Vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010, dư luận cho rằng với 23% (trong tổng số gần 1,9 triệu hồ sơ) bỏ thi ĐH đã đem lại cho ngành giáo dục hơn 18 tỷ đồng. Trong khi đó, dù lệ phí hồ sơ, phí dự thi tăng lên 80.000 đồng/thí sinh, tỷ lệ thí sinh dự thi tăng nhưng các trường tổ chức thi vẫn tiếp tục bù lỗ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là chuyện… lỗ.

 

Thí sinh đang làm bài môn Toán (khối A) tại hội đồng thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: T.HÙNG

Điệp khúc bù lỗ

Ròng rã suốt 8 năm nghe các trường ca thán “lỗ nặng”, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 liên Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đồng ý tăng lệ phí hồ sơ và lệ phí dự thi lên 80.000 đồng/thí sinh, tăng 20.000 đồng/thí sinh so với năm 2009. Đáng nói hơn, thí sinh khi nộp hồ sơ phải đóng gộp 2 khoản phí trên thay vì chỉ nộp trước lệ phí hồ sơ như trước đây.

Chưa hết, kết thúc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi, cả nước có gần 1,9 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi, giảm 12% so với năm 2009. Những thông tin này làm nhiều trường vui ra mặt vì chắc chắn số giảm là hồ sơ ảo.

Thí sinh dự thi Đại học Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Hóa. Ảnh: MAI HẢI

Thực tế cho thấy, trong cả hai đợt thi ĐH 2010 vừa qua, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt đến gần 78% (bình quân của cả nước), cao nhất trong 9 năm qua. Trong khi đó tại TPHCM, nhiều trường có tỷ lệ thí sinh dự thi trên 80% như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Kinh tế… Đó là con số đẹp mà những mùa tuyển sinh trước đây nhiều trường luôn ước ao. Số thí sinh dự thi cao nhưng các trường vẫn phải tiếp tục đối mặt với việc… bù lỗ.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho hay: Dù tỷ lệ thí sinh dự thi năm nay trên 82% (cả 2 đợt) nhưng trường vẫn phải bù lỗ khoảng 400 triệu đồng, năm 2009 bù lỗ trên 500 triệu đồng. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dù lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm 1.000 hồ sơ so với năm 2009, tỷ lệ thí sinh dự thi rất cao nhưng vẫn phải bù lỗ 165 triệu đồng…

Trong khi đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập dù mới tham gia tổ chức tuyển sinh vài năm gần đây cũng phải tính toán, tìm kinh phí để bù chi. Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, bà Bùi Trân Phượng cho biết: Chưa tính tiền thuê giáo viên chấm thi, trong đợt thi tuyển sinh vừa qua trường phải chi thêm 150 triệu đồng. Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Văn hóa TPHCM… cũng cho biết phải bù thêm 150 - 200 triệu đồng đã chi cho công tác tuyển sinh.

Tiền tăng và được thu gộp một lần, thí sinh ảo giảm… nhưng vì sao các trường vẫn phải bù lỗ?

Tại sao vẫn lỗ?

Thí sinh ảo giảm được xem là cứu cánh để các trường giảm gánh nặng chi phí bù lỗ trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, ngay đầu mùa tuyển sinh nhiều trường phải chạy đôn chạy đáo thuê mướn địa điểm thi để khỏi vướng quy định “Mỗi phòng thi theo danh sách xếp tối đa không quá 40 thí sinh…”.

Kèm theo đó, giám thị cũng được huy động cho đủ với số phòng thi (mỗi phòng 2 giám thị). Do đó, nhiều trường dù số hồ sơ đăng ký dự thi giảm cả chục ngàn hồ sơ nhưng số phòng thi, giám thị coi thi lại cao hơn năm trước.

Trong khi đó, giá thuê một phòng thi năm nay cũng không còn ở mức 50.000 - 80.000 đồng/đợt thi mà nhảy lên khoảng 100.000 - 150.000 đồng/đợt. Tiền trả cho mỗi cán bộ phục vụ cũng tăng từ 250.000 đồng/đợt thi lên 350.000 đồng/đợt thi (thực tế nhiều trường còn trả đến 500.000 đồng/đợt). Thêm vào đó, tiền đề thi cũng tăng 3.000 đồng/thí sinh, tiền chấm thi cũng tăng 2.000 - 3.000 đồng/bài (8.000 - 10.000 đồng/bài).

Lý giải cho việc bù lỗ của Trường ĐH Nông Lâm, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng phân tích: Thực chất số tiền trường thu được của một hồ sơ chỉ là 67.000 đồng (13.000 đồng còn lại là của các sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT). Trường có gần 43.000 hồ sơ đăng ký dự thi, vị chi thu khoảng 2,88 tỷ đồng. Số cán bộ phục vụ kỳ thi huy động đến 2.556 người, số phòng thi 1.198.

Chi phí cho một cán bộ coi thi 350.000 đồng/người/đợt thi, mỗi phòng thi 100.000 đồng thì ngốn hết hơn 1,2 tỷ đồng. Tiền đề thi 10.500 đồng/thí sinh, tiền giấy thi, vận chuyển đề thi, tiền chấm thi… cũng gần gấp đôi tiền phòng thi và tiền cán bộ coi thi.

Riêng tại điểm thi ở Quy Nhơn, trường có 8.000 thí sinh dự thi và phải chi thêm 13.000 đồng/thí sinh (lỗ hơn 100 triệu đồng). Vậy tính toán sơ bộ thì trường phải “đắp” thêm khoảng 400 triệu đồng…

“Không hiểu dư luận tính như thế nào mà ra được đáp án bảo ngành giáo dục thu được hơn 18 tỷ đồng” – PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng tỏ ra khó hiểu.

Việc tổ chức thi và bù lỗ vẫn là việc… của các trường nếu muốn có sinh viên theo học. Tuy nhiên, qua bao nhiêu năm thực hiện phương án “3 chung”, ai cũng thấy một điều, năm nào lượng thí sinh đến dự thi bao giờ cũng dừng ở mức trên 70% so với số hồ sơ đăng ký dự thi.

Chưa kể, trong quá trình dự thi, có phòng thi 39 thí sinh, thì có đến 20 thí sinh bỏ thi, 14 thí sinh buông bút… nằm ngủ sau khi nghe đọc đề thi và chỉ có 3-4 thí sinh ngồi làm bài. Thế nhưng, các trường vẫn phải tổ chức thi, cả xã hội vẫn gồng mình tổ chức các đợt hỗ trợ cho cả những thí sinh không thật sự có “nguyện vọng” vào đại học.

Chuyện tiền nong, lỗ lã chỉ là chuyện… rất nhỏ trong việc tìm kiếm “mầm non” cho nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng nếu các trường tự quyết trong việc tuyển sinh, không chỉ chuyện tiền bạc, mà kể cả chất lượng đầu vào cũng đáp ứng với yêu cầu của từng trường khi tuyển đúng từng thí sinh có “nguyện vọng” thật.

Vụ trưởng Vụ ĐH Bộ GD-ĐT Trần Thị Hà: Chưa có phương án thay “3 chung”

Thi cử hiện nay thật sự là áp lực và gánh nặng chung của toàn xã hội. Dù Bộ GD-ĐT đã thống nhất tăng lệ phí tuyển sinh và thu gộp một lần nhưng tôi biết thực tế các trường vẫn phải lo bù lỗ sau mùa tuyển sinh. Việc dư luận cho rằng ngành giáo dục kiếm được khoảng 18 tỷ đồng trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 là không có cơ sở. Việc tăng thêm lệ phí tuyển sinh không phải mình Bộ GD-ĐT quyết được mà phải qua nhiều cấp cao hơn.

Bộ GD-ĐT cũng lắng nghe nhiều ý kiến từ dư luận về việc nên giao tuyển sinh về cho các trường ĐH để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, khi chưa tìm được sự thống nhất từ nhiều phía thì phương án “3 chung” vẫn tiếp tục duy trì. Nhưng nói gì thì nói, bộ vẫn đang nghiên cứu tìm phương án tuyển sinh mới để thay thế phương án “3 chung” nhưng tôi chưa thể nói chính xác khi nào sẽ kết thúc “3 chung”.

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục