Giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là một trong những mục tiêu lâu dài nhất của Liên hợp quốc (LHQ). Đại hội đồng LHQ chọn ngày 26-9 là Ngày Quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện, nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế tái khẳng định cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân là ưu tiên cấp thiết trên phạm vi toàn cầu.


Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Liên hợp quốc

Giải trừ vũ khí hạt nhân cũng chính là chủ đề của nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ năm 1946. Sau khi vấn đề giải giáp vũ khí toàn diện và triệt để lần đầu được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ năm 1959, giải trừ vũ khí hạt nhân tới nay vẫn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất của LHQ trong lĩnh vực này. Kể từ năm 1975, đây là chủ đề nổi bật của các hội nghị với sự tham gia của các quốc gia thành viên trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Năm 1978, phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng LHQ về giải trừ quân bị tái khẳng định các biện pháp hiệu quả cho giải trừ vũ khí hạt nhân luôn có mức ưu tiên cao nhất. Tất cả các Tổng Thư ký LHQ đều ủng hộ điều này.

Theo LHQ, ngày nay, khoảng 14.500 vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại trên thế giới. Các nước sở hữu vũ khí này đều có kế hoạch tài trợ dài hạn để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn sống ở các nước có vũ khí như vậy hoặc là thành viên của các liên minh hạt nhân. Tính đến năm 2018, dù việc triển khai các vũ khí hạt nhân đã được giảm mạnh kể từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc, song không một đầu đạn hạt nhân nào bị phá hủy theo hiệp ước song phương hoặc đa phương và không có đàm phán giải giáp hạt nhân được tiến hành. Trong khi đó, học thuyết về sự răn đe hạt nhân vẫn tồn tại như một yếu tố trong chính sách an ninh của tất cả các quốc gia sở hữu hạt nhân và các đồng minh.

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được thông qua ngày 7-7-2017 đánh dấu bước tiến quan trọng, góp phần hiệu quả vào mục tiêu chung vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Hiệp ước phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về rủi ro do sự tồn tại liên tục của vũ khí hạt nhân, cũng như nhận thức về những hậu quả nhân đạo thảm khốc sẽ dẫn đến nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng một lần nữa. LHQ hy vọng, văn kiện này thúc đẩy người dân và lãnh đạo các nước nêu cao nhận thức về những lợi ích thật sự của việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, cũng như các chi phí xã hội và kinh tế tiêu tốn cho việc duy trì loại vũ khí này.

Việt Nam luôn tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế, cũng như đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy LHQ phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại. Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996. Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn, như Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) các năm 2000, 2005 và 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003... Năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.

Trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét một lần nữa kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại về kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Tổng Thư ký LHQ khẳng định, chiến tranh hạt nhân là "cuộc chiến không có bên thắng và không đáng để tham gia”. Những thách thức an ninh hiện nay không thể là lý do để phát triển hay sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như từ bỏ trách nhiệm chung vì một thế giới hòa bình.

 

Theo Nhân Dân

Các tin khác


Giao tranh giữa Israel và Hezbollah leo thang nguy hiểm ở Trung Đông

Lực lượng dân quân thân Iran ở Liban đang giao tranh với Israel với tốc độ leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Hamas từ chối đề xuất của Mỹ về việc thả con tin

Phong trào Hồi giáo Hamas khẳng định "mở cửa” với mọi đề xuất ngừng bắn, tuy nhiên nhấn mạnh rằng những yêu cầu chính của lực lượng này phải được đáp ứng.

Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục