Hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán la liệt

Hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán la liệt

(HBĐT) - Thị trường tỉnh nhà thời gian qua xuất hiện nhiều loại hoa quả nhập ngoại với hình thức bắt mắt, hấp dẫn người tiêu dùng. Điều đặc biệt là những loại hoa quả này dù để hàng tháng vẫn không bị hư thối, vẫn giữ được màu sắc tươi mới. Người tiêu dùng bức xúc trước những mối lo ngại về vấn đề ATVSTP, thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm kiểm soát mặt hàng này.

 

Người tiêu dùng “sợ” hoa quả Trung Quốc

 

Hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc từ lâu đã rất phổ biến trên thị trường trong nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Hoa quả cũng không phải là ngoại lệ. Theo thống kê sơ bộ, hoa quả Trung Quốc chiếm phần lớn trên thị trường tỉnh ta. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng hiện nay có tâm lý e dè với các loại hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Trên thị trường, hoa quả Việt Nam có giá thấp hơn nhiều so với hoa quả cùng loại nhập ngoại từ các nước: Mỹ, Thái Lan... nhưng lại có giá ngang bằng hoặc cao hơn hoa quả có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù có lợi thế về giá, thậm chí là cả chủng loại mẫu mã nhưng hoa quả Trung Quốc lại không được người tiêu dùng đón nhận và có thể nói đang thực sự lép vế trên thị trường không chỉ tại tỉnh ta.

 

Bà Đặng Trần Phương (P. Phương Lâm, TP Hòa Bình) cho biết: “Chọn mua hoa quả, tôi tránh nhất là hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc. Thường thì tôi  chọn mua những quả chính vụ, có mẫu mã bình thường, xấu cũng được, vì như thế chắc chắn đến 90% không phải hoa quả Trung Quốc. Điều đó làm tôi thấy yên tâm hơn.” Đây cũng là phương pháp chọn mua hoa quả được hầu hết các bà nội trợ lựa chọn. Tuy nhiên, cũng không ít khách hàng hiện nay vẫn có xu hướng thích hàng ngoại. Giá cả cao cùng với hình thức mẫu mã đẹp của hoa quả nhập ngoại là yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng khi chọn mua hoa quả làm quà biếu. Bà Đặng Trần Phương cho biết thêm: “Mua làm quà biếu chọn hàng ngoại thấy có vẻ sang hơn. Tuy nhiên, nhập ngoại vẫn phải loại trừ hàng Trung Quốc. Tôi thường chỉ mua nho Mỹ, dưa Mỹ... Song nếu để ăn, hoa quả Việt vẫn là lựa chọn số 1.”

 

Không khó để lý giải cho tâm lý này của người tiêu dùng. Bởi hoa quả Trung Quốc vốn vẫn bị cho là sử dụng nhiều chất bảo quản, chứa nhiều hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình trồng trọt để kích thích tăng trưởng, tăng năng suất... Tâm lý này còn nặng nề đến mức, nhiều người bán hàng sẵn sàng thay đổi xuất xứ hàng hóa với hi vọng có thể bán được hàng. Bà Nguyễn Thị T. (P. Tân Thịnh, TP Hòa Bình) làm nghề bán hoa quả đã lâu, khẳng định: Hoa quả của tôi 100% là hàng Hải Dương, Sài Gòn... không hề có hàng Trung Quốc. Thế nhưng hàng ngày người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà T xếp hàng ra bán từ các thùng cotton chi chít chữ... Trung Quốc.  

 

Tuy nhiên cho đến nay chưa có bất kỳ công bố chính thức nào cho thấy hoa quả Trung Quốc có sử dụng các chất bảo quản cũng như có chứa các hoá chất độc hại. Do đó, người tiêu dùng không nên có tâm lý tẩy chay hoa quả Trung Quốc như hiện nay. Song cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm hàng hoá có chất lượng nhằm bảo vệ sức khoẻ cho gia đình và bản thân.

 

Còn bất cập trong quản lý

 

Chợ Phương Lâm mỗi ngày tiếp nhận một khối lượng không nhỏ các loại hoa quả trong đó có tới 80% là hoa quả nhập ngoại như: măng cụt, dưa, nho, lê, táo, cam... Tuy nhiên, hầu hết các loại hoa quả này không được kiểm tra vì cho rằng đã có hóa đơn, giấy tờ nhập khẩu...

 

Lâu nay, dư luận nhiều lần xôn xao về chất lượng hoa quả nhập ngoại đặc biệt là hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người dân lo lắng về việc hoa quả ngoại đem về chợ đã mất một khoảng thời gian khá dài. Từ khâu vận chuyển, lưu kho... nhiều khi đến cả tháng trời thế nhưng trông vẫn tươi ngon. Chị Nguyễn Khánh Phương (P. Tân Thịnh- TP Hòa Bình) cho biết: Có lần, tôi mua mấy quả táo Tàu về thắp hương. Sơ suất để rơi một quả trên bàn thờ mà không biết, nửa tháng sau, nhìn thấy quả táo vẫn tươi nguyên mà gia đình tôi phát hoảng. Từ đó, cũng chẳng dám mua táo về ăn nữa.

 

Không bị kiểm tra ngay từ đầu mối, đến khi ra thị trường, hoa quả dường như càng nằm ngoài tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Chi cục BVTV cũng chỉ cấp giấy chứng nhận đã qua kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, còn chất bảo quản thì không ai kiểm tra. Tổ chức được đặt nhiều hi vọng là Chi cục ATVSTP cũng không có quy định gì kiểm soát độ an toàn của các loại hoa quả nhập khẩu. Ông Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng chi cục ATVSTP cho biết: Hiện nay, Chi cục vẫn hoạt động tuân theo quy định về phân cấp quản lý. Mặt hàng hoa quả được liệt vào thức ăn đường phố nên trách nhiệm quản lý thuộc về các xã, phường. Tuy nhiên, cho đến nay, không có đơn vị nào có phản ánh hoặc báo cáo định kỳ về mối nguy từ các loại hoa quả trên địa bàn mình quản lý cho cơ quan chức năng.

 

Có thể thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến sự an toàn của hoa quả nhập khẩu vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thế nhưng cứ mỗi khi nói đến trách nhiệm: Tại sao lại có kẽ hở này? Nhiều người lại nghe đến những điệp khúc dường như đã quá quen thuộc: Chưa đủ trình độ kỹ thuật, thiếu máy móc, thiếu quy định về quản lý hoa quả nhập khẩu... từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

 

Bài toán về kiểm soát thị trường hoa quả liệu khi nào mới có lời đáp?

                                                                                           

 

                                                                                      Hải Yến

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục