(HBĐT) - Mọi hoạt động phải tạm dừng, không đủ năng lực tài chính để hỗ trợ cán bộ, giáo viên, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu đại dịch kéo dài. Đó là tình cảnh các trường học thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đang gặp phải trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.


Trường mầm non tư thục Sao Mai (TP Hòa Bình) sửa sang, dọn phòng học, đảm bảo môi trường giáo dục tốt khi đón trẻ trở lại trường.

Kể từ giữa tháng 2, trường mầm non (MN) tư thục Sao Mai và trường phổ thông liên cấp Sao Mai, thuộc Công ty CP Điện tử - Viễn thông Thành Biên (TP Hòa Bình) tạm dừng hoạt động giáo dục nhằm tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Trên 100 cán bộ, giáo viên làm việc tại 2 nhà trường đã phải nghỉ việc không lương 2 tháng nay. Việc duy trì đóng BHXH tháng 3 cho cán bộ, giáo viên đã là sự cố gắng của doanh nghiệp, nhưng từ tháng 4 trở ra thì không còn giải pháp nào. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP Điện tử - Viễn thông Thành Biên cũng đã tạm dừng các hoạt động dịch vụ giải trí, kinh doanh điện tử, viễn thông. Tại 2 ngôi trường thuộc Công ty, tất cả giáo viên đều đang nghỉ việc không lương. Chỉ một vài trường hợp liên quan đến khâu kỹ thuật được sắp xếp làm công việc khác, mang tính chất tạm thời để có thu nhập theo ngày.

Chị Lê Hoài Duyên, giáo viên trường MN tư thục Sao Mai có hoàn cảnh khá đặc biệt. Trước đây, với thu nhập từ đồng lương giáo viên eo hẹp, chị vẫn trả được tiền thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Sau khi dịch Covid-19 xảy ra, trường tạm thời đóng cửa, chị phải nghỉ không lương, chỉ còn cách đưa 2 con nhỏ về quê để nương tựa ông bà ngoại. Hoàn cảnh của nhiều giáo viên trong trường cũng không khá hơn như chị Vũ Thị Lan Anh phải lo trang trải kinh phí cho bố đẻ chạy thận; hai vợ chồng anh chị Đào Thị Hoa - Lương Long cùng là nhân viên, giáo viên của trường... Để hỗ trợ nhau, có thời điểm các chị tìm, nhận làm thêm một số công việc phù hợp như cắt chỉ quần áo may sẵn, bán hàng online...

Nằm trên địa bàn thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), trường MN tư thục Bông Mai có 36 cán bộ, giáo viên, nuôi dạy 270 trẻ, với 14 lớp. Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên đều tạm thời nghỉ việc không có lương. Bà Nguyễn Thị Dần, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với đặc thù trường ngoài công lập, lương chi trả cho cán bộ, giáo viên phụ thuộc vào việc cân đối nguồn đóng góp của cha mẹ trẻ. Từ tháng 3, khi trẻ tạm thời không đến lớp, cán bộ, giáo viên cũng phải nghỉ ở nhà không lương. Để giúp cán bộ, giáo viên yên tâm phần nào, công ty chủ quản mới đang bàn đến việc duy trì đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, có hướng tiếp nhận cán bộ, giáo viên quay trở lại trường sau khi đại dịch lắng xuống.

Theo Sở GD&ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 trường MN tư thục với 136 cán bộ, giáo viên; 44 cơ sở MN với 136 giáo viên. Trong khi chờ đến lúc tình hình dịch Covid-19 ổn định, các trường, cơ sở đang cố gắng hết sức có thể hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên, sửa sang, dọn dẹp lại phòng học, khuôn viên, tạo môi trường tốt nhất cho trẻ khi trở lại trường. Đồng chí Nguyễn Minh Thắng, Phó trưởng Phòng MN (Sở GD&ĐT) cho biết: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, thu nhập của cán bộ, giáo viên đang làm việc tại các trường MN tư thục và cơ sở MN. Trăn trở hơn là không phải trường học, cơ sở MN nào cũng có thể cầm cự cho đến khi hết dịch bệnh. Một lo ngại cũng cần tính đến là sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt giáo viên, do hiện nay một số người đã xoay sở tìm công việc khác.

Bùi Minh


Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục