Trong chuyến công du đầu tiên trong năm tới châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tìm cách hòa giải với Nhật nhưng không làm như vậy với một cường quốc khác ở châu lục này - Trung Quốc.

Trên đường bay tới châu Á Thái Bình dương, bà Clinton thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bước vào một thời kỳ khó khăn mới, khi Mỹ cam kết bán vũ khí cho đảo Đài Loan còn Tổng thống Obama đang có kế hoạch gặp thủ lĩnh tinh thần của những người mà Bắc Kinh cho là ly khai Tây Tạng - Dalai Lama.

Phát biểu với các phóng viên hôm qua, bà Clinton nói rằng Mỹ và Trung Quốc đã có một "mối quan hệ vững chắc", và sẽ "không bị chệch hướng khi mỗi bên có những quan điểm khác biệt".

"Chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí cho Đài Loan", New York Times trích lời bà Clinton khẳng định. "Chúng tôi có một cách nhìn khác về vai trò và tham vọng của Dalai Lama, và chúng tôi luôn công khai điều này".

Trung Quốc đã mạnh mẽ phản đối việc Mỹ bán tên lửa cho Đài Loan. Cho tới nay đã có 6 quan chức công khai chỉ trích quyết định của Mỹ, AP cho hay. Dù ủng hộ chính sách "một Trung Quốc", Washington vẫn duy trì quan hệ quân sự với hòn đảo Đài Loan. Mỹ cũng ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh lần đầu với tư cách ngoại trưởng năm ngoái, Clinton hầu như nhấn mạnh vào khía cạnh hợp tác trong các vấn đề như thương mại và thay đổi khí hậu. Nhưng hôm qua, bà đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, nói rằng Washington cần phải là một đối trọng với Bắc Kinh.

"Dân chúng muốn thấy nước Mỹ thực sự can dự ở châu Á, vì thế khi Trung Quốc vươn lên, cần có sự hiện diện của Mỹ", Clinton nói.

Nữ ngoại trưởng cũng kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán đa phương về hạt nhân. Vừa hôm qua, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không quay lại nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ; đồng thời nêu khả năng đàm phán hòa bình với Mỹ nhằm tìm kiếm hiệp định thay thế thỏa thuận ngừng bắn trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Clinton khẳng định rằng việc Triều Tiên trở lại đàm phán 6 bên là điều kiện tiên quyết cho các vấn đề khác.

Bà Clinton sẽ tới Hawaii - chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 9 ngày đến các nước Papua New Guinea, New Zealand và Australia. Tại Honolulu, bà dự kiến đưa ra tuyên bố về chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á và gặp Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada.

Nhật Bản đang tức giận trước vấn đề di dời căn cứ không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Okinawa tới một nơi ít dân cư sinh sống hơn. Bà Clinton đang tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, và nói rằng "mối liên minh của hai nước quan trọng hơn nhiều so với một vấn đề cụ thể".

Quan hệ giữa Mỹ và Nhật đã trở nên khó khăn hơn từ hồi tháng 8 năm ngoái, khi các cử tri đất nước hoa anh đào quyết định bầu thủ lĩnh đảng Dân chủ lên làm thủ tướng. Ông Yukio Hatoyama chủ trương xây dựng những mối quan hệ bền chặt hơn ở châu Á và muốn độc lập hơn với Mỹ. Điều này gây nên những lo ngại ở Washington về nguy cơ đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của họ ở châu Á Thái Bình Dương quay lưng.

Khi đến thăm Nhật Bản tháng 11, Obama đã tìm cách xoa dịu những căng thẳng hiện hữu giữa đôi bên. Nhưng khi ông vừa về nước, Ngoại trưởng Okada thúc giục chính phủ mở một cuộc điều tra cá thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Nhật những năm 60 và 70, theo đó các tàu chiến và máy bay Mỹ mang vũ khí hạt nhân được phép vào Nhật Bản.

Tờ New York Times cho rằng hầu như toàn bộ nguồn cơn của sự căng thẳng xuất phát từ chuyện căn cứ quân sự Futenma. Chính quyền của Obama muốn Nhật đồng ý với thỏa thuận 2006, chuyển căn cứ đến một nơi thưa dân hơn trên đảo Okinawa. Nhưng ông Hatoyama lại vận động đưa căn cứ ra khỏi hòn đảo hoặc thậm chí ra khỏi Nhật Bản.

Ngoại trưởng Clinton bình luận rằng những khó khăn hiện nay chỉ là cơn dư chấn sau trận động đất trên chính trường Nhật. "Các anh có thể tưởng tượng tình huống tương tự ở nước ta, nếu một đảng chưa bao giờ nắm quyền lên nắm quyền", bà nói.

Hãng tin AFP dẫn lời Joseph Nye, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, kêu gọi chính quyền của Obama kiên nhẫn với Hatoyama và không được để "một vấn đề thứ yếu đe dọa chiến lược dài hạn của Mỹ ở Đông Á". Trong một bài bình luận viết tuần trước, Nye nói: "Hai nước sẽ mất một cơ hội lớn nếu họ để cho chuyện lùm xùm quanh căn cứ không quân dẫn đến những cảm xúc tiêu cực hay thậm chí là làm giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản".

 

                                                                  Theo VnExpress

Các tin khác


Gần 70.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Brazil

Ngày 5/5, Cơ quan Phòng vệ Dân sự Brazil cho biết lũ lụt, lở bùn và mưa bão đã buộc gần 70.000 người phải sơ tán và khiến ít nhất 356.000 người chịu cảnh mất điện tại miền Nam nước này.

Chặng đường nhiều thành tựu của EU

Nhiều hoạt động được tiến hành nhằm kỷ niệm 20 năm ngày Liên minh châu Âu (EU) kết nạp thêm 10 nước thành viên, sự kiện đánh dấu đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối. Nhìn lại chặng đường đã qua, sự mở rộng nhanh chóng của EU tạo ra nhiều thành tựu, song cũng kéo theo không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế... hiện thay đổi nhiều so với 20 năm trước với hàng loạt nguy cơ rình rập.

WHO kêu gọi đạt được thỏa thuận toàn cầu về đại dịch trước thời hạn chót

Ngày 3/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước nhất trí một thỏa thuận nhằm đối với với các đại dịch trong tương lai, trong bối cảnh tháng này là thời hạn chót cho đàm phán.

CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục