Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.

(HBĐT) - Ngày 16/6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá Chương trình dự trữ hàng hóa Bình ổn giá. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Đăng Ninh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở Công thương, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT và đại diện các doanh nghiệp thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa Bình ổn giá của tỉnh.

 

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, biện pháp thực hiện chương trình bình ổn thị trường chủ yếu là chính quyền địa phương tạm ứng vốn ngân sách với lãi suất 0% hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp lựa chọn tham gia chương trình. Các doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ lượng hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác. Doanh nghiệp đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn với giá bán thấp hơn giá thị trường 5% - 10%. Thời gian thực hiện chương trình khoảng 4 – 5 tháng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Một số địa phương thực hiện cả năm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc thời gian thực hiện, doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn, hoàn trả lại ngân sách địa phương. Chương trình bình ổn giá bắt đầu thực hiện từ năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 thực hiện ở một số địa phương như hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên… Đến năm 2010, bắt đầu thực hiện ở các địa phương khác.

 

Với việc giao vốn cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, dự trữ hàng hóa với giá bán thấp hơn giá thị trường, chương trình đã tích cực góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đối với người tiêu dùng, nhất là người lao động, người có thu nhập thấp, qua Chương trình đã có cơ hội mua hàng hóa thiết yếu thấp hơn giá thị trường. Hiện, số điểm bán hàng BOG tại khu vực chợ truyền thống, chợ nông thôn chiếm khoảng 50% tổng số điểm bán hàng bình ổn giá, các tình huống thiếu hàng, sốt giá ít xảy ra.

 

Tuy nhiên, chương trình nảy sinh một số hạn chế như kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bình ổn trên địa bàn. Tại nhiều địa phương, điểm bán hàng mới tập trung ở các trung tâm thương mại, đô thị lớn, đối với nông dân, người thu nhập thấp tập trung ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận. Chương trình chưa có sự gắn kết với các đề án, chương trình bổ sung như phát triển kinh tế xã hội địa phương, liên kết giữa sản xuất – lưu thông – bán lẻ, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ. Mặt khác, do giá bán hàng bình ổn thường thấp hơn giá thị trường nên vô hình chung hình thành cơ chế 2 giá, tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, mua đi, bán lại hàng bình ổn nhằm hưởng chênh lệch… Hiện cả nước còn 15 tỉnh, thành chưa có điều kiện triển khai chương trình.

 

Tại tỉnh ta, chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn triển khai từ năm 2009, đến nay đã thực hiện 5 đợt ứng vốn, riêng năm 2011 có 2 đợt ứng vốn với tổng số tiền 100 tỷ đồng. Những nhóm mặt hàng tham gia bình ổn gồm lương thực, thực phẩm, dầu ăn, nước mắm, mì chính, chè, nước giải khát… Có 4 doanh nghiệp tham gia chương trình, tổ chức bán hàng bình ổn ở 16 điểm tại các siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh. Chất lượng, số lượng, giá bán hàng bình ổn đúng theo phương án được duyệt, ổn định suốt thời gian thực hiện. Chương trình cũng được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để nhân dân trong tỉnh nắm bắt thông tin kịp thời. Tỉnh ta đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm có chủ trương chỉ đạo về công tác bình ổn giá hàng năm; hướng dẫn các tỉnh về quy định, phương pháp, cách thức khi thực hiện chương trình. Đề nghị tiếp tục cho thực hiện chương trình vào dịp Tết và những dịp có biến động lớn về quan hệ cung – cầu hàng hóa trên thị trường.

 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chương trình bình ổn thị trường là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong điều kiện kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thúc đẩy, duy trì hiệu quả hơn nữa Chương trình trong 6 tháng cuối năm 2012 và những năm tiếp theo, các địa phương linh hoạt hơn trong kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, hiệp hội tham gia chương trình, nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa. Các tỉnh, thành phố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tham gia chương trình phát triển hệ thống bán lẻ. Các Bộ và Chính phủ kiên trì mực tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Những kiến nghị, đề xuất của các địa phương về quỹ bình ổn giá, các loại hàng hóa thiết yếu như gạo, muối, đường và một số mặt hàng nhạy cảm khác… Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập hợp, đề xuất giải pháp xử lý.

 

                                                                      Bùi Minh

 

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục