Những căng thẳng trong vấn đề biển Đông thời gian qua đang khiến dư luận thế giới lo ngại. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp ngoại giao, kiên trì theo đuổi đường lối hòa bình, hợp tác, các nước trong khu vực đang cố gắng giải quyết tranh chấp một cách hợp tình, hợp lý và đúng với Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982. Nguyên tắc không quốc gia nào có quyền áp đặt trong vấn đề biển Đông đang được coi là kim chỉ nam hành động của cả khu vực.

 
Tin từ tờ Philippines Star số ra ngày 18/6 cho hay, chỉ một ngày sau khi tuyên bố cử tàu chiến lớn nhất BRP Rajah Humabon tới khu vực tranh chấp trên biển Đông, chính quyền Manila lại có những động thái khá cứng rắn. Trước hết là lời kêu gọi của Tổng thống Benigno Aquino rằng, Trung Quốc không được xâm nhập lãnh hải thuộc chủ quyền của Philippines và Manila sẽ không để bị đẩy ra ngoài, dù là một nước nhỏ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn AP, ông Benigno Aquino cho biết thêm, cuộc thăm dò dầu khí do chính phủ hậu thuẫn trên các vùng biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền đang có triển vọng tốt. Mặc dù không đưa ra chi tiết về cuộc thăm dò này, song Tổng thống Philippines vẫn khẳng định, nước này có quyền khai thác tại các vùng biển của mình, bất chấp việc Trung Quốc cũng đòi chủ quyền tại đây.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh, không quốc gia nào có quyền lực áp đảo hay áp đặt các nước khác trong khu vực.

Bác bỏ những đề xuất ngang ngược của Trung Quốc về việc thực thi "đường lưỡi bò" kiểm soát 80% biển Đông một cách vô căn cứ, ông Benigno Aquino nói: "Chúng tôi có cơ sở vững chắc để nói rằng "đừng có xâm phạm vào vùng chủ quyền của chúng tôi" và đó không phải là vùng tranh chấp và cũng không nên trở thành nguyên nhân của sự tranh chấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng tôi nghĩ đã là vấn đề nội bộ thì chúng tôi không cần phải xin phép bất cứ ai cả. Chiến lược tổng thể là chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình nhưng chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình".

Hiện tại, Philippines đã nhận được cam kết ủng hộ của Mỹ trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều quan chức trong chính quyền Manila mà đứng đầu là Thượng nghị sĩ Francis Pangilinan lại cảnh báo không nên "ảo tưởng" bởi những lời hứa và rằng Philippines chỉ có thể dựa vào chính mình để bảo vệ lợi ích tại biển Đông.

Trước mắt, Philippines đang xem xét việc thành lập một phái đoàn ngoại giao đặc biệt nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế về vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Nhiều khả năng, chính quyền Manila có thể sẽ yêu cầu sự tham gia của LHQ trong việc đàm phán tìm giải pháp hòa bình. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đang hoàn tất báo cáo để gửi lên LHQ kiến nghị về những hành động xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển nước này và đệ trình ASEAN báo cáo riêng về vấn đề này.

Trong bối cảnh như vậy, ASEAN - tổ chức được coi là sẽ đóng vai trò trung tâm trong khu vực châu Á đang tìm kiếm những giải pháp mới cho vấn đề biển Đông. Phần lớn các quốc gia thành viên ASEAN đều cho rằng, giải quyết vấn đề này cần cơ chế đa phương và có những quy định, ràng buộc cụ thể.

Tin từ TTXVN cho hay, hôm 17/6, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nikkei của Nhật Bản khi đang ở thăm Tokyo, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết, Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2011 sẽ đưa vấn đề tranh chấp trên biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới. Như vậy, những căng thẳng hiện nay sẽ được không chỉ các nước ASEAN, Trung Quốc mà cả Nga, Mỹ tìm cách giải quyết.

Tàu chiến lớn nhất của Philippines BRP Rajah Humabon đã được điều tới khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Nhận định rằng Đông Nam Á hiện nay là khu vực đang có những mối quan hệ biến động, phức tạp, song ông Susilo Bambang Yudhoyono vẫn nhấn mạnh, không quốc gia nào có quyền lực áp đảo hay áp đặt các nước khác trong khu vực. Các tranh chấp đều phải được giải quyết hòa bình, sử dụng phương pháp ngoại giao và đối thoại thay cho các biện pháp vũ lực nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và phồn vinh trong khu vực.

Mặc dù không chỉ rõ đích danh nước nào nhưng theo nhiều nhà phân tích, tuyên bố của Tổng thống Philippines đã tỏ rõ sự lo ngại trước các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua, trong đó có các hoạt động gia tăng hải quân trên biển Đông.

Đối với Việt Nam, một quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, dựa vào nỗ lực và nội lực của chính mình để giải quyết các tranh chấp với các nước liên quan bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga từng nhiều lần khẳng định: "Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thông qua đàm phán song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên liên quan".

Việt Nam chủ trương những vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương giữa các nước liên quan trực tiếp. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, thì giải quyết giữa các bên liên quan đó. Đối với những vấn đề không chỉ liên quan đến các nước ven biển Đông, mà còn liên quan đến các nước ngoài khu vực, như vấn đề an ninh, an toàn hàng hải v.v… thì phải được giải quyết với sự tham gia của các bên liên quan.

Tại phiên họp ngày 17/6 của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) ở New York (Mỹ), đại biểu các nước tham gia đã thông qua nghị quyết kéo dài thời gian làm việc hằng năm của Ủy ban giới hạn thềm lục địa (CLCS) và các tiểu ban của Ủy ban lên sáu tháng trong 5 năm tới. Theo phóng viên TTXVN, việc kéo dài thời gian này nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết các vấn đề nảy sinh trên thế giới liên quan đến giới hạn thềm lục địa theo Công ước UNCLOS. Hội nghị kêu gọi các bên có các chuyên gia phục vụ trong CLCS đài thọ mọi chi phí cho các chuyên gia này và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của họ vào các công việc của CLCS.

Nhóm làm việc không chính thức của Hội nghị nhấn mạnh CLCS sẽ nỗ lực lớn để đảm bảo rằng các nước đệ đơn lên CLCS yêu cầu xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý sẽ nhận được câu trả lời trong một khung thời gian hợp lý. Hội nghị cũng đã bầu 7 thẩm phán đại diện cho các khu vực trên thế giới của Tòa án quốc tế về luật biển (ITLS). CLCS và ITLS là hai cơ quan được thành lập theo UNCLOS. Theo quy định, CLCS chịu trách nhiệm giải quyết các yêu cầu xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo yêu cầu của các nước, trong khi ITLS chịu trách nhiệm phân xử các tranh chấp liên quan đến UNCLOS.

 

                                                                                        Theo CAND

Các tin khác


CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục