I-ran là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm trò chơi đang gây sốt toàn thế giới hiện nay là Pokemon Go do những quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia...

 

 

    Người chơi Pokemon Go ở công viên Mellat (phía bắc Tê-hê-ran, I-ran), ngày 3-8. 

 

Theo BBC, quyết định này được thông qua bởi Hội đồng tối cao về không gian mạng-cơ quan được thành lập từ năm 2012 với mục đích giám sát và kiểm soát các hoạt động internet của I-ran. Hội đồng đưa ra lệnh cấm này nhằm ngăn chặn I-ran không bị thiệt hại gì từ "sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội toàn cầu và vai trò quan trọng của nó trong đời sống hằng ngày", theo BBC. Tuần trước, các quan chức thuộc Hội đồng tối cao về không gian mạng đã dự định đưa ra lệnh cấm đối với trò chơi này, song vẫn cân nhắc về khả năng nhà phát hành sẽ đồng ý tiến hành khắc phục các vấn đề an ninh. BBC nhận định với quyết định này, I-ran đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm trò chơi Pokemon Go.

 

Pokemon Go là trò chơi nhập vai dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do Nintendo và hãng Niantic phát triển, đã gây nên cơn sốt trên toàn cầu kể từ khi được trình làng tại Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân vào đầu tháng 7. Với việc sử dụng công nghệ Dịch vụ định vị toàn cầu (GPS), người chơi có thể chơi miễn phí, đi quanh để săn tìm các quái thú Pokemon ảo tại những địa điểm thực. Điện thoại thông minh sẽ báo khi một Pokemon xuất hiện trên màn hình, người chơi có thể cố bắt lấy và đào tạo nó để tham gia các trận thi đấu.

Hiện tại, Pokemon Go đã chính thức có mặt tại khoảng 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù mới được phát hành trong thời gian rất ngắn, Pokemon Go đã tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu. Người dùng đổ xô ra đường, đi đến những nơi trước đây chưa từng đặt chân đến. Điều này dẫn đến mối quan ngại sâu sắc của các cơ quan an ninh.

Những lo ngại của giới chức các nước không phải không có cơ sở. Hồi giữa tháng 7, một công dân quốc tịch Pháp làm việc ở In-đô-nê-xi-a đã bị tạm giam sau khi cố gắng đột nhập vào một căn cứ quân sự ở tỉnh Tây Gia-va để bắt Pokemon. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a, ông R.Ri-a-cư-đu (Ryamizard Ryacudu), đã chính thức lên tiếng cảnh báo về những nguy hại mà Pokemon Go có thể mang lại. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh khả năng trò chơi có thể được sử dụng như một công cụ thu thập thông tin nhạy cảm. Nhà chức trách In-đô-nê-xi-a đã ra lệnh cấm cảnh sát chơi Pokemon Go trong lúc làm nhiệm vụ trong khi Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu binh sĩ không chơi trò chơi ở điện thoại vì lý do an ninh.

Sau I-ran, rất có thể sẽ có nhiều quốc gia cấm cửa hoặc e ngại Pokemon Go vì những tác động tiêu cực mà trò chơi này có khả năng mang lại. Ngày 20-7 vừa qua, một cơ quan quyền lực hàng đầu của A-rập Xê-út đã quyết định khôi phục lại một sắc lệnh cách đây 15 năm, trong đó cho rằng các trò chơi liên quan đến Pokemon là "phi đạo Hồi". Bộ Nội vụ nước láng giềng - Cô-oét - thậm chí còn cảnh báo người dùng không được phép chơi trò chơi này tại các nhà thờ, trung tâm mua sắm, cây xăng,… Tại I-xra-en, các quân nhân cũng bị nghiêm cấm chơi Pokemon Go trong các doanh trại quân đội do lo ngại về khả năng tiết lộ các thông tin quân sự cũng như vị trí của căn cứ. Trong khi đó, một quan chức ngoại giao của Ai Cập cho biết, trò chơi nên bị cấm do việc chia sẻ hình ảnh cũng như video về các địa điểm an ninh có thể tiếp tay cho những kẻ khủng bố.

Tại Mỹ, một trong các quốc gia đầu tiên được chơi Pokemon Go cũng tồn tại những lệnh cấm với trò chơi điện tử này. Cụ thể, ngoài hãng Boeing, thì chính quyền bang Niu Y-oóc cũng ban hành lệnh cấm với tội phạm tình dục không được chơi Pokemon Go. Thống đốc bang A.Cua-mô (Andrew Cuomo) bày tỏ lo ngại rằng, “những kẻ săn mồi nguy hiểm” có thể lợi dụng các tính năng công nghệ của trò chơi. Ông đã kêu gọi Niantic, nhà phát triển trò chơi, cùng hợp tác trong việc thực thi lệnh cấm.

Hiện Pokemon Go không có mặt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cũng lo ngại về việc Niantic có thể thu thập thông tin người dùng và giúp điệp viên nước ngoài tìm ra các căn cứ quân sự ẩn, theo Mirror.

Được biết, hiện thông tin về việc trò chơi Pokemon Go có chứa phần mềm gián điệp đang lan rộng trên các mạng xã hội. Một số trang tin của Nga cho rằng, Pokemon Go thực chất là công cụ do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phát triển với mục đích gián điệp. Còn các quan chức In-đô-nê-xi-a không ít lần cho rằng, Pokemon Go là mối đe dọa với an ninh quốc gia khi cho phép kẻ thù truy cập các dữ liệu tối mật. Trong khi đó, trên kênh thông tin chính thống Al Jazeera, thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia Ai Cập H.Ba-khít (Hamdi Bakheet) cho rằng: “Pokemon Go là công cụ gián điệp mới nhất của các tổ chức tình báo trong cuộc chiến an ninh mạng. Chúng cố gắng thâm nhập, trà trộn vào cộng đồng dưới lớp vỏ bọc mang tên trò chơi giải trí”.

Cho dù như vậy thì số lượng người đang mong chờ được chính thức trải nghiệm trò chơi này vẫn không ngừng tăng lên. Về phía nhà phát hành trò chơi-Niantic, hãng phủ nhận các cáo buộc, đồng thời yêu cầu tất cả người dùng “tuân thủ các quy định và luật pháp tại địa phương, tôn trọng truyền thống và sự riêng tư của người khác".

Trở lại I-ran, quốc gia đầu tiên cấm cửa Pokemon Go, một số người chơi ở I-ran cho biết, họ vẫn có thể chơi được trò chơi dù có hạn chế sử dụng internet đối với người dân I-ran. Trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng I-ran vẫn đang bàn luận về trò chơi này, những nhân vật dễ thương trong trò chơi có thể được bắt tại các địa điểm hằng ngày. "Chơi Pokemon Go trên đường rất khó khăn do vừa phải tập trung vào việc săn Pokemon và vừa phải để ý liệu có cảnh sát nào đến bắt mình không. Cuộc sống bây giờ khó khăn thật đấy", một người dùng chia sẻ trên Twitter.

 

                                                                                   Theo QĐND

Các tin khác


Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục