Nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế rừng, ngày 30/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hoà Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đề ra mục tiêu duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%, có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, nhỏ được chuyển hoá sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết, không chỉ diện tích rừng trồng gỗ lớn tăng lên đáng kể mà tư duy nhận thức của người dân về trồng rừng gỗ lớn ngày càng rõ nét, mang lại sinh kế cho người trồng rừng.


Để nâng cao giá trị rừng trồng tại địa phương, trên địa bàn huyện Lạc Thủy hiện có 19 cơ sở chế biến gỗ với các sản phẩm đa dạng. Ảnh chụp tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy.

"Rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao"

Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Nhinh (xóm Khoang, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ) - một chủ rừng có hơn 20 năm gắn bó với nghề rừng và cũng là người sở hữu diện tích rừng trồng lớn nhất tại xã Hưng Thi hiện nay. Có một điều đặc biệt, hơn 20 năm gắn bó với nghề rừng cũng là từng ấy năm ông Nhinh lựa chọn phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Hướng đi ấy đã giúp gia đình ông "đổi đời" nhờ rừng.

Ông Nhinh vốn là người làm dịch vụ vận tải và không có nhiều kiến thức về trồng rừng. Tuy nhiên, những năm 2000, có nhiều hộ dân trên địa bàn xã nhận khoán rừng trồng nhưng không có khả năng canh tác, để đất bỏ hoang. Tiếc đất và có sẵn vốn, ông bắt đầu mua gom lại đất rừng bị bỏ hoang và cải tạo để trồng keo. Khác với các hộ cũng trồng keo trên địa bàn, ông Nhinh không khai thác theo chu kỳ 5 - 7 năm mà quyết tâm để cây phát triển đến chu kỳ 10 năm mới khai thác. Ông Nhinh cho biết: "Sau khi quyết định chuyển hướng trồng rừng, đi học hỏi kỹ thuật trồng keo, tôi nhận thấy thời điểm năm thứ 7 trở đi cây keo sinh trưởng và phát triển nhanh, đây là thời kỳ có thể tạo sinh khối gỗ lớn nhất. Đến năm thứ 10 thì cây keo đạt được chất lượng rất tốt, lúc đó cây được bán theo thành phẩm gỗ nên rất có giá, đặc biệt càng về sau công chăm sóc càng giảm, giá thành lại càng cao”.

Nhận thấy giá trị kinh tế mang lại từ những chu kỳ đầu tiên, ông Nhinh tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư trồng keo theo hướng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Đến nay, gia đình ông có trên 100 ha rừng keo, liên tục trồng gối vụ. Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập 3 - 4 tỷ đồng từ rừng. "1 cây keo 10 năm tuổi có thể bán thành 3 dòng sản phẩm. Gốc, thân đủ đường kính từ 30 cm trở lên bán gỗ thương phẩm; phần thân đường kính dưới 30 cm bán gỗ bóc; ngọn, cành có thể bán theo khối làm gỗ dăm, giá trị cây keo vì thế mà tăng lên. Vì vậy, có những chu kỳ gia đình tôi thu gần 300 triệu đồng/ha", ông Nhinh cho biết thêm.

Kéo dài chu kỳ cây, hướng tới trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cũng là hướng đi mà ngành lâm nghiệp huyện Lạc Thuỷ định hướng cho nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn. Hiện nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn của huyện đạt hơn 550 ha, chiếm khoảng 8,2% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng. Sản lượng rừng gỗ lớn của huyện trồng từ năm 2017 tăng từ 45m3/ha đến năm 2025 tăng lên 95m3/ha, thu nhập bình quân đạt 85 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế rừng mang lại, huyện Lạc Thuỷ đã đưa việc phát huy tiềm năng, lợi thế rừng và đất rừng, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp là một trong những khâu đột phá chiến lược của huyện.

Ngoài Lạc Thuỷ, tại nhiều huyện, thành phố, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân nhằm chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng kinh doanh gỗ lớn, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế rừng bền vững. Chính vì vậy, tư duy, nhận thức về phát triển rừng và trồng rừng gỗ lớn ngày càng rõ nét, hiệu quả. Đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên 7.740 ha, trong đó trên 95% diện tích trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Diện tích này là điều kiện quan trọng, tiên quyết để trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt khoảng 30 nghìn ha năm 2025. Diện tích rừng được chuyển hoá từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt trên 25.219 ha, đạt 168% so với chỉ tiêu đề ra.

Nâng cao chuỗi liên kết giá trị ngành lâm nghiệp

Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Chiến lược, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững với mục tiêu đưa ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Tỉnh ta phấn đấu năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu đồng/ha/năm). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.

Việc triển khai trồng rừng gỗ lớn là tiền đề quan trọng để phát triển các sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu, tăng tỷ trọng giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp. Thực tế hiện nay, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chú trọng liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ chế biến xuất khẩu. Một trong những chuỗi liên kết giá trị đã được nhiều địa phương áp dụng là việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) phục vụ xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm cho biết: UBND các huyện, thành phố đã đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC để phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có trên 18.896 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, việc liên kết còn lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ, chưa chặt chẽ và chuỗi liên kết này mới dừng lại ở khâu doanh nghiệp tuyên truyền và hợp tác với chủ rừng hiện có rừng, chưa hình thành các chuỗi đầy đủ, khép kín, đồng thời quy mô diện tích còn hạn chế so với diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh.

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Hoàng Xuân Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn cho biết: FSC hiện tại mới giải quyết được câu chuyện "có chỉ dẫn địa chỉ vùng nguyên liệu và người dân được tiếp cận quy trình kỹ thuật lâm sinh..." phục vụ cho hoạt động xuất khẩu là chính, chưa triệt để phát huy hết tính "bền vững - lâu dài”. Lời giải sâu xa cho bài toán sinh kế của người trồng rừng chính là làm sao để sống được nhờ rừng từ các sản phẩm của rừng trồng chất lượng, là xây dựng được một nền sản xuất công nghiệp chế biến gỗ đủ tiêu chuẩn để cung cấp ra thị trường và phục vụ xuất khẩu. Để làm được điều đó, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn cần xây dựng được chuỗi giá trị liên kết từ bảo vệ, phát triển rừng. Tại Lạc Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng. Trong đó, Hạt đã hỗ trợ người dân đưa giống keo lai cấy mô vào trồng thử nghiệm. Đây là giống keo lai được nuôi cấy bằng mô thuộc dòng cây giống chất lượng cao. Ưu điểm là có tính đồng đều cao, sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt, đặc biệt năng suất cao gấp 4 - 5 lần so với các giống keo thông thường. Đến tuổi thành thục (cùng chu kỳ canh tác 5 - 10 năm) cho sinh khối trung bình 20 - 25 m3/năm. Mới đây, trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên gỗ nén và nhiều loại sản phẩm khác chế biến từ gỗ thuộc của Công ty BVN Hoà Bình. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để huyện có thể phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng các chuỗi giá trị liên kết trong ngành lâm nghiệp.

Trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay, "liên kết và chuẩn hóa quy trình chuỗi” là xu hướng tất yếu, chìa khóa giúp phát triển và hội nhập. Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi, làm tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế, từ đó phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất lâm nghiệp. Để xây dựng chuỗi giá trị liên kết, ngành Kiểm lâm đang hướng tới triển khai hỗ trợ xây dựng hình thành nhóm chủ rừng liên kết dưới dạng tổ hợp xã hay nhóm hộ; thành lập bộ quản lý nhóm hộ, hợp tác xã trực tiếp quản lý, hướng dẫn thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp nhằm hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm và phát triển thị trường; đặc biệt quan tâm hỗ trợ vốn vay, không lãi suất khi cho hộ gia đình liên kết để phát rừng trồng gỗ lớn.

(Còn nữa)


Đinh Hòa

Các tin khác


Sẵn sàng khởi công Dự án khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ 

Theo kế hoạch, ngày 19/5, Dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ  sẽ chính thức khởi công tại xóm Cóc Lẫm, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi. Công tác chuẩn bị đang được chủ đầu tư và UBND huyện Kim Bôi gấp rút triển khai. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình

Đó là chỉ đạo của đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về đôn đốc triển khai Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025.

4 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 745 triệu USD 

4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình đạt 745,96 triệu USD, tăng 16,57% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt 191,71 triệu USD, cho thấy xu hướng tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Trong nỗ lực cơ cấu lại ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) để tạo sự phát triển bứt phá hơn, giải pháp được tỉnh Hòa Bình chú trọng là đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) với hạ tầng đồng bộ và có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Quá trình thực hiện tuy còn nhiều khó khăn nhưng cho thấy sự đúng đắn từ quyết sách đến những bước đi bài bản, thận trọng.

Chuyên gia JPMorgan nêu lý do khiến giá vàng có thể biến động mạnh

Các nhà phân tích tại JPMorgan đã nêu kịch bản trong đó giá vàng có thể chạm ngưỡng 6.000 USD/ounce vào năm 2029, tăng gần gấp đôi so với mức 3.300 USD/oune hiện nay.

Vốn chính sách giúp giải quyết việc làm cho hơn 3.800 lao động

Trong 4 tháng đầu năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã giải ngân hơn 761,5 tỷ đồng cho 12.657 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt doanh số cao nhất với trên 239 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ tạo việc làm cho 3.892 lượt lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục