Ngày 17/2/2025, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Thông báo số 1392/TB-VPUBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu) (gọi tắt là đường liên kết vùng). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố hoàn thành công tác bồi thường GPMB trên toàn tuyến dự án đường liên kết vùng trước ngày 30/4/2025 để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.


Đơn vị thi công tiến hành san nền tuyến đường liên kết vùng qua địa phận xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Tính đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao cho đơn vị thi công 23,79km/32 km toàn tuyến, đạt khoảng 74%. Trong đó, huyện Kim Bôi bàn giao được 12,69/16,3km; huyện Lương Sơn bàn giao được 6,1km/7,9km; thành phố Hoà Bình bàn giao được 5/7,26km. Tuy nhiên, theo đánh giá, các vị trí được bàn giao vẫn xen kẹp, khó tiếp cận mặt bằng khi thi công.

Có 16km chiều dài tuyến chạy qua địa bàn, tổng diện tích đất huyện Kim Bôi phải GPMB phục vụ dự án đường liên kết vùng là 81,34 ha. Đến ngày 31/3/2025, huyện đã GPMB và bàn giao cho đơn vị thi công 69,44 ha, tương đương 12,69km chiều dài tuyến. Từ nay đến hết tháng 4, huyện phải thực hiện GPMB 11,9ha, tương đương chiều dài tuyến 3,62km. Theo báo cáo tiến độ của UBND huyện Kim Bôi, diện tích đất cần phải GPMB chủ yếu là đất ở, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở và đất rừng tại các xã. Cụ thể, hiện nay còn 397 thửa đất thuộc dự án chưa thực hiện xong thủ tục xác định nguồn gốc sử dụng đất, thửa đất để làm căn cứ bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân.

Đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi cho biết: Việc xác minh nguồn gốc đất thuộc thẩm quyền của UBND các xã. Đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải thực hiện kê khai đăng ký lần đầu. Đối với các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận, diện tích tăng giảm phải thực hiện đăng ký biến động đất đai. Tuy nhiên, hiện nay tương đối khó khăn do có nhiều biến động đất đai. Trong khi đó, việc lưu trữ hồ sơ địa chính chưa được đồng bộ; các hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất không theo quy định, không khai báo... Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xác minh nguồn gốc đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã cử cán bộ trực tiếp xuống xã hỗ trợ các quy trình, thủ tục cho các xã trong quá trình xác minh nguồn gốc đất. Đến thời điểm này, các xã đã hoàn thiện xong 122 thửa (đăng ký biến động đất đai 79 thửa; kê khai đăng ký lần đầu 43 thửa) và tiếp tục gấp rút thực hiện việc xác minh nguồn gốc đất đối với 275 thửa (đăng ký biến động đất đai 135 thửa; kê khai đăng ký lần đầu 140 thửa).

Tại huyện Lương Sơn, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án đường liên kết vùng đang được các cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, huyện đã GPMB được 27,29ha/41,21ha diện tích đất cần thu hồi, còn phải GPMB 13,92ha. Tuy nhiên, công tác bồi thường GPMB còn nhiều vướng mắc do có những vị trí đất rừng bị chồng lấn, cấp sai vị trí, chênh lệch diện tích đất thực tế so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Theo đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, trong 13,92ha đất cần thu hồi có 6,32ha diện tích bãi đổ thải; 0,58ha đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 4ha đất rừng bị chồng lấn, cấp sai vị trí sử dụng đất; 0,4ha thuộc Nhà máy gạch Tường Anh; 1,29ha đất có chênh lệch giữa thực địa và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Triển khai công tác GPMB, UBND huyện đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thực hiện trích đo, xác định quy chủ sử dụng đất đối với 6,32ha diện tích đất bãi đổ thải. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã thực hiện kê khai, kiểm kê lại đối với các hộ sử dụng khu đất bãi đổ thải và UBND xã Cao Sơn đang thực hiện xác minh nguồn gốc đất để công khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Đối với diện tích đất bị chồng lấn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp kiểm tra xác định vị trí chồng lấn và hướng dẫn các hộ làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Sau khi có kết quả, huyện sẽ thực hiện công khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo hiện trạng sử dụng đất của các hộ. Riêng đối với diện tích đất bị chênh lệch, huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn trích đo để thực hiện điều chỉnh bản đồ trích đo thu hồi đất. Ngoài ra, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối với các hộ có diện tích đất đã thực hiện công khai phương án bồi thường hỗ trợ.

Gấp rút triển khai công tác GPMB, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hoà Bình cũng đang phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp, lập phương án bồi thường hỗ trợ và thực hiện công khai phương án bồi thường. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, công tác đền bù GPMB giai đoạn này được xác định là nhiệm vụ cấp bách. UBND thành phố Hoà Bình sẽ lên phương án cưỡng chế đối với các hộ cố tình không phối hợp thực hiện công tác đền bù GPMB.

Cùng với việc gấp rút thực hiện công tác GPMB, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương thực hiện bố trí các vị trí đổ thải cho dự án; quy hoạch các mỏ đất đắp ngoại tuyến và di chuyển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đơn vị thi công triển khai dự án. 


Phương Linh

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Nước rút hoàn thành dự án khu tái định cư xóm Rài

UBND huyện Lạc Sơn đã tổ chức cho 66 hộ phải di chuyển khấn cấp do bão số 3 năm 2024 tại xóm Rài, xã Tuân Đạo bốc thăm lựa chọn vị trí tại khu tái định cư (TĐC). Huyện quyết tâm trong tháng 4 hoàn thành hết các hạng mục phụ trợ, để người dân có thể yên tâm về nơi ở mới trước mùa mưa bão năm 2025.

Quý I, giải ngân 8 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân

Trong quý I/2025, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh đã tổ chức giải ngân 8 dự án với tổng số tiền 3,12 tỷ đồng, cho 85 hộ vay. Từ nguồn vốn giải ngân, các hộ sử dụng để thực hiện các dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi cá dầm xanh tại xã Cao Sơn, Thanh Cao (Lương Sơn), xã Hợp Thành (TP Hòa Bình), xã Đông Bắc (Kim Bôi), xã Chí Đạo (Lạc Sơn), xã Giáp Đắt (Đà Bắc), xã Vạn Mai (Mai Châu), xã Tử Nê (Tân Lạc).

Tài sản trí tuệ - “của để dành” cho thương hiệu bản địa

Ở huyện Cao Phong, người trồng cam từng tự hào gọi trái cam vàng óng của mình là "vàng ròng trên cành lá”. Một thời, cam Cao Phong là niềm kiêu hãnh của Hòa Bình không chỉ vì vị ngọt, mà vì đây là thương hiệu nông sản đầu tiên của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2024, UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển quyền quản lý chỉ dẫn địa lý "Cao Phong” về cho UBND huyện, đây là bước điều chỉnh nhằm phù hợp với Nghị định số 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ và thực tiễn triển khai tại cơ sở.

Hợp tác xã Đà Giang ECO - bước tiến trong nuôi trồng và chế biến thủy sản sạch

Là một trong những mô hình hợp tác xã (HTX) tiên phong trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản sạch, HTX Đà Giang ECO đã khẳng định được vị thế không chỉ tại tỉnh Hòa Bình, mà còn trên các thị trường lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Thành lập năm 2023, sau hai năm hoạt động, HTX đạt nhiều thành tích nổi bật, góp phần phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản địa phương.

Bản lĩnh quốc gia trước quyết định áp thuế của Hoa Kỳ

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là một quyết định rất đáng tiếc – nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, mà còn làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.

Huyện Lạc Thủy ưu tiên nguồn lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lạc Thuỷ đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sản xuất CN - TTCN ổn định. Cùng với đó, huyện quan tâm hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. Hiện trong huyện có 1 làng nghề chế tác đá cảnh được công nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục