Nhận thức rõ mối đe dọa hiện hữu của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, cụ thể là từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các nước Đông Nam Á đang cùng nhau tìm cách đối phó nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, an ninh và sự phát triển chung của khu vực...

Hiện trường vụ ném lựu đạn do IS thực hiện tại một hộp đêm ở ngoại ô thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ của Ma-lai-xi-a hồi cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Straits Times. 

Không nước nào “miễn dịch” với khủng bố

Trong bối cảnh các nhà chức trách In-đô-nê-xi-a vừa qua bắt giữ 6 đối tượng âm mưu tấn công Vịnh Ma-ri-na của Xin-ga-po bằng rốc-két từ đảo Ba-tam của In-đô-nê-xi-a, hai hội nghị quốc tế chống khủng bố đã diễn ra song song tại đảo Ba-li của In-đô-nê-xi-a.

Phát biểu tại các hội nghị, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh In-đô-nê-xi-a, M.Uy-ran-tô (Menkopolhukam Wiranto) cho rằng, khủng bố đã trở thành mối đe dọa thế giới và “không có quốc gia nào là miễn dịch với các mối đe dọa của khủng bố”. Theo ông M.Uy-ran-tô, tình trạng bất ổn chính trị, ý thức hệ cực đoan hiện nay, hoạt động sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các nguồn tài chính phi pháp là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc các tay súng IS “hồi hương” là một yếu tố góp phần dẫn tới hiện tượng "những con sói đơn độc", một thách thức mới cần phải lường trước trong cuộc chiến chống khủng bố. Bộ trưởng M.Uy-ran-tô cũng nhấn mạnh đến nguy cơ các tổ chức khủng bố sử dụng internet làm công cụ truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ, thực hiện các vụ tấn công mạng.  

Vì sao là Đông Nam Á?

Roi-tơ dẫn lời Trung tướng X.Pha-len (Sean MacFarland), chỉ huy chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại I-rắc và Xy-ri, cho biết ước tính trong hơn 11 tháng qua, liên quân đã "xóa sổ" 45.000 tay súng IS khỏi cuộc chiến. Quân số còn lại của IS ước tính 15.000-30.000 tay súng và tổ chức này đang ngày càng khó bổ sung thêm quân. Tướng X.Pha-len nhận định, chiến binh IS ở tiền tuyến đã giảm cả về số lượng và chất lượng, đó là nguyên nhân khiến lực lượng này bị đánh bật khỏi các vùng lãnh thổ chúng từng chiếm đóng tại Xy-ri và I-rắc.

Trong bối cảnh ấy, Trung Đông giờ đây không còn là địa bàn lý tưởng với IS. Vì vậy, tổ chức này cần có một địa bàn mới để “đứng chân”. "Khu vực mà IS kiểm soát đang bị thu hẹp dần và điều này có một tác động tâm lý lên chúng. Làm thế nào để IS duy trì sự ủng hộ? Chúng phải có một vành đai thứ hai của cuộc xung đột, đó là những quốc gia láng giềng của chúng hoặc vành đai thứ ba là Đông Nam Á", chuyên gia chống khủng bố của Ma-lai-xi-a, A.En Mu-ham-ma-đi (Ahmad El-Muhammady) nhận định.

Các nhà lãnh đạo và người dân Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại trước hành động của IS bởi nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan hay Phi-líp-pin là có thật khi đã có hàng nghìn phần tử cực đoan ở các quốc gia này tuyên thệ trung thành với IS thông qua internet. Đó là chưa kể nhiều tổ chức khủng bố và các nhóm cực đoan đang hoạt động mạnh trong khu vực như A-bu Xay-áp ở Phi-líp-pin.

Bên cạnh đó, theo Công ty an ninh tình báo Soufan Group (Mỹ), ước tính có 700 người In-đô-nê-xi-a và 100 người Ma-lai-xi-a đang tham chiến trong hàng ngũ của IS tại Trung Đông. Trên thực tế, nhóm 6 đối tượng bị In-đô-nê-xi-a bắt giữ vừa qua cũng được cho là có liên hệ với B.Na-im (Bahrun Naim), phần tử người In-đô-nê-xi-a đang chiến đấu cho IS tại Xy-ri và là kẻ chủ mưu loạt vụ tấn công ở thủ đô Gia-các-ta hồi đầu năm 2016.  

Trong bối cảnh IS đã vươn “vòi bạch tuộc” tới tận Đông Nam Á, tại các hội nghị diễn ra ở Ba-li vừa qua, các quốc gia tham dự đã nhất trí về biện pháp nhằm triệt tận gốc bạo lực, gồm phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố. Các nước cũng đạt được sự đồng thuận trong đánh giá rủi ro khủng bố trong khu vực, đồng thời tập trung thảo luận các biện pháp ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố và các trang mạng độc hại truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ, kết nối và lập kế hoạch khủng bố. Bộ trưởng M.Uy-ran-tô khẳng định “lựa chọn duy nhất của chúng ta là tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn và theo một lộ trình bền vững”.

                                                                                 

                                                            Theo QĐND

Các tin khác


Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục