Trong những năm qua, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh (BCĐ 09), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với công cuộc bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng..
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Lập (Lạc Sơn) phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể xã trao kinh phí hỗ trợ cho hộ người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Trong năm 2024, các cấp Hội đã tổ chức hơn 620 buổi tuyên truyền pháp luật với các nội dung trọng tâm như: phòng, chống ma túy, mua bán người, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, thuốc lá điện tử… thu hút trên 83.000 lượt người tham gia. Nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, Hội phối hợp lực lượng Công an tổ chức 11 buổi truyền thông chuyên đề, tập huấn kiến thức cho gần 2.000 hội viên và người dân.
Đồng chí Khà Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: "Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và TNXH có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ ANTT ở cơ sở và thúc đẩy bình đẳng giới. Các cấp Hội luôn đổi mới hình thức truyền thông, lựa chọn nội dung phù hợp để hội viên dễ hiểu, dễ tiếp cận và vận dụng trong cuộc sống”.
Song hành với tuyên truyền là chuỗi hoạt động nhân văn hỗ trợ trẻ em, phụ nữ yếu thế. Thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu”, trong năm 2024, các cấp Hội đã nhận và vận động nhận đỡ đầu 98 trẻ mồ côi. Tổng số trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu toàn tỉnh đến nay là 446 trẻ, trong đó có 14 trẻ mất cha mẹ do dịch Covid-19. Tổng trị giá hỗ trợ từ chương trình đạt hơn 2 tỷ đồng, góp phần giúp các em tránh nguy cơ bị xâm hại, lôi kéo vào các TNXH.
Tại cơ sở, các mô hình do Hội LHPN xây dựng tiếp tục phát huy hiệu quả rõ nét. Tiêu biểu như: "5 không, 3 sạch”, "Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc TNXH”, "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, "Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”… Các mô hình vừa là nơi tiếp cận thông tin pháp luật, vừa là chỗ dựa tinh thần giúp phụ nữ và trẻ em yên tâm sinh sống, học tập.
Chị Bùi Thị Hoa, Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Rị, xã Phú Thành (Lạc Thủy) chia sẻ: "Thông qua các mô hình, chị em hiểu rõ hơn quyền lợi của mình, biết tự bảo vệ bản thân, đồng thời giáo dục con em tránh xa các tệ nạn. Nhờ đó, tình hình ANTT trong thôn được giữ vững”.
Cùng với đó, Hội tích cực triển khai các mô hình phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ. Năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 7 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, 9 tổ hợp tác, 37 tổ liên kết và 10 mô hình sinh kế, qua đó góp phần giúp phụ nữ ổn định thu nhập, nâng cao vị thế trong gia đình và cộng đồng.
Trong công tác hòa giải ở cơ sở, các cấp Hội đã tham gia hòa giải thành công 43 vụ mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai, bất đồng giữa hàng xóm, góp phần giữ gìn đoàn kết và ổn định xã hội từ cơ sở.
Trước yêu cầu mới của công tác bảo đảm ANTT, Hội LHPN tỉnh xác định tiếp tục nâng cao vai trò đội ngũ tuyên truyền viên, chi hội trưởng trong nắm bắt tư tưởng hội viên, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng, không để hình thành điểm nóng. Hội cũng chú trọng giáo dục hội viên về an ninh mạng, phối hợp nhà trường và gia đình trong quản lý con em, nhất là trong thời gian ngoài giờ học.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nhân rộng các mô hình truyền thông pháp luật, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tội phạm, TNXH. Những nỗ lực toàn diện đó đã và đang góp phần khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ Hòa Bình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất, bền vững.
Hồng Duyên
Không gian thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra những chân trời tiêu dùng mới, nơi một cú click có thể đưa sản phẩm từ thôn bản xa xôi tới tận bàn ăn thành thị. Nhưng cũng chính ở đó, những khoảng trống pháp lý, những kẽ hở kiểm soát lại tạo ra những "vùng trũng” dễ bị lợi dụng cho hành vi gian lận, trốn thuế, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Hòa Bình vừa bước vào cuộc chơi thương mại số và cũng đã phải đối mặt với những vết rạn đầu tiên. Vừa qua, vụ việc Công ty TNHH HTV VKMarket (huyện Yên Thủy) bị khởi tố vì hành vi trốn thuế thông qua kinh doanh trực tuyến không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết: TMĐT dù là mảnh đất màu mỡ, cũng không thể trở thành "vùng trũng” của pháp luật.
Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên (TTN) tụ tập gây mất an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh có diễn biến khá phức tạp. Không chỉ gia tăng về số vụ vi phạm mà tính chất, mức độ hành vi vi phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, mang tính côn đồ. Đáng nói xuất hiện tình trạng các nhóm TTN tụ tập điều khiển xe mô tô phóng nhanh, lạng lách trên đường mang theo hung khí như dao, kiếm, tuýp sắt, súng bắn bi... gây nguy hiểm cho người đi đường.
Bà Lê Thị Lan (Lạc Thuỷ) hỏi: Đề nghị cho biết đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng được quy định như thế nào?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Ngày 12/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo của Trần Văn Hòa (SN 1975), trú tại tổ 14, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình. Trước đó, bị cáo đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình xét xử và tuyên phạt 6 năm tù về tội "tàng trữ trái phép chất ma túy”.
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 798/UBND-NVK về việc triển khai thực hiện Công điện số 29/CĐ-TTg, ngày 3/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng (KGM) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.