Cờ Mỹ, cờ NATO và cờ Anh tung bay tại trụ sở của NATO ở Brúc-xen (Bỉ). Ảnh: Reuters

Cờ Mỹ, cờ NATO và cờ Anh tung bay tại trụ sở của NATO ở Brúc-xen (Bỉ). Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brúc-xen (Bỉ), EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí sẽ thiết lập chiến lược phòng thủ mới nhằm đối phó với tác động từ việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, nan giải là chiến lược mới phòng thủ mới này có nguy cơ bị “phủ bóng” bởi chính Brexit, theo đánh giá của các nhà phân tích...

Theo dự kiến, NATO và chính phủ các nước thành viên EU sẽ ký một hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm đối phó với hàng loạt thách thức an ninh đang nổi lên. EU và Mỹ, quốc gia dẫn đầu trong NATO muốn nhân 2 hội nghị riêng rẽ sắp tới của EU và NATO để thúc đẩy các cải cách liên quan tới 2 trụ cột an ninh chính của phương Tây này, nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Oa-sinh-tơn.

 

Trên thực tế, từ sau các cuộc khủng hoảng tài chính buộc các nước EU phải cắt giảm ngân sách quốc phòng trong khi phải đối phó với những mối đe dọa an ninh, chính phủ các nước EU nói rằng, họ sẽ hành động mạnh mẽ hơn để bảo đảm an ninh cho chính mình và EU không thể phụ thuộc mãi vào Mỹ. Hiện nay, chính phủ các nước EU đang thảo luận việc xây dựng quỹ quốc phòng chung nhằm đầu tư và nâng cấp máy bay trực thăng chiến đấu, máy bay không người lái, tàu chiến và vệ tinh.

Chiến lược phòng thủ mới sẽ cho phép EU hành động độc lập hơn trong trường hợp cần thiết khi EU đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về an ninh. Theo đó, EU kêu gọi các chính phủ hợp tác, chia sẻ chi tiêu quốc phòng và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ 2 quốc gia đầu tàu là Đức và Pháp. Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni (Fererica Mogherini) còn đề xuất việc triển khai lực lượng bảo vệ biên giới EU nhằm kiểm soát dòng người di cư.

 

Tuy nhiên, những nỗ lực trên của EU có thể sẽ là vô nghĩa khi vắng bóng nước Anh, quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quân sự của EU. Anh cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho các hoạt động quân sự mà EU dẫn đầu, chi trả khoảng 15% chi phí và cung cấp các khí tài quân sự. Ngay cả đề xuất triển khai lực lượng bảo vệ biên giới, EU cũng sẽ khó khăn nếu không có các hạm đội tinh nhuệ của Anh.

Đánh giá về tầm quan trọng của Anh ở châu Âu, Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) cho rằng: “Những gì Anh làm có ảnh hưởng lớn, Anh là nước bảo trợ và cung cấp nguồn lực bảo đảm an ninh lớn nhất trong châu Âu”. Hiện Anh đang đi đầu trong chiến dịch chống cướp biển của EU ở vùng Sừng châu Phi, có các tàu tuần tra ở Địa Trung Hải và cam kết cung cấp binh sĩ cho các nhóm chiến đấu của EU.

Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc khi đề cập tới hợp tác quốc phòng giữa EU và NATO đã không quên nhắc tới những cam kết của Vương quốc Anh với NATO. Ông cho biết, hợp tác giữa NATO và EU sẽ được củng cố và phát triển hơn nữa tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 7 tới vì NATO đang có kế hoạch liên kết với một EU mạnh mẽ hơn. Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới sẽ là một nền tảng quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng, an ninh giữa châu Âu và NATO. Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc cũng cho biết thêm, hiện mục tiêu của giới chức NATO là thúc giục Anh đóng một vai trò lớn hơn trong liên minh quân sự này để tránh bị cô lập.

Sự ra đi của nước Anh khỏi EU chưa tới mức tạo ra một “khoảng trống” nhưng rõ ràng sẽ gây cản trở cho các nỗ lực của EU cũng như trong hợp tác giữa EU và NATO trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trước khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit, Mỹ vẫn luôn muốn Anh, đồng minh chính của Mỹ ở châu Âu, đóng vai trò cầu nối giữa NATO và EU. Điều này cho phép Oa-sinh-tơn có thể rảnh tay hơn để tập trung vào các mối lo ngại khác, bao gồm sự trỗi dậy của Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan.

Nếu không vì đánh giá cao vai trò của Anh, Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc đã không phải vội vàng đưa ra tuyên bố ngay sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Brexit, cho biết Anh cam kết sẽ có trách nhiệm đối với sự ổn định của phương Tây. Giới chuyên gia cho rằng, Anh vẫn có thể tham gia các nhiệm vụ của EU, ngay cả khi nước này nằm ngoài khối, tương tự những gì mà Ca-na-đa và Na Uy (2 nước không phải thành viên của EU) đã làm. Luân Đôn sẽ không có “tiếng nói” trong việc xây dựng các chiến lược dài hạn của EU.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng của Anh không hẳn sẽ gây bất lợi hoàn toàn cho các nỗ lực của EU trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khối theo hướng chặt chẽ hơn. Bởi chính Anh là nước không ủng hộ kế hoạch thành lập quân đội chung của EU. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Mai-cơn Pha-lông (Michael Fallon) gần đây từng phát biểu rằng “không ai muốn quân đội của mình bị kiểm soát bởi Brúc-xen”. Có những dự đoán cho rằng, khi không có sự ngăn cản của Anh, Pháp và Đức có thể dẫn đầu một “liên minh phòng thủ chung” để cùng phát triển và chia sẻ khí tài quân sự. Thậm chí, Pháp đã thúc đẩy ý tưởng về việc thành lập một sở chỉ huy quân đội của EU, độc lập với NATO, để thực hiện các nhiệm vụ quân sự của khối.

 

                                                                              Theo QĐND

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục