Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

(HBĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).

 

Thảo luận về nội dung này các đại biểu đã đề cập  một số nội dung liên quan đến công tác phòng - chống tội phạm. Nhiều đại biểu cho rằng việc mở rộng nguồn tội phạm hình sự cũng như các chế tài xử lý chưa thật sự phù hợp, cần được nghiên cứu thêm. Việc quy định trong luật về giảm án tử hình là một thay đổi lớn thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại rằng việc quy định người 70 tuổi trở lên không thi hành án tử hình như vậy là chưa chặt chẽ dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, đặc biệt là đối với loại tội phạm nguy hiểm được quy định trong 13 loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với mức xử lý hình sự nhiều đại biểu cũng quan tâm và cho rằng không nên để mức 5 triệu mà giữ nguyên như luật hiện hành. Tội phạm công nghệ cao, tội phạm khủng bố cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, trong đó nhấn mạnh rằng đối với tội phạm khủng bố nên có một chương quy định riêng để đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ hơn về nội dung này.

 

Đồng tình với quan điểm về sự cần thiết phải sửa đổi luật này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã chỉ ra rằng trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và qua thực tiễn 14 năm thi hành luật đã phát sinh những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong đó có tình trạng bỏ lọt các hành vi vi phạm gây xâm hại đến nhân phẩm, tính mạng, tài sản, xâm phạm đến quản lý kinh tế nhưng không được quy định trong Luật Hình sự để xử lý, răn đe. Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục việc vận dụng tùy tiện luật hình sự trong quá trình xử lý người phạm tội. Đại biểu đề nghị luật sửa đổi lần này cần nghiên cứu cân nhắc và rà soát một cách nghiêm túc và đầy đủ nhằm khắc phục tình trạng trên.

 

Đối với quy định về tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành; việc mở rộng nguồn trong luật hình sự, đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và ý kiến phát biểu của một số đại biểu như đã nêu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu và cân nhắc tính toán thêm đối với nội dung này. Đặc biệt là cần tính đến yếu tố của sự phát triển, bổ sung kịp thời để trong tương lai khi xây dựng luật sẽ tránh được sự tùy tiện, tình trạng tản mát và không minh bạch trong hệ thống pháp luật hình sự của chúng ta. Thứ hai là bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Song thực tế, qua nghiên cứu dự thảo cho thấy cả 3 điểm đều không thuyết phục bởi: Thứ nhất việc xác định đối tượng của pháp nhân hiện nay còn chưa rõ ràng; Thứ hai là các hành vi vi phạm, các điều kiện để xác định hành vi vi phạm của pháp nhân là gì? Việc xác định pháp nhân trong các trường hợp này rất khó khăn trong khi chế tài để xử lý pháp nhân chỉ là xử phạt vi phạm hành chính (rút giấy phép, phạt tiền giống như trong luật hành chính đã thực hiện). Một số hành vi của pháp nhân khi đưa ra khởi tố thì lại không đủ điều kiện xử lý pháp luật hình sự. Do vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này cần cá nhân hóa hành vi vi phạm của pháp nhân.

 

Đại biểu cũng nhất trí cao với dự thảo về việc hạn chế hình phạt tử hình, bởi đây là vấn đề phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, cần quan tâm thêm một số quy định ràng buộc bởi các công ước quốc tế, không nên bỏ Điều 88 về tội chống  phá nhà nước. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần quan tâm đến các biện pháp phòng - chống tội phạm và các biện pháp khác nhằm đảm bảo ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội. Đối với một số trường hợp đặc biệt do thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự hoặc vi phạm nhưng đã ăn năn hối cải quay trở lại giúp lực lượng chức năng phá án thì cần có chính sách khoan hồng với họ.

 

Về bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án. Vấn đề này đại biểu đề nghị cần được cân nhắc và tính toán thêm việc áp dụng quy chế này như thế nào cho phù hợp.

 

Đối với phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của vị chưa thành niên và biện pháp xử lý thay thế quy định tại Điều 90, 91, 92, 93 đại biểu đồng tình với quan điểm là chúng ta có chính sách hình sự nhân đạo đối với trẻ em và vị thành niên. Tuy nhiên, cần có chính sách thích hợp để  không bị bỏ lọt tội phạm vị thành niên đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời cũng cần rà soát lại quy định để có hình thức răn đe và xử lý thích đáng, loại bỏ quy định rườm rà tại Điều 91,92 (khiển trách, kiểm điểm, giáo dục cộng đồng). Theo đại biểu, không nên đưa vào Luật hình sự mà đưa vào Luật xử lý vi phạm hành chính là phù hợp.

 

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu hết sức quan tâm, đó là nội dung liên quan đến quy định về nhóm tội:

 

Đối với nhóm tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe: Đại biểu đề nghị cần rà soát lại để đảm bảo tính nghiêm minh của hình phạt. Từ hành vi vi phạm đến khung hình phạt cũng nên cụ thể hóa hơn, không nên để khung hình phạt quá dài mà không cụ thể việc áp dụng nó dẫn đến tùy tiện trong quá trình áp dụng.

 

Thứ hai là nhóm tội phạm về kinh tế: Đề nghị cần tiếp tục rà soát để không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hoạt động dân sự, hoạt động thương mại nhằm tránh gây khó khăn cho các hoạt động này.

 

Về tội phạm ma túy, đại biểu quan tâm đến 2 vấn đề: Thứ nhất, là vận chuyển ma túy của những đối tượng mà có điều kiện và khả năng hiểu biết hạn chế, đề nghị dự thảo cũng nên cân nhắc. Thứ hai, là các quy định điều kiện xác định hàm lượng ma túy để lượng hình. Trên thực tế hiện nay, việc quy định xác định hàm lượng như vậy dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi của các cơ quan điều tra, theo đại biểu thì nên quy định về khối lượng chứ không quy định về hàm lượng. Đại biểu đề nghị cần rà soát thêm về nội dung quy định này để dễ triển khai thực hiện và đảm bảo tốt trong công tác phòng - chống tội phạm về ma túy.

 

Nhóm tội phạm xâm hại sở hữu đề nghị nên xác định lại và có các điều kiện kép để  xử lý các hành vi trộm cắp. Việc quy định các quy phạm này nhằm triệt để xử lý loại tội phạm trộm cắp vặt.

 

Riêng nhóm tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế đề nghị cần rà soát lại, loại bỏ hoặc làm rõ các quy định không để các khoản vét còn tồn tại trong các điều luật. Ví dụ như tại Điểm e, Khoản1, Điều 228; Điểm e, Khoản 2, Điều 228 về hành vi khác vi phạm các quy định của nhà nước về các vấn đề về khai thác và bảo vệ rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị cần xác định rõ hành vi khác là hành vi nào? quy định của nhà nước là quy định ở cấp nào? vi phạm nào được xác định cấu thành vi phạm hình sự, vi phạm nào là vi phạm xử lý hành chính để tránh.  Hiện nay, các quy định này trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng, đại biểu đề nghị tất các các nội dung này cần rà soát lại, trong trường hợp không làm được rõ hành vi này thì nên loại bỏ chứ không nên đưa vào dự thảo luật để tránh việc áp dụng tùy tiện khi luật có hiệu lực thi hành, gây khó khăn trong quá trình áp dụng luật.  

 

Theo đó, đại biểu cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật này. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nên lập các nhóm chuyên môn để tiến hành thẩm tra từng chương, từng điều của dự thảo luật nhằm giúp cho Quốc hội rà soát lại một cách toàn diện và đảm bảo cho việc sửa đổi lần này thật tổng thể, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng khi xây dựng luật.

 

 

 

 

                                                         Bùi Thị Hiển

                           Văn Phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh (TH)

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục