(HBĐT) - Trường cách nhà 70 km, cả tháng mới về thăm nhà được 1 lần, đã từng bị tai nạn vì đường đến trường quá hiểm trở, đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ chi tiêu nhưng cô vẫn chắt chiu mua cho học sinh từ cuốn vở, đôi dép… Trong lớp học lều bạt được dựng lên giữa rừng sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, tôi đã được cô giáo Xa Thị Thu (giáo viên trường tiểu học Đồng Ruộng, chi xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc) trải lòng về sự nghiệp "gieo chữ” nơi vùng cao đầy khó khăn và ân tình như thế.


Cô giáo Xa Thị Thu bồi dưỡng kiến thức cho học sinh tại chi trường xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc).

Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử, 25 hộ dân xóm Nhạp phải di dời sang khu vực đồi Tanh Hương (xóm Tân Hương) để lánh nạn. Chi trường tiểu học xóm Nhạp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lớp học phải sơ tán. Tại điểm sơ tán, người dân sinh sống trong những lán trại dã chiến, thiếu thốn đủ thứ, mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Để duy trì công tác dạy và học của chi trường xóm Nhạp, chính quyền các cấp đã hỗ trợ bàn, ghế, sách vở để cô, trò nhà trường tiếp tục lên lớp.

Trong căn lều bạt thiếu ánh sáng, chúng tôi xúc động khi chứng kiến hình ảnh cô Xa Thị Thu và các đồng nghiệp đang sửa soạn sách vở, kê lại bàn ghế để chuẩn bị cho lớp học buổi chiều. Trò chuyện với chúng tôi, cô Thu cho biết: "Trước đây tôi là nhân viên hành chính tại trường Tu Lý B, xã Tu Lý. Trong quá trình làm việc tại trường, tôi thấy yêu quý trẻ, yêu nghề nhà giáo nên đã ôn luyện và thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình năm 2000, tôi nhận công tác tại trường tiểu học xã Đồng Chum B (xã Đồng Chum). Lúc bấy giờ, đời sống bà con trên đó cực lắm, thiếu thốn đủ thứ, từ điện, nước, đường giao thông… Mỗi lần từ nhà lên, tôi phải mất 3 giờ đồng hồ đi ô tô và 2 giờ đi bộ mới có thể đến được trường. Đi bộ trên đường mòn, vắng vẻ, xung quanh toàn là rừng tre, nứa. Trường xa chợ, xa đường nên giáo viên phải mang gạo, quần áo, đồ khô để đủ ăn cả tháng. Sau 5 năm công tác tại trường tiểu học Đồng Chum B, tôi nhận nhiệm vụ mới tại chi trường tiểu học xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng. Tại đây, do đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu, tôi cùng các giáo viên phải mua lưới, đánh bắt tôm, cá cải thiện bữa ăn hằng ngày”.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng sự hy sinh lớn nhất của cô Thu – một người vợ, người mẹ đó là phải công tác xa nhà. Do địa bàn cách trở, công tác xa nhà khoảng 70 km, cô Thu chỉ về với gia đình vào dịp cuối tuần. Có những lúc công việc bận, hàng tháng cô mới về thăm gia đình.

Không chỉ vất vả, khó khăn, khi quyết tâm gắn bó với vùng cao, cô Thu phải vượt qua rất nhiều nguy hiểm. Đường giao thông đi lên Đồng Ruộng là một trong những cung đường khó khăn, nguy hiểm. Năm 2014, khi đường đang làm dang dở, cô đã bị ngã xuống hố sâu 20m do đường sạt lở. Rất may người chỉ xây xát chứ không bị thương nặng. Qua lần đó, nhiều người thân trong gia đình đã khuyên cô xin về gần nhà công tác. Tuy nhiên với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Thu vẫn tiếp tục "gieo chữ” cho học sinh vùng cao.

Cuộc sống giáo viên vùng cao muôn vàn thiếu thốn nhưng các thầy, cô vẫn bám trường, bám bản. Chia sẻ về điều này, cô Thu cho biết: Học sinh vùng cao mặc dù nhận thức chưa đồng đều nhưng rất hiếu học. Phụ huynh tuy đời sống kinh tế khó khăn nhưng luôn tha thiết để các con được đến trường học chữ. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh vùng cao sống rất tình cảm, quý mến và trân trọng thầy, cô giáo. Vì tình cảm đó mà vượt lên mọi khó khăn, chúng tôi vẫn tha thiết bám trụ nơi vùng cao.

Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của học sinh, cô Thu thường xuyên trích tiền lương của mình mua tặng sách, vở, đồ dùng học tập giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian rỗi cô dạy thêm miễn phí cho học sinh.

Nhiều năm gắn bó với học trò vùng cao, trước ngày nhận quyết định nghỉ hưu, cô Xa Thị Thu tha thiết một nhắn nhủ: Vùng cao cần lắm những giáo viên trẻ tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ. Các bạn giáo viên trẻ hãy mạnh dạn dấn thân để thấy mình được sống có ích, được cống hiến và thấy rằng nghề giáo thực sự cao quý.


 Đức Anh


Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục