế những ngày kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Yên Thuỷ như sống dậy đầy sục sôi, nhiệt huyết ...

 

Khu vực núi Táy Nứa (xóm Hạ, xã Phú Lai) sau bao nhiêu năm vẫn sừng sững, hiên ngang cùng dãy Trường Sơn. Trên đỉnh núi cao vút kia là xác máy bay Mỹ. Nơi đây, ngày 17/5/1965 đã xảy ra một sự kiện lịch sử mà những người dân Phú Lai không giấu niềm tự hào mỗi khi nhớ lại. Hướng ánh nhìn về đỉnh núi Táy Nứa, cụ Bùi Văn Te (90 tuổi, xóm Tân, xã Phú Lai) rành rọt kể về buổi sáng đáng nhớ ấy: Khi ấy, tôi đang là Bí thư Đảng uỷ xã, Chính trị viên xã đội. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 17/5/1965 có 4 chiếc máy bay Mỹ bay đến trận địa xóm Tân, trong đó có 1 chiếc đã bị dân quân bắn cháy. Chiếc máy bay bị cháy này đã đâm vào khu vực đỉnh núi Táy Nứa (thuộc dãy Trường Sơn). Lúc này, theo quan sát của lực lượng dân quân có một phi công đã nhảy dù ra khỏi máy bay. Trước tình hình đó, cụ Te đã tập hợp lực lượng dân quân và nhân dân trong xã chia thành các mũi truy lùng phi công. Cuộc truy lùng diễn ra từ khoảng 12 giờ đến 17 giờ thì bắt được phi công Nguyễn Nhật Chiêu. Khám xét trên người phi công thấy có giấy giới thiệu, tư trang mang theo gồm có 1 cái dù, 1 khẩu súng trong có 6 viên đạn, 1 chiếc thuyền phao và 1 con dao trinh sát. Trực tiếp áp giải phi công từ trên núi xuống, bà Bùi Thị Hào (70 tuổi, xóm Trung Hoa 2, xã Phú Lai) lúc ấy đang là dân quân của xã nhớ lại: Lúc này, sức khoẻ tên phi công rất yếu, mệt, đói lả, quần áo ướt và rách tả tơi. Với tinh thần nhân đạo nên dân quân và nhân dân trong xã đã không hề đánh đập phi công. Chúng tôi dẫn giải phi công về Ban chỉ huy tác chiến của xã, cho ăn uống đầy đủ và mặc một bộ quần áo dân tộc của đàn ông Mường. Sau đó, Ban chỉ huy tác chiến xã Phú Lai đã mời Ban chỉ huy tác chiến huyện về nhận bàn giao phi công. Những dân quân, nhân dân trực tiếp tham gia truy bắt phi công Nguyễn Nhật Chiêu cũng đã được đón lên huyện mừng thắng lợi. Chiến công lịch sử này là nguồn động viên tinh thần rất lớn để bà con nhân dân huyện Yên Thuỷ tập trung thi đua xây dựng CNXH và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1964 - 1975.

 

Nằm ở cửa ngõ lên Hoà Bình -  Tây Bắc và xuống đồng bằng Liên khu 3 nên Yên Thuỷ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, núi rừng Yên Thuỷ đã trở thành công sự thiên nhiên vững chắc, che chắn, bảo vệ cho hàng vạn cán bộ, bộ đội, dân công. Đây còn là địa bàn xây dựng, huấn luyện, trú quân trước khi ra chiến trường; là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, lương thực... Vì thế, đây cũng là địa bàn bị máy bay Mỹ tập trung bắn phá ác liệt. Ngày 5/3/1965, máy bay Mỹ bắn phá tại km 8, QL 12 trên địa bàn xã Ngọc Lương làm hỏng 1 xe ô tô, 2 người chết, chính thức mở đầu cho chiến dịch đánh phá tỉnh ta. Từ năm 1965 - 1967, giặc Mỹ đã tổ chức 3 chiến dịch lớn tập trung ném bom phá hoại Yên Thuỷ nhưng không vì thế mà nhân dân nao núng tinh thần. Trái lại, tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân Yên Thuỷ càng được nâng lên mạnh mẽ. Theo đó, phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu được giữ vững.

 

Cùng với cả nước, nhân dân Yên Thuỷ đã nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, góp phần cùng quân - dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của giặc Mỹ (1969 -  1972) và xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến lớn góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973 - 1975). Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Yên Thuỷ đã đóng góp cho chiến trường 3.800 tấn lương thực, 1.100 tấn thực phẩm, gần 700 tấn đậu tương, 400 tấn lạc và gần 600 tấn thuốc lá đối lưu. Tiến hành đào đắp trên 18.000 hầm, hố cá nhân, hơn 80.000 m giao thông hào phòng tránh máy bay, huy động hơn 634.000 ngày công phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Từ năm 1954 - 1975, Yên Thuỷ đã hoàn thành xuất sắc 26 đợt tuyển quân với 1.718 người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

 

Hoà bình lập lại, phát huy truyền thống bất khuất, anh hùng, nhân dân Yên Thuỷ đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục quê hương, thi đua lao động sản xuất, chăm lo sự nghiệp văn hoá,  giáo dục,  y tế. Cán bộ và nhân dân Yên Thuỷ đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực. Từ những năm 1964, lương thực bình quân đầu người toàn huyện mới đạt 15 kg/người/năm thì đến năm 2011 đã tăng lên 25 lần, đạt xấp xỉ 380 kg. Hiện nay, kinh tế Yên Thuỷ đạt mức tăng trưởng khá trên 10%, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm; văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư; an ninh xã hội ổn định; đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

 

 

                                                             Dương Liễu

 

 

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục