Hợp tác xã Thảo mộc xanh Hunas home, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Thăm Hợp tác xã (HTX) Thảo mộc xanh Hunas home ở phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, giữa những triền đồi xanh mướt là vườn cây thuốc như núc nắc, lá bệ, nhội, hoa hồng, chanh, sả... HTX không chỉ ươm trồng những cây thuốc quý, mà còn sản xuất nhiều sản phẩm xanh như trà thuốc chữa bệnh, trà hoa nghệ thuật, hàng tiêu dùng... cung cấp cho thị trường Hòa Bình và các tỉnh, thành phố lân cận. Chị Vũ Thị Nga, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi được thành lập, HTX tập trung trồng, sản xuất, chế biến những sản phẩm thảo mộc địa phương được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng. HTX tận dụng lợi thế của địa phương có nguồn thảo dược dồi dào và tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn với thu nhập ổn định.
Tỉnh Hòa Bình sở hữu hệ sinh thái phong phú với nhiều loại đất, loại rừng, thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển các loài cây dược liệu. Đặc biệt là tiềm năng hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung và bảo tồn, khai thác, phát triển các loại dược liệu tự nhiên, giá trị cao, quý hiếm. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh có trên 2,3 nghìn ha cây dược liệu, hương liệu hàng năm được trồng và khai thác. Các loại cây trồng có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1,6 nghìn ha; cà gai leo 379 ha; xạ đen gần 300 ha. Nhiều loài đặc hữu, có giá trị dược liệu cao được người dân bản địa phát hiện và sử dụng từ lâu đời. Những kiến thức, kinh nghiệm trong việc nhận biết, thu hái, sử dụng các loại cây thuốc bản địa được truyền lại qua nhiều thế hệ, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển dược liệu. Đây là hướng đi lâu dài và bền vững trong phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Trên địa bàn tỉnh đã có một số vùng trồng dược liệu tập trung, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư bài bản. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp, HTX quan tâm đầu tư vào lĩnh vực dược liệu, xây dựng các vùng chuyên canh dược liệu quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GACP-WHO để đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định các loại cây dược liệu chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng. Hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để nghiên cứu, chọn tạo giống cây dược liệu có năng suất, hàm lượng hoạt chất cao. Phát triển quy trình canh tác tiên tiến, bền vững, thân thiện với môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm dược liệu có giá trị gia tăng cao như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc đông y hiện đại. Xây dựng thương hiệu dược liệu Hòa Bình uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm. Phát triển kênh phân phối đa dạng, bao gồm cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử. Nâng cao trình độ chuyên môn cho người dân và cán bộ quản lý trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến và kinh doanh dược liệu. Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX.
Hoà Bình chú trọng thực hiện các biện pháp bảo tồn loài dược liệu quý hiếm, ngăn chặn tình trạng khai thác cạn kiệt. Phát triển các mô hình canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dược liệu. Tăng cường liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý để tạo thành chuỗi giá trị dược liệu hoàn chỉnh. Hợp tác với các địa phương khác và đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường. Việc phát triển ngành dược liệu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo mà còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái.
Lâm Đức