Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế thuộc Liên hợp quốc đang thảo luận về khai khoáng biển sâu. Phương pháp này có thể giúp khai thác khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh nhưng cũng tăng thêm lo lắng về tác động tiềm ẩn đối với hệ sinh thái biển.


Bình minh trên biển ở Maine (Mỹ).

Khai khoáng biển sâu liên quan đến các mỏ khoáng sản và kim loại ở đáy biển. Phương pháp này giúp khai thác được nickel, đất hiếm, coban… dưới biển, vốn cần thiết cho pin và khai thác năng lượng tái tạo hoặc dành cho công nghệ hàng ngày như điện thoại di động, máy tính.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết kỹ thuật và công nghệ được sử dụng để khai khoáng biển sâu vẫn đang phát triển. Một số công ty tìm cách hút vật liệu từ đáy biển bằng máy bơm lớn. Những doanh nghiệp khác lại phát triển công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đào tạo cho robot cách lấy kết hạch đa kim ở đáy biển. Một số tìm cách sử dụng máy móc tiên tiến có thể khai thác vật liệu bên ngoài những ngọn núi và núi lửa khổng lồ dưới nước.

Các doanh nghiệp và chính phủ coi đây là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng cần thiết khi nguồn dự trữ trên đất liền cạn kiệt và nhu cầu tiếp tục tăng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán rằng để đạt được mức phát thải khí nhà kính toàn cầu bằng không, nhu cầu khoáng sản cho công nghệ năng lượng sạch sẽ tăng gấp 4 lần.

Khai khoáng biển sâu được quy định thế nào?

Các quốc gia quản lý lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình, trong khi vùng biển quốc tế và đáy đại dương quốc tế được quản lý bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS được coi như áp dụng cho các quốc gia bất kể họ có ký hoặc phê chuẩn hay không. Theo hiệp ước này, đáy biển và tài nguyên khoáng sản của nó được coi là "di sản chung của nhân loại” phải được quản lý theo cách bảo vệ lợi ích của nhân loại thông qua chia sẻ lợi ích kinh tế, hỗ trợ nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển.

Các công ty quan tâm đến khai khoáng biển sâu đang hợp tác với một số quốc gia để giúp họ có được giấy phép thăm dò. Cho đến nay đã có hơn 30 giấy phép thăm dò được cấp, với hoạt động chủ yếu tập trung tại khu vực được gọi là Đới đứt gãy Clarion-Clipperton rộng 4,5 triệu km2 giữa Hawaii (Mỹ) và Mexico.

Ở Đới đứt gãy Clarion-Clipperton, hàng nghìn tỷ tảng đá hình củ khoai tây nằm rải rác dưới đáy biển chứa các khoáng chất như nickel, coban và mangan rất quan trọng đối với các công nghệ xanh trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Quan ngại về môi trường

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng khai khoáng biển sâu có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái mà giới khoa học chưa hiểu rõ. Tuy nhiên, các công ty khai thác cho rằng khai khoáng biển sâu tốt cho môi trường hơn so với khai thác trên đất liền.

Ông Gerard Barron, CEO của công ty The Metals Company (Canada) đang dẫn đầu nỗ lực khai khoáng biển sâu, cho biết việc khai thác trong đại dương ít gây hại cho thiên nhiên hơn so với ở những nơi như rừng nhiệt đới Indonesia. Ông Barron nói trong một cuộc phỏng vấn: "Đại dương của chúng ta chứa đầy kim loại”.

Đề xuất gây tranh cãi cho phép khai khoáng dưới biển sâu là tâm điểm tại các cuộc đàm phán toàn cầu của Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế ở Jamaica từ 10-21/7. Nhiều nhà phân tích nhận định các quốc gia chưa thể thống nhất một bộ quy tắc khai thác và Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế khó có thể bật đèn xanh cho ngành này bắt đầu.

Chính phủ Na Uy vào tháng 6 đã công bố đề xuất khai khoáng biển sâu ở vùng biển quốc gia trong khi Pháp đã cấm hoạt động này trong vùng biển của họ từ tháng 1.

Nhiều nhà khoa học, nhà bảo tồn và thậm chí một số quốc gia không đồng tình đồng thời kêu gọi tạm dừng hoặc đình chỉ các kế hoạch khai khoáng biển sâu. Nhiều chuyên gia, nhà hoạt động môi trường và hơn 100 tổ chức phi chính phủ lập luận rằng chúng ta vẫn chưa hiểu hết về sự sống ở đáy biển sâu để cho phép khai thác.

Các nhà khoa nhấn mạnh về những vấn đề như ô nhiễm ánh sáng trong hệ sinh thái vốn quen với bóng tối ở đáy biển, tàu thuyền khuấy động các lớp trầm tích và ô nhiễm tiếng ồn có thể làm gián đoạn liên lạc của cá voi.

Một báo cáo gần đây được công bố bởi tổ chức phi lợi nhuận Planet Tracker cho biết việc khai khoáng biển sâu có thể gây ra thiệt hại cho đa dạng sinh học gấp nhiều lần so với khai thác trên cạn do các yếu tố như diện tích bề mặt bị ảnh hưởng lớn hơn so với đào dưới lòng đất.

Ông Duncan Currie, một luật sư môi trường, nhận định với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng bất chấp cơn sốt khoáng sản toàn cầu với các quốc gia tìm cách đảm bảo nguồn cung đa dạng do sự thống trị của Trung Quốc đối với một số kim loại chính, việc khai khoáng biển sâu sẽ không nhất thiết thay thế các mỏ hiện có trên đất liền.

Có 17 chính phủ đã công khai ủng hộ tạm dừng hoặc ngừng khai khoáng biển sâu. Ông Pradeep Singh, nhà nghiên cứu đứng đầu một nhóm chuyên gia về khai khoáng biển sâu, cho biết: "Ngày càng có nhiều quốc gia chấp nhận quan điểm rằng thực sự không cần vội vàng và đưa ra một bộ quy định chỉ để công ty khai thác tư nhân có thể tiếp tục”.


Theo Baotintuc

Các tin khác


WHO kêu gọi đạt được thỏa thuận toàn cầu về đại dịch trước thời hạn chót

Ngày 3/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước nhất trí một thỏa thuận nhằm đối với với các đại dịch trong tương lai, trong bối cảnh tháng này là thời hạn chót cho đàm phán.

CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục