Bà con vùng cao tất bật chọn lựa, mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết.

Bà con vùng cao tất bật chọn lựa, mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết.

(HBĐT) - Đến với chợ Bò (còn gọi là chợ Lũng Vân - Tân Lạc) đúng vào phiên chợ Tết đem đến cho chúng tôi những trải nghiệm. Mỗi năm, phiên chợ Tết chỉ họp một lần nên đối với những ai đi chợ hay đơn giản là muốn đi chơi chợ đều chung cảm giác háo hức, tò mò. Chả thế mà khi trời còn chưa hửng sáng, những đứa trẻ mới chừng dăm, bảy tuổi đã xúng xính diện áo quần, líu ríu bước chân theo bà, theo mẹ xuống chợ. Đàn ông trong nhà lúi húi với việc thồ, chở hàng hóa nông sản cho kịp buổi chợ phiên.

 

Ở xứ sở vùng cao sương mù bao phủ này, phiên chợ Tết bao giờ cũng vậy, thường diễn ra đúng vào tiết trời lất phất mưa xuân. Khắp dọc tuyến đường từ xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông về đến chợ bung nở sắc đào thắm đỏ. Mặc cho cái lạnh căm căm, chợ vẫn họp náo nhiệt, rộn ràng từ khi trời còn tờ mờ sáng. Thay vì các buổi chợ phiên khác trong năm chủ yếu mua, bán, trao đổi lương thực, thực phẩm hàng ngày, hàng hóa ở phiên chợ Tết phong phú hơn mấy mươi lần. Có những góc chợ mua bán hàng hóa khá chuyên biệt như khu bán vải vóc, quần áo, khu bán rượu, thuốc lào, khu bán con giống, thực phẩm, khu bán đồ gia dụng… nhưng dồi dào, ngút tầm mắt nhất phải kể đến khu hàng hóa nông sản. Vì là phiên chợ Tết, hàng hóa chật chội nên nông sản choán cả ra hai bên đường kéo dài dễ đến gần cây số. Không bày biện cầu kỳ, những sản phẩm do chính bà con nông dân trong vùng làm ra được đổ thành từng đống hoặc chất đầy trong những chiếc gùi. Khách xem, mua được thoải mái lựa chọn, dẫu không mua gì, người bán vẫn chẳng vì thế mà buồn.

 

Nông sản chợ Tết nhiều vô kể, nào đặc sản quýt Nam Sơn, su su Quyết Chiến, gấc nếp, tỏi Bắc Sơn, nào đu đủ, bí xanh, lá dong, gạo nếp, mật ong… Không khí buổi chợ trở nên náo nhiệt hơn ở khu có đông người xuôi tập kết bán hàng Tết. Chiếc ô tô tải chở hàng hóa lên miền ngược với đủ thứ bà con chuộng dùng trong dịp Tết như phích, ấm chén, xoong nồi, hoa nhựa, tranh ảnh trang trí… Tiếng loa đài chào bán khiến dòng người kéo đến mua mỗi lúc thêm đông. Bà Bùi Thị Hiểu ở mãi xóm Tớn, xã Nam Sơn cũng về phiên chợ Bò để mua sắm hàng hóa đón Tết Nguyên đán. Bà phấn chấn chia sẻ: Phiên chợ theo tuần có thể không về đều đặn nhưng phiên chợ Tết thì nhất định phải đi. Về chợ, bà thấy vui trong không khí náo nhiệt của ngày chợ, cũng là dịp để mua sắm nhiều thứ vận chuyển từ mạn xuôi lên như nước ngọt, rượu, bánh, mứt, kẹo, nước mắm, mì chính, dầu ăn… những thứ mà ở vùng sâu, vùng xa như quê bà chỉ có thể tìm được vào phiên chợ Tết.      

 

Người đến mua bán, trao đổi hàng hoá ở chợ vùng cao này đã đông, người đi chơi chợ lại càng tấp nập. Không chỉ bà con dân tộc Mường 8 xã vùng cao huyện Tân Lạc mà có rất nhiều người Kinh, người Mường từ các vùng khác cũng lên để tìm hiểu và khám phá về chợ phiên dịp Tết. Cũng bởi chỉ có một phiên duy nhất mỗi năm, là dịp để gặp gỡ, giao lưu văn hoá, tinh thần, cơ hội kết mối thân giao nên ai ai đến chợ cũng chọn bộ cánh đẹp nhất để diện, những biểu đạt tình cảm của người vùng cao nơi phiên chợ cũng rất thân thiện, dễ gần. Chị em phụ nữ dân tộc Mường càng đằm thắm, duyên dáng hơn trong trang phục váy áo giàu bản sắc của dân tộc mình. Theo đồng  chí Hà Văn Tơ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân, nếu như các phiên chợ, thời gian họp và tan thường diễn ra chóng vánh, muộn nhất là đến 10h nhưng chợ Tết hoạt động mua bán, trao đổi kéo dài hơn, thường vãn vào cuối buổi trưa và chỉ kết thúc khi trời đã tối mịt. Riêng với chúng tôi, những vị khách xứ xa từng một lần đến chợ Bò phiên Tết sẽ còn mãi cảm giác luyến lưu, chợ Tết chưa tan, chân chẳng muốn về!

 

 

                                                                               Bùi Minh

 

 

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục