Sau gần 4 năm, 113 tỷ đồng vốn đầu tư công từng ngày hiện hữu nơi vùng lòng hồ sông Đà qua những mái lớp học mới, những trung tâm học tập cộng đồng khang trang… và những con đường bê tông bám sườn núi như mạch máu dẫn ánh sáng văn minh lên cao.


Cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy trò trường PTDT bán trú THCS Tiền Phong (Đà Bắc) là minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng từ Dự án ổn định dân cư vùng hồ Sông Đà.

Không chảy ào ạt, dòng tiền ấy đi đến tận cùng những nơi gian khó, mang theo sự ổn định, gắn kết và cả khát vọng phát triển bền vững. Dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng, ổn định dân cư vùng hồ sông Đà đang âm thầm "chữa lành" những khoảng trũng lớn trong hành trình tái định cư. Ở đó, đồng vốn không chỉ tạo ra công trình  mà mở ra tương lai. 

Những công trình hiện hữu

113 tỷ đồng không phải con số lớn nhưng mang sức nặng của một lời hứa. Hứa đưa dân ra khỏi những căn nhà tạm ven núi, khỏi những điểm sạt lở nằm cheo leo giữa mưa lũ. Hứa xây lại nền tảng sống mới vững chãi hơn, an toàn hơn.

Từ năm 2021 đến hết quý I/2025, nguồn vốn đầu tư công cho Dự án nâng cấp hạ tầng, ổn định dân cư vùng hồ đã được giải ngân lũy kế hơn 113 tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, tính đến nay, 10/11 công trình đã hoàn thành xây dựng. Công trình còn lại là tuyến đường nông thôn xóm Mó Nẻ, Lau Bai (xã Vầy Nưa) đang gấp rút thi công, dù phải gia hạn tới ba lần vì vướng đất rừng, thời tiết bất thường và thay đổi chính sách bồi thường.

Các hạng mục trải đều ở nhiều xã: Nhà hiệu bộ và lớp học bộ môn Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tiền Phong; trung tâm học tập cộng đồng tại các xã Cao Sơn, Mường Chiềng, Đồng Chum; hệ thống thủy lợi xóm Ấm, xóm Mọc (xã Nánh Nghê)… Mỗi nơi một công trình, nhưng cùng góp phần vào hành trình chung: giữ chân người dân trên đất cũ, tạo dựng niềm tin vào tương lai trên đất mới.

Ổn định dân cư không chỉ là đưa người dân đến nơi ở mới. Quan trọng hơn, đó là tạo ra đời sống mới an toàn hơn, bền vững hơn, đủ điều kiện để phát triển. Dự án nâng cấp hạ tầng vùng hồ Sông Đà đã làm được điều đó.

Mỗi công trình hoàn thành là một tiêu chí nông thôn mới được đánh dấu. Đường giao thông liên xóm giúp các xã đạt tiêu chí số 2. Hệ thống kênh mương nội đồng đạt chuẩn - tiêu chí số 3 về thủy lợi. Trường học khang trang nâng hạng tiêu chí số 5. Nhà văn hóa, trung tâm cộng đồng giúp hoàn thành tiêu chí số 6 và 16.

Không ít xã vùng chuyển dân như Tiền Phong, Nánh Nghê, Đồng Chum đã từng chật vật khi đánh giá tiến độ xây dựng nông thôn mới. Nay nhờ dự án, những "lỗ hổng” hạ tầng từng khiến địa phương trăn trở suốt nhiều năm đã dần được lấp đầy.

Chính sách ổn định dân cư đã không dừng lại ở chuyện di dời mà đang làm đúng điều cần làm: tạo dựng điều kiện sống ổn định và phát triển. Mỗi công trình hoàn thành là một nấc thang nâng chất lượng sống, là nền móng vững chắc để các xã về đích nông thôn mới đúng lộ trình.

Rào cản và cách vượt rào

Không có hành trình thay đổi nào dễ dàng, nhất là ở nơi địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt và chính sách còn nhiều điểm giao thoa phức tạp như vùng hồ Sông Đà.

Rào cản lớn nhất chính là đất rừng. Nhiều công trình nằm trong khu vực thuộc quy hoạch ba loại rừng, đòi hỏi phải có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là khâu vừa nhạy cảm, vừa mất thời gian. Chính vướng mắc này đã khiến công trình như tuyến đường Mó Nẻ - Lau Bai (xã Vầy Nưa) phải xin gia hạn tới ba lần, kéo dài tiến độ thi công từ 500 lên 730 ngày.

Thêm vào đó, thời tiết ở Đà Bắc không đơn thuần là bất lợi, mà là thử thách thực sự. Cơn bão số 3 năm 2024 kéo dài khiến tuyến đường vừa thi công xong đã sạt lở, taluy trượt, mặt bằng thay đổi, buộc phải đo đạc, điều chỉnh, nắn tuyến lại từ đầu. Máy móc không thể tiếp cận công trình trong suốt gần một tháng. Cán bộ kỹ thuật, nhà thầu, chính quyền xã phải bám hiện trường ngày đêm để tìm cách xoay chuyển.

Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực cũng khiến nhiều văn bản dưới luật hết hiệu lực theo. Trong một giai đoạn ngắn, dự án lâm vào thế chờ đợi chính sách. Chỉ đến khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND về việc tiếp tục sử dụng đơn giá bồi thường cũ, dòng việc mới được khơi thông.

Nhưng chính trong gian khó ấy, ý chí của cả hệ thống chính trị địa phương đã bộc lộ rõ. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, địa phương cùng đơn vị thi công bền bỉ kiến nghị điều chỉnh, bám sát tình hình thực tế, tìm mọi cách giữ tiến độ, nỗ lực hoàn thành trước mùa mưa.

Có những đoạn đường được mở ra trong rất nhiều trở lực. Có những công trình được hoàn thành nhờ sự kiên định của một tầm nhìn: không để dân phải sống trong tạm bợ quá lâu. Đó là lúc chính sách không chỉ đúng, mà còn được thực thi bằng quyết tâm thật sự.

Ở vùng hồ Sông Đà, từng đồng vốn được triển khai không vội vã nhưng đúng hướng. Một đề án lớn không được đánh giá bằng quy mô ngân sách, mà bằng chiều sâu của sự hồi sinh. Và nơi đây, hồi sinh không còn là ước vọng.


Minh Vũ

Các tin khác


Thủ tướng đề nghị World Bank hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn

Sáng 15/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia của Văn phòng World Bank khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia. Thủ tướng đề nghị World Bank cải cách thủ tục, điều kiện vay vốn; tư vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược, thực hiện "bộ tứ chiến lược”, nhất là phát triển hạ tầng với các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Tỉnh Hoà Bình tham gia hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2025”

Ngày 15/4, tại tỉnh Hưng Yên diễn ra hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025”. Hội nghị do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc.

Huyện Mai Châu trên hành trình đổi mới

Huyện Mai Châu có vị trí quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng. Trên địa bàn huyện có quốc lộ 6 chạy qua. 50 năm kể từ khi thống nhất đất nước, vùng đất Mai Châu đã "thay da, đổi thịt".

Huyện Đà Bắc lồng ghép nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng

Giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên hàng đầu của huyện Đà Bắc là đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong bối cảnh nhiều thách thức, huyện đã khắc phục khó khăn, linh hoạt lồng ghép nguồn lực thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ quan trọng này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục