Toàn cảnh phiên họp tại hội trường của Quốc hội. 
(Nguồn: TTXVN)

Toàn cảnh phiên họp tại hội trường của Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 18/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án luật gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 

Mở đầu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm tiền gửi với 92,99% số phiếu tán thành. Luật này gồm 7 chương, 39 điều.

Luật bảo hiểm tiền gửi quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Luật này áp dụng đối với người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Tiếp theo, Quốc hội cũng đã thông qua Luật phòng, chống rửa tiền với 93,19% số phiếu tán thành. Luật này gồm 5 chương, 50 điều.

Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Đối tượng áp dụng là các Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; Tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

Luật phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Với 84,57% số phiếu tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Luật giáo dục đại học. Luật này gồm 7 chương, 73 điều.

Luật giáo dục đại học quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Đối tượng áp dụng của Luật này là các trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân có liên quan đến giáo dục đại học.

Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Cũng trong phiên họp này, với 88,18% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật này gồm 5 chương, 35 điều.

Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá được ghi rõ trong Luật như sau: Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra; Thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.

Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.

Cuối phiên họp, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 93,39% số đại biểu tán thành. Bộ luật gồm 17 chương, 242 điều.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Đối tượng áp dụng là người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại Bộ luật này; Người sử dụng lao động; Người lao động là công dân nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 05 năm 2013.

Sáng mai 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).

 

                                                         Theo Báo ĐCSVN

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục