Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến 22h ngày 9/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 402.033.697 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.785.548 ca tử vong. Trên 321,7 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn trên 74,54 triệu bệnh nhân chưa khỏi bệnh.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Á. Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết gần 100% kết quả giải trình tự cả bộ gene (WGS) tại Java - hòn đảo đông dân nhất thế giới và chiếm hơn 56% dân số Indonesia - thuộc biến thể Omicron. Trong khi đó, tại các khu vực ở đảo Sumatra như Batam và vùng biên giới trên đất liền của tỉnh Tây Kalimantan, biến thể Omicron và biến thể Delta đang lây lan như nhau. Tuy nhiên, khả năng phát hiện Omicron của Indonesia vẫn chưa mạnh do hiện mới chỉ có 12 điểm xét nghiệm WGS với công suất 2.000 mẫu/tháng trên toàn quốc.

Tại Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Hong Kong lần đầu ghi nhận số ca mắc vượt 1.000 ca/ngày, với 1.161 ca. Đặc khu hành chính này cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên được cho là liên quan đến COVID-19 trong 5 tháng qua là một cụ ông 73 tuổi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền Hong Kong đã công bố các quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo đó, từ ngày 24/2, ngoài ứng dụng "Leave home Safe” (Đi lại an toàn), người dân phải trình "thẻ thông hành vaccine” khi đến 23 địa điểm như nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, chợ, đền chùa... Đồng thời, chính quyền đã đóng cửa trường học, sân chơi, phòng tập thể dục... Ăn tối trong nhà hàng bị cấm từ sau 18h. Hong Kong cũng nghiêm cấm tụ tập từ 2 người trở lên tại nơi công cộng, chỉ cho phép tối đa 2 gia đình được tụ họp với nhau.

Các chuyến bay giảm khoảng 90% do hạn chế đi lại. Tính đến ngày 8/2, 80,8% dân số tại Hong Kong đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 72,8% dân số tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 1.060.618 người được tiêm mũi tăng cường kể từ khi thành phố này thực hiện tiêm chủng đại trà. Tính đến ngày 9/2, thành phố này đã ghi nhận khoảng 16.647 ca mắc COVID-19.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 9/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc cũng đã thay đổi tiêu chuẩn quản lý đối với bệnh nhân COVID-19 và những người tiếp xúc gần, để hợp lý, đơn giản và hiệu quả hóa các hướng dẫn và quản lý phòng dịch trong bối cảnh số lượng ca nhiễm tăng vọt do biến thể Omicron. Theo đó, thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 đã hoàn tất tiêm phòng vaccine (người đã tiêm mũi hai được từ 14-90 ngày và tiêm đủ 3 mũi) cũng như với người chưa tiêm chủng đều là 7 ngày (thay vì 10 ngày như trước đây). Ngoài ra, thời gian cách ly sẽ được tính từ ngày lấy mẫu xét nghiệm, bất kể đối tượng có triệu chứng hay không, thay vì tính từ ngày xuất hiện triệu chứng đối với trường hợp bệnh nhân có triệu chứng và ngày có kết quả xét nghiệm dương tính đối với người không có triệu chứng như hiện nay .

Tương tự, Nhật Bản đang lên kế hoạch khuyến nghị các bệnh viện xem xét cho các bệnh nhân COVID-19 nội trú ra viện vào ngày thứ 4 sau khi nhập viện nếu họ không cần thở oxy hoặc không có các triệu chứng nghiêm trọng trong bối cảnh hệ thống y tế ở nhiều địa phương sắp rơi vào tình trạng quá tải vì số ca mắc tăng vọt. Theo đó, mục đích của việc cho phép các bệnh nhân nội trú bắt đầu hồi phục ở nhà hoặc chuyển bệnh viện sớm là nhằm ngăn chặn tăng số bệnh nhân nội trú, qua đó giảm áp lực về nguồn lực y tế, trong đó có giường bệnh. Mặc dù vậy, riêng đối với các bệnh nhân cao tuổi, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ kêu gọi các bệnh viện phải đưa ra đánh giá một cách cẩn trọng.

Dịch đã bùng phát dữ dội ở Nhật Bản vào đầu năm nay, chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ngày 8/2, nước này ghi nhận thêm 92.078 ca mắc mới và 159 ca tử vong do COVID-19. Chính phủ Nhật Bản đã nhất trí gia hạn các biện pháp phòng dịch trong điểm thêm 3 tuần theo đề xuất từ chính quyền 13 tỉnh, thành trong đó có thủ đô Tokyo. Như vậy các biện pháp dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 13/2 sẽ kéo dài thêm 3 tuần. Thủ tướng Kishida Fumio cho biết quyết định cuối cùng sẽ được chính phủ thông báo vào ngày 10/2 sau khi tham vấn với các chuyên gia.

Tại châu Âu, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết ông đã mắc COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đang trên đà giảm. Ông Jansa cho biết hiện ông xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, tại Đan Mạch, Cung điện Hoàng gia thông báo Nữ hoàng Margrethe cũng đã mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ.  Hiện Nữ hoàng Margrethe, 81 tuổi, đang cách ly trong Cung điện Amalienborg tại Copenhagen.


Người dân tại phòng chờ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/2 lưu ý thế giới đã ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron. Ông Abdi Mahamud, chuyên gia thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình COVID-19 của WHO, nêu rõ 130 triệu ca nhiễm mới và 500.000 ca tử vong đã được ghi nhận trên toàn cầu kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại vào cuối tháng 11/2021.

Kể từ đó, Omicron đã vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch COVID-19 trên thế giới vì khả năng lây lan nhanh hơn, dù có vẻ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn. Ông Mahamud cho rằng trong bối cảnh đã có các vaccine hiệu quả, vẫn có tới nửa triệu người tử vong, đó là điều đáng suy nghĩ. Dù mọi người đều nói Omicron gây bệnh nhẹ hơn, nhưng họ đã không nhận thấy một thực tế là nửa triệu người đã tử vong kể từ khi biến thể này được phát hiện. Thực tế này còn hơn cả bi thảm.

Theo TTXVN

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục