Các chuyên gia giáo dục khuyên các em cần cẩn trọng trong việc chọn ngành, chọn trường, đừng chọn theo trao lưu rồi bỏ học nửa chừng.

Thời điểm hiện tại, khi các trường đại học, cao đẳng đang tăng tốc quảng bá tuyển sinh thì câu hỏi được nhiều học sinh bậc phổ thông đặt ra nhất là nên chọn ngành nào, trường gì? 

Trước quá nhiều thông tin xuất hiện cùng lúc, không ít học sinh cảm thấy bị phân tâm. Có bạn còn không biết mình mạnh ở điểm nào và bản thân thực sự muốn gì nên khá mông lung trong việc chọn ngành nghề tương lai, nghiêng sang xu hướng chọn theo trào lưu. 

Việc tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cũng là cách giúp học sinh phổ thông có cái nhìn toàn diện hơn về ngành nghề mình muốn theo học

Các chuyên gia giáo dục cho rằng: chính suy nghĩ thiếu nghiêm túc trong việc định hướng nghề nghiệp là nguyên do dẫn đến nhiều hệ lụy sau này như phải thôi học giữa chừng, thất nghiệp, không thể phát triển tương lai.

Tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, điều khiến các chuyên gia giáo dục, đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng lo lắng nhất chính là đa phần học sinh phổ thông chưa có thông tin đầy đủ về ngành nghề mà mình sẽ chọn. Thậm chí có em còn không biết ngành hay trường đó là gì và năng lực như thế nào là phù hợp để có thể theo đuổi đến cùng. Vì mù mờ thông tin, lắm em chọn ngành theo trào lưu, thậm chí theo bạn bè.

Theo Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc tiếp cận nguồn thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp của học sinh phổ thông các vùng miền đã trở nên thuận tiện hơn. Thế nhưng, mặt trái của việc này là rất dễ dẫn đến tình trạng loạn thông tin khiến học sinh phân tâm, rối trí. 

Do vậy, các em cần biết cách chọn lọc nguồn tin và tìm hiểu thật kỹ ngành nghề cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia, giáo viên và gia đình để có được hướng đi phù hợp.

Ông Toàn nhấn mạnh: "Hiện nay, các bạn học sinh đang đón nhận cùng lúc quá nhiều thông tin như công nghiệp 4.0, phải học ngành gì cho tốt, nên học theo định hướng tương lai, đi du học, hay tham gia một chương trình liên kết quốc tế nào đó… Tất cả những điều này sẽ tác động rất nhiều đến các bạn học sinh phổ thông. Tuy nhiên tôi vẫn khuyên các bạn nên thực sự tỉnh táo. Mỗi bạn phải xem cái gì mình giỏi nhất để chọn ngành học theo năng lực cốt lõi của bản thân”.

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho rằng, học sinh phổ thông cần tận dụng tối đa các kênh thông tin để tìm hiểu sâu về ngành nghề mà mình yêu thích. 

Điều quan trọng nhất là phải tìm được trường uy tín, ngành học phù hợp để theo đuổi đến cùng và khẳng định bản thân sau khi tốt nghiệp. 

Thời gian qua, không ít sinh viên vì muốn vào đại học bằng mọi giá đã chấp nhận "nhắm mắt” chọn ngành để rồi chán nản bỏ học giữa chừng hoặc bị buộc thôi học do không đủ năng lực đáp ứng.

"Vấn đề quan trọng bây giờ mà các em học sinh phổ thông cần chú ý là học ngành gì để sau này ra trường có việc làm. Nếu chúng ta cứ tập trung vào một bậc học mà bản thân không đủ năng lực của bản thân cũng như điều kiện của gia đình thì các em có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng hoặc sau này thất nghiệp” – ông Lý nêu.

Nếu như tiêu chuẩn trước kia là chọn ngành sao cho ra trường có việc làm ổn định, thu nhập tốt thì trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay đòi hỏi người trẻ phải đủ kiến thức, bản lĩnh để chọn ngành tạo ra ưu thế trong thị trường lao động. Không cần phải chọn ngành nghề quá cao siêu hay tìm cách vào trường đại học quá nổi tiếng nhưng theo Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Việt, thí sinh phải chọn cho được ngành học tạo ra hướng phát triển sau này. Nếu được, hãy chọn ngành có thể giúp các em có kiến thức nền tảng để thích nghi tốt với nhiều lĩnh vực công việc khác nhau sau khi tốt nghiệp.

Ông Thành khuyên: "Các em phải xem xét rất cẩn trọng và điều cần quan tâm là ngành nghề đó sẽ giúp cho có cuộc sống như thế nào. Với ngành nghề ấy các em có thể tiếp tục phát triển hơn nữa được hay không. Khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới như hiện nay các em phải làm sao nghĩ tới chuyện mình hòa nhập được với cuộc cách mạng ấy. Vì vậy, việc chọn một ngành học phù hợp và linh hoạt là rất quan trọng”.

Nhưng PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, quan trọng hơn vẫn là nỗ lực của bản thân mỗi sinh viên. Học kiến thức thôi chưa đủ mà ngay khi bước vào giảng đường đại học, các em phải chủ động tích lũy các kỹ năng cần thiết, phát huy hết mức thế mạnh của bản thân bởi đất nước hội nhập đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của thị trường lao động sẽ ngày càng khốc liệt. Khi người lao động không đảm bảo các tiêu chuẩn tuyển dụng ngày càng khắt khe việc họ thất nghiệp hay bị sa thải là điều đương nhiên. 

Các chuyên gia giáo dục khuyên rằng, để không lạc hướng, ngay từ khi bước vào lớp 10, mỗi học sinh cần xác định thế mạnh của bản thân, chủ động tìm hiểu ngành nghề mà mình yêu thích và tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin. Việc nghiêm túc đánh giá bản thân cộng với quá trình nghiên cứu kỹ, tham gia các buổi tư vấn sẽ giúp các bạn học sinh có cái nhìn cụ thể hơn, từ đó đưa ra những chọn lựa phù hợp với năng lực cũng như điều kiện gia đình./.

 

 

                        TheoVOV

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục