Hiện đại hóa kho chứa lương thực là khâu quan trọng trong sản xuất lúa hiện nay.

Hiện đại hóa kho chứa lương thực là khâu quan trọng trong sản xuất lúa hiện nay.

Thị trường thế giới ngày càng chuẩn mực hơn, trong đó có những quy định khắt khe về chất lượng nông sản. Muốn xuất khẩu, không cách gì khác hơn là chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu đó. Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đòi hỏi phải thay đổi tập quán, giống, phương pháp canh tác, khoa học kỹ thuật. Sự trở bộ của các ngành này trong nước hiện nay ra sao, có đáp ứng được nhu cầu thực tế đang đòi hỏi?

Đảm bảo chất lượng xuất khẩu

Hiện nay, thị trường xuất - nhập khẩu nông sản thế giới đang được kiểm soát bởi hệ thống đại siêu thị, tập đoàn đa quốc gia với các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi mua một quả táo có gắn nhãn mác từ Mỹ hay Australia tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể truy ra được nguồn gốc, xuất xứ, cách thức sản xuất thông qua các chỉ số trên nhãn mác đó. Yêu cầu trên cũng tương tự như đối với trái cây hay hạt gạo của nước ta. Điều này đòi hỏi nông sản – muốn xuất khẩu – phải hợp chuẩn.

Nắm bắt được những khó khăn trên, từ năm 2006, các nước Đông Nam Á đã công bố bản quy trình GAP (Good Agricultural Practices: Thực hành nông nghiệp tốt) chung cho các nước thành viên.

Năm 2008, Việt Nam cũng ra mắt tiêu chuẩn riêng của mình có tên viết tắt là VietGAP. Đây là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt, bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và các yếu tố liên quan như: môi trường, chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động...

TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường ĐH Cần Thơ) nhận xét: “Trong 4 cái khó của nông sản nước ta (số lượng, an toàn thực phẩm, chất lượng và giá cả), cái khó nhất chính là thực hiện quy trình VietGAP. Thực tế, các nước trong WTO đều đặt ra những yêu cầu riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm như EU có “Eurep GAP”, Austrailia có “Fresh Care”. Mục đích không chỉ đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng mà còn là rào cản kỹ thuật các nước sử dụng để hạn chế một mặt hàng nhập khẩu nào đó. Vì vậy, quy trình VietGAP sẽ là “chìa khóa” thành công cho xuất khẩu nông sản”.

GSTS Võ Tòng Xuân cho rằng, các nhà (nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh - doanh nghiệp, nhà khoa học) phải sát cánh hơn nữa để thực hiện bằng được quy trình VietGAP, vì đây chính là yếu tố sống còn của nông - thủy sản Việt Nam khi hội nhập.

Cùng chung quan điểm này, ông Joseph Ekwan, chuyên gia quốc tế về thực phẩm trong nông sản cho rằng, chương trình VietGAP phải tập trung vào an toàn thực phẩm và dựa vào mô hình Asean GAP. Hiện đa phần nông dân nước ta dường như chưa hiểu rõ VietGAP là gì, họ cũng chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ trong việc áp dụng các quy trình của VietGAP. Bởi vậy, việc hình thành các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap vẫn là chặng đường gian nan.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng VietGAP là việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất ở các địa phương còn chậm, diện tích quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung còn rất ít. Đến nay, tổng diện tích trồng rau an toàn cả nước mới chỉ đạt 8-8,5%, một số nơi triển khai Global GAP hoặc Viet GAP nhưng chỉ mang tính cục bộ, diện tích không đáng kể. Thậm chí nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất an toàn hoặc còn rất manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng: “Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là đầu mối lây lan dịch hại, mầm bệnh. Không chỉ vậy, có đến 90% nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng thuốc không đúng liều lượng, dùng nhiều loại thuốc để phun và không đảm bảo thời gian cách ly, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, đầu ra còn bỏ ngỏ là thách thức lớn đối với việc thực hiện cũng như mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Cơ chế, chính sách có theo kịp nhu cầu phát triển?

Những năm qua, do tốc độ đô thị hóa cao, mỗi năm diện tích đất sản xuất của khu vực kinh tế trọng điểm về nông nghiệp ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp. Chỉ tính riêng đất sản xuất lúa, mỗi năm giảm khoảng 70.000ha. Vì vậy, đòi hỏi năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích phải tăng vượt bậc. Và điều đó chỉ có thể giải quyết bằng một quy trình sản xuất khép kín mà mỗi công đoạn đều được ứng dụng máy móc, thiết bị, sản phẩm sinh học…

Về việc cần thiết phải phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL, Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam khẳng định: “Nếu chúng ta làm nông nghiệp bình thường như hiện nay thì tốc độ tăng trưởng 4% mỗi năm sẽ không còn nữa mà giảm dần còn 3% rồi 2%… bắt buộc chúng ta phải làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) để có năng suất cao hơn, giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, thị trường ổn định hơn…”.

Theo đó, mỗi đơn vị diện tích ứng dụng CNC phải đạt tiêu chí có hàm lượng chất xám trong nông sản, đưa vào quy trình sản xuất thành tựu của các ngành như: công nghệ sinh học về gen di truyền, công nghệ môi trường về hệ thống xử lý chất thải khép kín, công nghệ thông tin viễn thông về hoạch định, kiểm tra, liên kết và thương mại, công nghệ điện tử bằng quy trình tự động hóa và công nghệ năng lượng mới trong sử dụng và chế tạo năng lượng rẻ tiền, thân thiện với môi trường... Tất cả đều nhằm mục đích đem lại hiệu suất đồng vốn gấp 2 đến 3 lần bình thường, thậm chí cao hơn”.

Thế nhưng, không phải ai cũng trả lời được câu hỏi CNC là gì. Theo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT): “CNC trong nông nghiệp là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tin học, công nghệ tự động hóa...”.

GSTS Võ Tòng Xuân giải thích một cách hình ảnh về nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như sau: “Rất nhiều diễn giả khi phát biểu vẫn lẫn lộn giữa CNC và công nghệ thường có áp dụng kỹ thuật tối tân hơn một chút. Ví dụ khi san bằng đất ruộng, người nông dân dùng máy cày là áp dụng máy móc tiên tiến, nhưng dùng tia la-de điều khiển từ xa để thực hiện công việc mới là CNC”.

Cũng theo một số chuyên gia, muốn làm nông nghiệp tới CNC, người sản xuất phải thay đổi phương thức làm ăn, phải có tư duy theo kiểu công nghiệp. Ngay cả nhiều cán bộ, kỹ sư trong ngành cũng chưa hiểu cặn kẽ về nông nghiệp CNC, chưa hiểu nếu áp dụng sẽ phải bắt đầu từ đâu, sẽ đi theo hướng nào chứ chưa nói đến nông dân.

Trong nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) được coi là giải pháp đột phá nhằm đưa nền nông nghiệp nước ta đạt tới trình độ cao, từ đó nâng cao giá trị hàng nông sản. Theo các chuyên gia, phải mất trên dưới 10 năm thì một sản phẩm biến đổi gene mới hoàn tất quá trình tích tụ điều kiện cho mục đích cuối cùng là thương mại hóa. Cũng trong thời gian đó, số tiền để thiết lập các điều kiện dao động trong khoảng từ 50 đến 300 triệu USD, tùy loại gene.

Trong khi đó, trong suốt 20 năm qua, tổng số vốn đầu tư cho các chương trình CNSH của nước ta mới đạt 5,5 triệu USD, bằng 1/10 tổng số vốn đầu tư của Thái Lan trong năm 2002.

 

                                                                           Theo SGGP

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục