(HBĐT) - Những năm qua, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được các cấp chính quyền quan tâm và là một trong những chủ trương lớn của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực. Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 55 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chiếm 11,2%; tổng vốn đầu tư khoảng trên 14, 5 nghìn tỷ đồng. Bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều tín hiệu đáng phấn khởi, đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, số lượng doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào khu vực nông nghiệp tăng đột biến.


Dự án đầu tư trang trại lõi và thực hiện phát triển vùng liên kết sản xuất bò giống cao sản được thực hiện tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Tín hiệu vui trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn

 

Dự án đầu tư trang trại lõi và thực hiện phát triển vùng liên kết sản xuất bò giống cao sản được thực hiện tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) trên diện tích hơn 104.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.102 tỷ đồng. Dự án do 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần T &T 159 (có trụ sở tại TP Hà Nội) và Công ty cổ phần chăn nuôi T &T 159 Lạc Sơn (có trụ sở tại huyện Lạc Sơn) là chủ đầu tư. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm với mục tiêu hoạt động bao gồm: Lắp đặt dây chuyền chế biến, sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) nhằm tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch như: rơm, rạ, thân cây ngô, cây sắn, bã mía... chế biến làm thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do các phế phụ phẩm nông nghiệp gây ra; xây dựng trang trại sản xuất bò giống cao sản chất lượng cao; lắp đặt dây chuyền phân hữu cơ. Dự án có công suất thiết kế đầu tư 1 dây chuyền chế biến sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR với tổng công suất khoảng 150 tấn /ngày; đầu tư 1 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ với tổng công suất 50 tấn /ngày; cung cấp định kỳ hàng năm 2.000 con bò giống chất lượng cao. Đến nay, dự án chính thức đi vào hoạt động.

Đây là một trong những dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn tại huyện Lạc Sơn và tạo giống bò cao sản chất lượng cao nhằm tạo nguồn giống tốt cho thị trường, tạo cú hích cho người dân mở rộng vùng trồng thức ăn gia súc, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương.

Tỉnh ta có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với các sản phẩm thế mạnh như cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giai đoạn 2008 - 2017 đã có 2.587 doanh nghiệp, nhà đầu tư được cấp giấy đăng ký kinh doanh, trong đó hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 174 doanh nghiệp, chiếm 6,7%. Số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng lên so với những năm trước, bởi các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã đi vào thực tiễn, được sự quan tâm, đồng thuận của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 47 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng diện tích trên 27 nghìn ha, tổng vốn đăng ký trên 5 nghìn tỷ đồng. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phần lớn theo hình thức trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, trồng rau, củ, quả sạch, cây dược liệu như: Dự án khu chăn nuôi lợn tập trung công nghệ an toàn sinh học (Lạc Thủy), Dự án trang trại chăn nuôi gà siêu thịt thương phẩm, trồng cây dược liệu và cây ăn quả (Yên Thủy), Dự án đầu tư trang trại lõi và phát triển vùng liên kết sản xuất bò giống cao sản (Lạc Sơn), Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình giai đoạn 2012 - 2020...

Đối với lĩnh vực sử dụng công nghệ chế biến nông sản chưa được các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát đầu tư. Theo thống kê, thu nhập bình quân của doanh nghiệp khoảng 1, 6 tỷ đồng/năm, thu nhập của người lao động trung bình khoảng 4 triệu đồng /tháng, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động tại địa phương; nộp ngân sách hàng năm của khu vực nông nghiệp, nông thôn khoảng trên 45 tỷ đồng /năm. Ngoài ra, việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp giúp tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng, cung cấp hàng hóa cho thị trường với yêu cầu cao và khắt khe hơn.

 

Để các chính sách đi vào cuộc sống

 

So với các ngành kinh tế khác, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn khiêm tốn. Trên thực tế, doanh nghiệp nông nghiệp vừa không mạnh, lại không đông. Chưa kể bên cạnh những doanh nghiệp mới được thành lập, năm qua có một số doanh nghiệp nông nghiệp do nhiều nguyên nhân khác nhau nên phải giải thể, phá sản... Đây là thực tế tuy khắc nghiệt nhưng luôn hiện hữu trong đời sống kinh tế. Trong khi đó, muốn phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp phải là những đầu tàu. Vì vậy, duy trì và thu hút thêm đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp vẫn là vấn đề cấp thiết. Để giữ chân và tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp, trước hết cần tập trung cải cách hành chính để họ yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của ngành, địa phương, trên cơ sở đó các ngành và các địa phương cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Mặt khác, cùng đồng hành với doanh nghiệp không chỉ riêng ngành Nông nghiệp mà cả ngành Công thương, Tài chính và các ngành khác cần quyết liệt tập trung thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, nhất là tháo gỡ vấn đề cốt lõi: thị trường tiêu thụ. Do đó, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào ngành nông nghiệp nhiều hơn, mạnh hơn và sâu hơn... Đây sẽ là cơ sở thuận lợi để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu, chế biến đến phát triển thị trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp thông qua khắc phục các vấn đề cố hữu như sản xuất manh mún; quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn hạn chế; cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo và thiếu hài hòa lợi ích… Tất cả các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn cần triển khai nhanh nhưng phải trên cơ sở đánh giá thực trạng của tỉnh. Khi ban hành chính sách để thực hiện Nghị định số 57 của Chính phủ, việc quan trọng là phải đánh giá tác động của chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đề nghị các ngành, các cấp phải bàn bạc, nghiên cứu; nếu cứ đặt ra trên giấy mà doanh nghiệp không mặn mà thì rõ ràng chính sách không đi vào thực tế cuộc sống.

Ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Theo đó, hàng loạt bất cập trong chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được thay đổi. Nghị định này quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như thuế, đất đai, tín dụng... Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân.

                                                                                             Đinh Thắng

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục