(HBĐT) - Ngày 5/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu là các tỉnh, thành phố để triển khai những nội dung liên quan trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020. So với kỳ thi năm 2019, kỳ thi năm nay có khá nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý. Đặc biệt, toàn bộ việc tổ chức, coi thi, chấm thi của kỳ thi năm nay đều do các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi, ngay từ lúc này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tỉnh ta gấp rút triển khai.



Cô trò trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có tên gọi là "Kỳ thi THPT quốc gia”, còn Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 có tên gọi là "Kỳ thi tốt nghiệp THPT”. Sự khác biệt trong tên gọi này cũng đã nói lên tính chất của kỳ thi năm nay, đó là chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản để phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Hoàng Ngọc Ánh, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cho biết: Ngày 7/5/2020, Bộ GD&ĐT đã công bố Bộ đề thi tham khảo các môn Kỳ thi THPT năm 2020, bộ đề thi tham khảo đã được các giáo viên THPT cốt cán của tỉnh nghiên cứu, phản biện. Nhận định ban đầu cho thấy, đề thi sẽ giảm độ khó so với năm 2019; nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc lớp 12 và đã được giảm tải theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, vấn đề này không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH). Các trường CĐ, ĐH được chủ động trong việc sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, hoặc có thể vừa tổ chức thi, vừa căn cứ vào điểm trong học bạ của học sinh để xét tuyển...

Thời gian thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng đã được rút ngắn còn 2 ngày, giảm 1 ngày so với kỳ thi năm 2019.

Công tác thanh tra, kiểm tra của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng có khác biệt so với năm 2019. Đó là Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ có sự tham gia của thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra Sở GD&ĐT, thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngoài thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra Sở GD&ĐT sẽ có thêm thanh tra các tỉnh trực tiếp tham gia việc thanh, kiểm tra thi. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia.

 Nhưng có lẽ khác biệt lớn nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đó là việc tổ chức thi hoàn toàn do các tỉnh, thành phố tổ chức; không có sự phối hợp của các trường CĐ, ĐH như mọi năm. Việc coi thi, chấm thi cũng hoàn toàn do nhân sự của địa phương thực hiện, không có sự tham gia của các trường CĐ, ĐH như trước đây. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm cao nhất. Đây là điểm rất khác so với các năm trước.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện. Do đó, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cần phải khẩn trương, kỹ càng và hết sức khoa học, gắn chặt trách nhiệm của mỗi cá nhân, người đứng đầu. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo các sở, ngành cần quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Việc coi thi, chấm thi hoàn toàn do nhân sự địa phương thực hiện, đây cũng là khâu dễ xảy ra sai sót, tiêu cực nhất. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT hết sức thận trọng, kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nhân sự tham gia coi thi, chấm thi; siết chặt kỷ luật coi thi, chấm thi. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT khẩn trương triển khai tập huấn, quán triệt tới tất cả cán bộ, giáo viên trong ngành và phổ biến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho tất cả học sinh lớp 12, để đảm bảo các em nắm vững nội dung, chấp hành nghiêm túc quy chế. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ kỳ thi cũng được UBND tỉnh quan tâm triển khai. Kỳ thi sẽ diễn ra vào mùa mưa lũ, nên tỉnh cũng sẽ lưu ý chỉ đạo các địa phương chủ động lên phương án để kỳ thi diễn ra an toàn.


Dương Liễu


Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục