Biện pháp trừng phạt và việc rời bỏ của các nhà đầu tư phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ nhắc nhở Nga nỗ lực cải thiện hơn nữa quan hệ với các đối tác phía đông. Trong trung hạn, Châu Á có thể trở thành thị trường phân phối chính cho hàng hóa của Nga.

"Những biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga, mà còn có thể gây rối cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Nga phải biết rằng leo thang hơn nữa sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế cô lập họ hơn nữa" - Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong ngày công bố một loạt lệnh trừng phạt kinh tế chống lại nước Nga vào ngày 20.3 để đáp trả cho việc Crưma quay trở lại Liên bang Nga.

Hình thức trừng phạt được Washington đưa ra bao gồm đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với một số quan chức Nga cao cấp và người đứng đầu các công ty nhà nước cũng như một số doanh nhân “gần gũi Điện Kremlin”. Tổ chức Nga duy nhất được đưa vào danh sách trừng phạt là Ngân hàng Rossiya.

EU cũng đã thông qua biện pháp trừng phạt tương tự. Ngoài ra, Moskva còn bị các nước G8 trừng phạt bằng cách tẩy chay, đình chỉ thương mại và đầu tư (như Mỹ đã làm) và thị thực (EU làm) hoặc đàm phán và hợp tác quân sự - kỹ thuật (Anh, Pháp đã làm).

Hậu quả lâu dài

Tình hình căng thẳng xung quanh Ukraina là một nguy cơ lớn gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế của Nga. Phản ứng của thị trường tài chính toàn cầu cũng có thể làm Nga bị tổn hại.

Các tổ chức xếp hạng Moody và S&P đã hạ cấp dự báo của họ cho xếp hạng tín dụng của Nga. Xếp hạng bị hạ cấp khiến Chính phủ Nga phải vay nước ngoài với lãi suất cao hơn, dẫn tới việc các tổ chức tài chính quan trọng của Nga như Sberbank, VTB và VEB đều gặp khó, đồng thời ảnh hưởng xấu tới tất cả các chủ nợ ở phương Tây.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến đầu năm 2014, các ngân hàng Nga đã nợ nước ngoài gần 215 tỉ USD, các doanh nghiệp Nga nợ nước ngoài khoảng 438 tỉ USD. Trong hai năm tới đây, các ngân hàng Nga phải trả gần 88 tỉ USD nghĩa vụ nước ngoài của họ và các công ty Nga trả trên 182 tỉ USD.

Chính phủ Nga hiện đang tích trữ dự phòng trong trường hợp sẽ phải mua lại nợ của công ty chiến lược của Nga để trả nợ nước ngoài. Các biện pháp tương tự cũng được thực hiện trong những năm 2008-2009.

Căng thẳng leo thang hơn nữa với phương Tây có thể dẫn đến việc các công ty của Nga có thể bị từ chối tiếp cận các trung tâm tài chính toàn cầu. Trong nhiều năm, hầu hết các công ty Nga đã tiến hành đợt IPO  trên thị trường chứng khoán London cũng như NYSE và NASDAQ tại Mỹ.

Bây giờ, nhiều đợt IPO hoặc sẽ bị hủy bỏ hoặc hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, một hậu quả tiêu cực là dòng vốn - có thể đạt được lên tới 50 tỉ USD mỗi quý - sẽ chẳng còn.

Hậu quả nghiêm trọng không kém có thể xảy ra sau khi EU giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, hiện tại EU vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, bởi Châu Âu sẽ không thể ngừng mua dầu và khí đốt của Nga ngay ngày mai!

"Cứu tinh" là phương Đông

Trong tình hình hiện nay, có vẻ như Nga đã đưa ra một kế hoạch phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với phương Đông để đối phó với lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Với Nga, Châu Á thực sự có thể trở thành một lựa chọn thích hợp để thay thế cho thị trường Châu Âu. Sergio Nam - Giám đốc của Eurasia Capital Partners có trụ sở chính tại Hồng Kông - đã chỉ ra rằng, các nước Đông Á và Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh nhất cho các loại hàng xuất khẩu chính của Nga: Dầu khí , kim loại, sản phẩm hóa chất, thực phẩm.

Trung Quốc - từ năm 2009 - đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga (89 tỉ USD trong năm 2013). Nga cũng có thể tăng cường hợp tác với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Kể từ khi nội các mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền, Tokyo đã đặt nhiều hy vọng vào sự hợp tác với Nga. Mục đích không chỉ là phát triển kinh doanh của công ty Nhật Bản ở vùng Viễn Đông của Nga, mà còn để Nga không trở thành nơi cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc" - một chuyên gia tư vấn của chính phủ Nhật Bản cho biết.

Để thúc đẩy quan hệ Nhật-Nga và quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin, Thủ tướng Nhật Abe là nhà lãnh đạo duy nhất của các nước G7 tham dự Thế vận hội Mùa đông ở Sochi vừa qua. Mỹ đang đau đầu lựa chọn: Hoặc tiếp tục gây áp lực với Tokyo và Seoul để tăng sự cô lập Moskva, hoặc cho phép các đối tác Châu Á của mình hợp tác với Nga để hạn chế tác hại của lệnh trừng phạt – nhằm tránh đẩy Nga về phía Trung Quốc.

 

                                                           Theo Báo Laodong

 

Các tin khác


CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục