Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục thể hiện vai trò trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững, khẳng định vị thế là trụ đỡ vững chắc trước bối cảnh nhiều thách thức về thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường.


Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình (Yên Thủy) được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Tháng 1/2025, lần đầu tiên có 2 sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) công nhận là sản phẩm cấp quốc gia (OCOP 5 sao), gồm măng chua thái sẵn và măng nứa khô nấu ngay do Công ty cổ phần Kim Bôi ở thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) sản xuất. Đây là minh chứng rõ nét cho giá trị nông sản địa phương ngày càng được nâng tầm.

Ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần Kim Bôi cho biết: Để giữ vững và phát triển 2 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, không để "chết danh”, công ty đã xây dựng kế hoạch để thực hiện từng năm. Trong đó, trước mắt tập trung duy trì ổn định vùng nguyên liệu sạch, bền vững. Kiểm soát chặt quy trình sản xuất - chế biến - bảo quản. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Chủ động tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là các nước đã có sản phẩm được xuất khẩu tới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 - 5 sao, đạt và vượt so với kế hoạch năm 2024 là 250%. Cùng với kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt 3,25%, giá trị sản xuất đạt khoảng 13.900 tỷ đồng, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong quý I/2025, ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,19% so với cùng kỳ, góp phần vào tổng mức tăng trưởng GRDP toàn tỉnh 12,76%, chỉ đứng sau tỉnh Bắc Giang trên phạm vi cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh với 83/129 xã đạt chuẩn, đạt 64,3%; toàn tỉnh có 32 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu.

Sản xuất trồng trọt ổn định và hiệu quả. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt khoảng 200 triệu đồng, riêng cây trồng chủ lực đạt trên 265 triệu đồng/ha. Công tác phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát chất lượng giống và duy trì mã số vùng trồng được quan tâm đúng mức, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chăn nuôi phát triển ổn định với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 9,8 triệu con. Lĩnh vực thủy sản giữ vững đà tăng trưởng với sản lượng ước đạt 12.550 tấn trong năm 2024, tăng 5% so với kế hoạch. Hoạt động sản xuất giống thủy sản và quan trắc môi trường nuôi được triển khai bài bản. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Diện tích trồng rừng vượt kế hoạch, đạt trên 9.000ha. Thu nhập từ rừng của người dân ngày càng tăng nhờ vào sản lượng khai thác gỗ, lâm sản phụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng.

Song song với việc đẩy mạnh sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt làxuất khẩu. Trong năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm sản của tỉnh ước đạt trên 555 tỷ đồng, trong đó, nông sản xuất khẩu chiếm hơn 334 tỷ đồng, sản lượng khoảng 18.358 tấn. Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như mía, chè, măng, lạc, bưởi, cam, ớt muối, rau củ muối… tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu ổn định. Đặc biệt, trong năm, tỉnh đã hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu thành công hơn 58 tấn cam và bưởi Diễn sang các thị trường: Anh, Mỹ, Malaysia, từng bước góp phần khẳng định chất lượng và nâng tầm thương hiệu nông sản Hòa Bình trên thị trường quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&MT cho biết: Năm 2025, ngành NN&MT Hòa Bình đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,3%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng; có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; chuẩn hóa 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên... Để hoàn thành mục tiêu này, ngành tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa quản lý sản xuất nông nghiệp; phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, góp phần đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững hơn...


Thu Hằng


Các tin khác


Kết quả nổi bật phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình quý I/2025

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và tạo dư địa để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh. Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Điện đi trước một bước để phát triển kinh tế

Từ chỗ hạ tầng thiếu thốn, lưới điện xuống cấp, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện chỉ đạt hơn 38%, đến nay, ánh sáng điện quốc gia đã lan tỏa khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa tỉnh Hòa Bình. Từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, phát triển KT-XH ở các địa phương.

Chuyển mình trên vùng đất cách mạng Đà Bắc

Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đà Bắc đã ghi dấu những chiến công vang dội, trong đó có chiến tích của quân, dân xã Trung Thành bắn rơi máy bay Mỹ khi chúng ra sức đánh phá miền Bắc. Ngày nay, trong dòng chảy của hòa bình và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng, nơi đây bền bỉ dựng xây quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đầu tư phát triển vùng dược liệu quý

Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc với núi non hùng vĩ, Hòa Bình không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn ẩn chứa một kho tàng giá trị: nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng.

Tạo sức bật cho nghề truyền thống

Thời gian qua, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, nấu rượu cần, chế tác gỗ lũa, đá cảnh… không chỉ lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Để phát triển bền vững, ngoài việc gìn giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, tỉnh và các địa phương đã, đang có nhiều biện pháp hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục