Cho đến hôm qua, 5-7, nhiều phụ huynh Hà Nội vẫn đang vật vã với chuyện rút - nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Câu chuyện vào lớp 10 năm nay của học sinh và phụ huynh Hà Nội càng trở nên khổ sở hơn bao giờ hết. Tuyển sinh lớp 10 năm nay được ví như chơi chứng khoán. Vì đâu nên nỗi?


Phụ huynh Hà Nội rút - nộp hồ sơ vào lớp 10 sáng 5-7. Ảnh: LÊ HÙNG

Nỗi khổ của phụ huynh

Tại Hà Nội, năm học 2018-2019, với 63.050 chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, khoảng 31.900 em sẽ phải vào THPT tư thục có chi phí đắt đỏ, hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên nếu không đỗ công lập. Cuộc cạnh tranh vào các trường THPT công lập thủ đô trở nên khốc liệt. Tỷ lệ chọi vào một số trường cao không kém đại học tốp đầu Việt Nam. Kỳ thi vào lớp 10 thực sự là một "cuộc đua” gay gắt với học sinh Hà Nội.

Tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội thực sự "nóng” ngay từ khi diễn ra kỳ thi với sự cố lọt đề thi cả 2 môn Toán - Văn ngay sau khi học sinh làm bài được một thời gian ngắn. Lực lượng chức năng sau đó xác định sự cố nghiêm trọng này do một giám thị gây nên do kém hiểu biết. Sự cố này của Hà Nội trở thành bài học đắt giá mà toàn ngành giáo dục phải cảnh giác khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua.

Đến khi có điểm thi lớp 10, việc xét tuyển vào lớp 10 của Hà Nội thực sự trở thành một cuộc đua gay gắt, có phần náo loạn, gây khổ sở cho nhiều thí sinh, phụ huynh trong việc chọn trường. Thí sinh Hà Nội có 2 nguyện vọng trường công lập, tuy nhiên, do áp lực phải học dân lập nên phụ huynh đứng ngồi không yên. Nhiều phụ huynh ngay từ đầu không dám chọn nguyện vọng 1 vào trường tốt mà sợ con bị trượt, chấp nhận chọn nguyện vọng ở trường vừa phải.

Đến khi có điểm thi, với kết quả điểm thi môn Văn thấp, phụ huynh lại khổ sở "hóng” điểm chuẩn các trường. Trong lúc "hóng” điểm chuẩn các trường công lập, một cuộc chạy đua, ghi danh kiếm chỗ học cho chắc ăn ở các trường ngoài công lập đã diễn ra. Điều đó dẫn đến cảnh tượng tuyển sinh như chơi chứng khoán của một số trường ngoài công lập ở Hà Nội. Nhiều trường ngoài công lập lợi dụng tâm lý lo âu của phụ huynh đã công bố điểm chuẩn ngay sau khi có điểm thi để tuyển sinh vào thời điểm "tranh sáng, tranh tối”, bắt phụ huynh chịu phí ghi danh cao, không trả lại phí nếu phụ huynh sau đó rút hồ sơ… rất phản cảm, thiếu nhân văn, không phù hợp với môi trường giáo dục. 

Đáng nói là ngay từ đầu, do học sinh tăng, đề thi không khó khiến nhiều phụ huynh sợ điểm chuẩn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Dù học sinh tăng mạnh, đề thi không khó nhưng điểm thi lại tụt dốc, nhất là môn Ngữ văn, kéo theo điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm nay giảm mạnh so với nhiều năm gần đây. Và đây là điều mà phụ huynh không thể ngờ tới. Ngày 4-7, Sở GD-ĐT Hà Nội hạ điểm chuẩn vào lớp 10 của 35 trường THPT công lập. Đến ngày 5-7, nhiều phụ huynh lại tất tả rút hồ sơ ở trường này, nộp trường kia để tiện cho việc học của con, phù hợp với nguyện vọng gia đình (mỗi thí sinh có 2 nguyện vọng công lập).

Hoàn toàn có thể minh bạch, công khai

Tại sao cũng là thi lớp 10 nhưng chỉ ở Hà Nội mới có cảnh rối loạn như vậy? Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 ở TPHCM với 86.881 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập, trong khi chỉ tiêu tuyển là 68.690 học sinh, tức là áp lực phải học trường dân lập của học sinh TPHCM cũng không phải nhỏ, sẽ  phải có hơn 18.000 thí sinh không có suất học công lập. Nhưng việc tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM yên ả là do cách làm minh bạch, công khai.

Cụ thể, chiều 13-6, sau khi có kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT TPHCM đã họp báo về kết quả thi vào lớp 10, công bố rõ phổ điểm năm nay của ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh tương đương kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018. Với phổ điểm được công bố rõ ràng bao nhiêu bài thi trên điểm 5, điểm từ 8 trở lên có bao nhiêu, bao nhiêu bài điểm 0, tương ứng với tỷ lệ bao nhiêu… đã giúp phụ huynh hình dung rất rõ điểm của con mình đứng ở vị trí nào. Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã đưa ra nhận định phổ điểm vào 10 năm nay không có sự đột biến theo kiểu quá thấp hay quá cao so với các năm.

Như vậy, phụ huynh có thể phần nào tính toán được khả năng con mình đỗ vào đâu. Còn ở Hà Nội, nhiều phụ huynh phải chấp nhận mất khoảng 6 - 10 triệu đồng tiền phí ghi danh và đi năm lần bảy lượt mới rút được hồ sơ cho con ở trường ngoài công lập.  Họ cho rằng, giá như ngay từ đầu được biết thông tin điểm thi của Hà Nội năm nay là thấp chung thì sẽ yên tâm chờ đến khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn công lập.

Như vậy có thể thấy, phụ huynh Hà Nội không được cung cấp thông tin về phổ điểm thi vào lớp 10 dẫn tới những bấn loạn không đáng có trong đồn đoán về điểm chuẩn, tạo kẽ hở cho các trường ngoài công lập "chụp giật’” tuyển sinh, rất phản giáo dục. Rõ ràng, để thuận lợi cho việc tuyển sinh, không làm khổ thí sinh, phụ huynh, đặc biệt là trong những năm điểm thi có dấu hiệu tăng giảm một cách đột biến thì việc công bố phổ điểm là thông tin rất cần thiết, đặc biệt hữu ích cho phụ huynh.

Nếu năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có cùng cách làm như Sở GD -ĐT TPHCM thì sẽ không gây nên nỗi thống khổ cho phụ huynh như vậy.  Đó là lý do mà ở nhiều nhóm phụ huynh trên mạng xã hội, rất nhiều lời ca thán đã cất lên. Nhiều phụ huynh nghi ngờ phải chăng việc không minh bạch, công khai phổ điểm thi này là do lợi ích nhóm, làm khổ phụ huynh nhưng lại có lợi cho các trường ngoài công lập?

 

                                 TheoSGGP

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục