Trạm y tế xã Mường Chiềng được hoàn thiện, đưa xã hoàn thành tiêu chí về y tế trong năm 2015.

Trạm y tế xã Mường Chiềng được hoàn thiện, đưa xã hoàn thành tiêu chí về y tế trong năm 2015.

(HBĐT) - Là trung tâm của các xã vùng cao, Mường Chiềng được huyện Đà Bắc chọn làm điểm xây dựng NTM. Theo kế hoạch, xã sẽ chạm đích NTM vào năm 2015. Mặc dù nỗ lực cao nhưng đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định, mục tiêu đó chưa thể thành hiện thực.

           

Xã đầu tiên trong huyện đạt 14 tiêu chí

           

Xã Mường Chiềng có hơn 600 hộ, gần 2.900 nhân khẩu, phân bố tại 9 xóm. Dù là trung tâm vùng nhưng địa hình của xã bị chia cắt mạnh bởi núi cao, dân cư sống rải rác, giao thông trắc trở. Được chọn làm điểm xây dựng NTM, xã gặp không ít khó khăn do xuất phát điểm thấp. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 50%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 9 triệu đồng. Là xã thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc tạo mặt bằng xây dựng kết cấu hạ tầng không hề đơn giản. Hầu hết các tiêu chí NTM còn ở khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Những đặc thù miền núi cao khiến quá trình xây dựng NTM của xã chịu áp lực lớn cả về thời gian lẫn chất lượng. 

           

Đối mặt với khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đã bắt tay triển khai xây dựng NTM với quyết tâm cao. Đảng ủy, UBND xã đã ban hành quyết định thành lập BCĐ, BQL và kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đôn đốc các ngành, xóm thực hiện. Phát động phong trào thi đua giữa các xóm. 9/9 xóm đã thành lập BCĐ, ban phát triển. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, thông qua các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể, khẩu hiệu, loa phóng thanh xóm… Trong đó, nhấn mạnh mục đích của chương trình xây dựng NTM là từ nhân dân mà ra và phục vụ chính nhân dân. Đề cao việc nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, coi đây là hình thức vận động hiệu quả nhất.

 

Với cách làm đó, Mường Chiềng là xã dẫn đầu huyện trong phong trào xây dựng NTM. Lĩnh vực nông nghiệp từng bước chuyển từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tăng cường áp dụng KHKT nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất được triển khai đạt kết quả như: chăn nuôi lợn rừng lai lợn nhà; xây dựng mương bai xóm Chum Nưa, Bản Hạ… Một số ngành nghề như mộc, xây dựng từng bước phát triển. Chợ cụm xã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Lồng ghép các dự án đầu tư và huy động sự tham gia của nhân dân, phong trào làm đường GTNT phát triển mạnh. Đến nay, 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm với chiều dài 15,7 km. Trong đó, hầu hết đường bê tông nội xóm được làm theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân góp cát, sỏi, ngày công. Tổng vốn đầu tư XDCB trong 5 năm qua trên 32,8 tỉ đồng. Phong trào tự cải tạo, sửa sang nhà ở, công trình vệ sinh… được nhân dân hưởng ứng. Diện mạo nông thôn miền núi chuyển biến rõ nét. Xã có trên 80% nhà gỗ vững chắc; trên 70% hộ có xe máy, 4 hộ có ô tô; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Năm 2014, Mường Chiềng là xã đầu tiên trong huyện đạt 14/19 tiêu chí NTM.  

 

Không vì áp lực thời gian mà bỏ qua chất lượng

 

Trong năm 2015, xã phấn đấu đạt nốt 5 tiêu chí: y tế, thu nhập, hộ nghèo, CSVC văn hóa, trường học. Tuy nhiên, chỉ có tiêu chí y tế khả thi bởi Trạm y tế xã đang được hoàn thiện khang trang. 4 tiêu chí còn lại vẫn là thách thức. Đồng chí Xa Thị Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Riêng việc tìm mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa xóm, xã đã khó. Việc huy động sức dân lại hạn chế do đời sống của đồng bào còn khó khăn. Đến nay, 9/9 xóm đã có nhà văn hóa nhưng đều chưa đảm bảo theo tiêu chí. Nhà văn hóa xã chưa được hỗ trợ vốn xây dựng. Tất cả 3 trường mầm non, tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, nan giải nhất là vấn đề thu nhập, hộ nghèo - 2 tiêu chí không phải do Nhà nước đầu tư vốn trực tiếp. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2014 còn 36,6% (tiêu chí dưới 10%), thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 16,1 triệu đồng (tiêu chí 18 triệu đồng). Đặc biệt, xóm Kế với 72 hộ có đến 94,44% hộ nghèo. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã còn chậm, vẫn nặng tính tự cấp, tự túc. Xã chưa có ngành nghề phụ. Một số tiêu chí đã đạt được cũng còn khá “non”.

 

Vì sự phát triển bền vững, xã không cố ép đạt mục tiêu chạm đích NTM bằng mọi cách, không vì áp lực thời gian mà bỏ qua chất lượng. Suy cho cùng, mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân chính là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm vụ xây dựng NTM. Do đó, dù không về đích NTM vào năm 2015 theo kế hoạch nhưng xã sẽ tiếp tục nỗ lực, đề ra những giải pháp để hoàn thành sớm nhất mục tiêu. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động để cán bộ, nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM và tự giác tham gia. Phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa kinh tế cao. Khuyến khích nhân dân trồng rừng. Tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư SX-KD. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, đào tạo, phát triển mở mang các ngành nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

 

 

 

                                                                                       Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục