(HBĐT) - Đầu năm 1958, theo sáng kiến của Tỉnh Đoàn Hòa Bình, được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, trường "vừa học, vừa làm” được thành lập trên các công trường xây dựng giao thông của tỉnh Hòa Bình. Năm 1962, khi biết có một ngôi trường theo phương thức mới trên vùng miền núi Hòa Bình, mặc dù bận với trăm công, nghìn việc của thời kỳ nước nhà mới dành được độc lập và hòa bình ở miền Bắc, Bác Hồ đã về thăm, làm việc với thầy và trò nhà trường, thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Bác đã căn dặn "Đây là trường học chứ không phải nông trường” và để lại lời dạy quý giá đối với thầy, trò nhà trường cũng như các thế hệ trẻ cả nước: "Phải: Học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”.


Tiết học tiếng Anh tại phòng học công nghệ cao Language Lab của trường PT DTNT THPT tỉnh.

Từ đó, nhà trường chính thức có tên gọi: Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Các thế hệ thầy, trò và nhân dân còn gọi bằng cái tên giản dị, thân thương: "Trường Nông”.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV) từ thế hệ thanh niên xung phong của Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Hà Tây… đã tình nguyện lên Hòa Bình góp công sức xây dựng ngôi trường trở thành điển hình tiên tiến toàn quốc với phương thức dạy và học đặc biệt "Vừa học, vừa làm”.

Từ cơ sở chính là khu hiệu bộ tại xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình), nơi Bác Hồ đã đến thăm trường ngày 17/8/1962, dần dần nhà trường đã có các phân hiệu Bướng, Sính, Cào thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Sau đó mở rộng sang bờ phải sông Đà với phân hiệu Bãi Đạo (Hợp Thịnh - Kỳ Sơn).Vượt dốc Đá Bia, Thu Tinh thành lập phân hiệu Tu Lý thuộc huyện Đà Bắc. Những năm 1970, có hàng trăm cán bộ, nhân viên, hàng nghìn học sinh của nhà trường đã hăng say lao động sản xuất, trồng hàng trăm ha sắn, ngô, mía, dâu tằm, nuôi hàng trăm con lợn, trâu, bò. Sản xuất hàng trăm tấn tinh bột sắn, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Được sự dạy dỗ của các thầy, cô giáo, học sinh của nhà trường ra sức học tập, dành nhiều kết quả xuất sắc. Từ ngôi trường vừa học, vừa làm, hàng nghìn thanh niên các dân tộc đã tốt nghiệp cấp II, cấp III và đại học. Nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các địa phương, đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng quê hương, đất nước. Tiêu biểu như các đồng chí Bùi Thanh Thu, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Duyệt, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy Hòa Bình; Bùi Văn Phong, nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hòa Bình; Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBT.ư MTTQ Việt Nam. Nhiều anh, chị đã hăng hái lên đường tham gia chống Mỹ cứu nước, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiêu biểu như đại tá Trần Hùng Thắng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu 9; đại tá Hoàng Thế Bình, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Trường Sơn; liệt sỹ Trần Văn Tới, hy sinh tại mặt trận Campuchia...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, nhà trường là đơn vị lá cờ đầu phong trào thi đua "Hai tốt” giai đoạn 1968- 1978 của ngành giáo dục, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, năm 1985 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Từ năm 1991 đến nay, với phương thức trường phổ thông dân tộc nội trú, tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phát huy truyền thống mái trường anh hùng, thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu thi đua "dạy tốt, học tốt” và dành được nhiều thành tích xuất sắc. Đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 5.000 học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều em tiếp tục học đại học, cao đẳng, trở thành cán bộ chủ chốt trong nhiều lĩnh vực ở địa phương và toàn quốc. Tiêu biểu như: Nguyễn Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; Lường Văn Thi, Chủ tịch HĐND huyện Đà Bắc; Đinh Thế Lực, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hạ Long... Nhiều học sinh có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc, hiện nay tiếp tục học tập, rèn luyện trở thành cán bộ, kỹ sư giỏi, tiêu biểu như: Đinh Song Thương, giải thưởng Hoa Trạng nguyên, sinh viên Học viện ANND; Phạm Thị Quỳnh Liên, giải thưởng Hoa Trạng nguyên, sinh viên Đại học Y Hà Nội; Bùi Anh Dũng, giải thưởng Hoa Trạng nguyên, sinh viên du học tại Cộng hòa Liên bang Nga…

Các thế hệ CB, GV, NV nhà trường luôn trau dồi phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi, dạy học sinh, đào tạo được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước là con em các dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Nhiều CB, GV, NV đã vượt qua khó khăn thử thách là cán bộ cốt cán trong các lĩnh vực của ngành giáo dục, là những tiêu biểu, tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. Tiêu biểu như: nhà giáo ưu tú Nguyễn Tú Oanh, tổ trưởng chuyên môn; nhà giáo Quách Đình Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường; thầy Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn địa lý; thầy Trương Hữu Thanh dạy môn toán; thầy Bùi Duy Tân phụ trách nội trú; đồng chí Hoàng Thị Sâm, kế toán kiêm tổ trưởng tổ Văn phòng - quản trị đời sống...

Năm học 2016 - 2017 kết thúc, nhà trường đã dành được thành tích đặc biệt xuất sắc. Học sinh đạt hạnh kiểm tốt 648/664 em, chiếm 97,59%; loại khá 12/664 em, chiếm 1,81%; học lực: Loại giỏi 240/664 em, chiếm 36,14%; loại khá 400/664 em, chiếm 60, 24%; 162 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 206 em tốt nghiệp THPT Quốc gia, đạt 100%. Trong đó, 205/206 học sinh đạt từ điểm sàn trở lên tính theo các khối tuyển sinh đại học; 3 học sinh đạt điểm 10 các môn thi, tiêu biểu là em Đinh Ngọc Thảo, dân tộc Mường, đạt 2 điểm 10 môn lịch sử và địa lý, đạt 29,40 điểm khối A07; Nguyễn Đức Hoàng, đạt 29,3 điểm khối A00.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, nhà trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba nhân dịp kỷ niệm 55 năm học tập và làm theo lời Bác. Tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập trường, thầy và trò nhà trường quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, dành nhiều thành tích xuất sắc đưa nhà trường vươn lên tầm cao mới.

 

                                                        Bùi Văn Sung 

                              (Hiệu trưởng Trường ptDTNT THPT Hòa Bình)

 

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục