Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trả lời những ý kiến của Bộ Y tế liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế.



Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng 6-11
 

PV:Bộ Y tế cho rằng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Dự án Luật GDĐH) hiện chưa đề cập đến tính đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng là trình độ và văn bằng GDĐH. Xin bà cho biết ý kiến của Ban soạn thảo về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Khi thực hiện Dự án Luật GDDH, tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế, ở một số dự thảo trước, Ban soạn thảo đã đưa vào nhiều quy định về nhân lực (bác sĩ, dược sĩ…) như Điều 6 (quy định về trình độ đào tạo), Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 38 (Cấp văn bằng chứng chỉ), Điều 45 (liên kết đào tạo)... và giao cho Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề đó.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo nhận được một số ý kiến cho rằng, các trình độ của GDĐH chỉ nên là Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ như hầu hết các nước khác. Nếu quy định trình độ tương đương thì không minh bạch; khó có cơ chế kiểm soát. Nếu quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định sẽ làm rối và có thể làm giảm hiệu lực của văn bản Luật…

Để văn bản Luật có tính liền mạch, ổn định, tránh tình trạng mỗi điều, mỗi vấn đề lại có quy định riêng bên cạnh và giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quy định riêng đó (như đề xuất trong một số văn bản của Bộ Y tế); để thuận lợi trong quá trình hướng dẫn, tra cứu, triển khai và áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam, Ban soạn thảo đã tổng hợp các vấn đề cần quy định riêng trong nội dung sửa Điều 73 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng, chứng chỉ. Ngoài Điều 73 quy định tổng hợp về tám vấn đề cần quy định riêng cho chương trình định hướng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với lĩnh vực sức khoẻ và một số lĩnh vực khác, Dự thảo còn ba điều có quy định riêng cho lĩnh vực sức khoẻ là: Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 45 (liên kết đào tạo). Như vậy, có thể nói hầu hết các đề xuất của Bộ Y tế đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉ khác về kỹ thuật thể hiện trong Dự thảo mà thôi.

PV: BộYtế cho rằng, trong đào tạo y khoa là đào tạo song song theo cả hai hướng hàn lâm và chuyên nghiệp, do vậy, nếu không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong Luật, mà giao Chính phủ quy định về xác định chỉ tiêu, thời gian đào tạo… như ở Điều 73, sẽ làm rối thêm mà không giải quyết được việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế. Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới thì việc quản lý tổ chức đào tạo, quy định trình độ nghề và cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu thường thuộc thẩm quyền của hiệp hội nghề nghiệp hoặc của cơ quan quản lý chuyên môn. Việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới, chỉ gặp trong mô hình đào tạo một số nuớc Đông Âu trước đây. Ban soạn thảo đã tham khảo Luật Giáo dục đại học của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, Malaysia, Indonesia, Đức, Trung Quốc… thì chưa thấy có nước nào quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú trong Luật GDĐH.

Việc quy định như trong Dự thảo là phù hợp với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại Quốc hội ngày 27-10 là việc đào tạo nhân lực y tế "Đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu; hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ”.

PV:Dự thảo đang quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đó, các bác sĩ công tác tại các bệnh viện chủ yếu là những người có bằng chuyên khoa I , chuyên khoa II hay nội trú có trình độ chuyên môn tay nghề rất giỏi và đang tham gia giảng dạy. Vậy sẽ công nhận họ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng:Quy định chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên không phải là vấn đề mới trong Dự thảo lần này mà đã có từ Luật GDĐH 2012. Khái niệm chuẩn giảng viên trong Luật GDĐH của hầu hết các nước đều đề cập đến là trình độ và văn bằng của các giảng viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, theo hệ thống văn bằng giáo dục quốc gia. Đa số các nước trong khu vực và trên thế giới còn quy định chuẩn giảng viên trong cơ sở GDĐH phải là tiến sĩ.

Theo Luật hiện hành và tiếp nối theo Dự thảo, đối với người giảng dạy thực hành tại các cơ sở thực hành của khối ngành sức khoẻbằng chuyên khoa I, chuyên khoa II hay nội trú vẫn là giảng viên, nếu đáp ứng các quy định của Nghị định số 111/2017 của CP. Nếu đồng thời có bằng Thạc sĩ trở lên thì giảng viên đó được tính hệ số 1,0. Nếu chưa có bằng Thạc sĩ trở lên thì giảng viên đó được tính hệ số giảng viên thấp hơn.

PV:Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

                                                                                 Theo báo Nhân dân

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục