Người bệnh tuyến quận/huyện phải mua các thuốc đơn giản có trong danh mục BHYT.

Người bệnh tuyến quận/huyện phải mua các thuốc đơn giản có trong danh mục BHYT.

Dù đóng tiền BHYT như nhau, nhưng nếu đăng ký tuyến trên, người bệnh sẽ được hưởng miễn phí nhiều loại mà tuyến dưới không thể “kê” được.

 

Sự bất cập này đã khiến nhiều bệnh viện (BV) tuyến quận/huyện lo âu, nếu không chỉnh sửa phù hợp, người bệnh sẽ bỏ điều trị theo diện đăng ký BHYT hoặc “chạy” hết lên tuyến trên, gây quá tải.

 

Nhẹ “đô”: cấm, nặng “đô”: được dùng

 

Sau khi nhận thuốc BHYT tại BV Q. Bình Thạnh (TPHCM), bệnh nhân L.T.Q.H. cho biết, trước đây, khi khám bệnh tại BV Nhân dân Gia Định, bà được BHYT thanh toán cả loại vitamin B (vitamin B1 + B6 + B12), nhưng nay chuyển nơi đăng ký khám bệnh về BV Q. Bình Thạnh (BV hạng III) thì phải tự bỏ tiền mua.

 

Điều khó hiểu là quy định BV hạng III không được sử dụng ba loại vitamin B kết hợp (vitamin B1 + B6 + B12) cho bệnh nhân theo chế độ BHYT, nhưng lại cho phép các BV hạng này được sử dụng vitamin kết hợp khoáng chất “nặng đô” hơn (ví dụ thuốc bao gồm: vitamin B1 + B6 + B12 + B2 + B3 + D + A + sắt sulfat + lysin hydroclorid + calci glycerophosphat + magnesi gluconat).

 

DS Đỗ Bá Tùng, Trưởng khoa Dược, BV Q.2, cho biết, thực tế, số lượng bệnh nhân có nhu cầu về loại vitamin (B1 + B6 + B12) kết hợp rất nhiều, nhưng theo thông tư 31 của Bộ Y tế thì BV hạng III không được sử dụng. Nếu BV muốn sử dụng, phải lập danh mục thuốc vượt tuyến gửi sở y tế xét duyệt, lúc đó BHYT mới có cơ sở thanh toán cho BV.

 

Không chỉ có BV hạng III mà ở các trạm y tế phường/xã hoặc phòng khám đa khoa (thuộc cơ sở y tế hạng IV) cũng bị cấm sử dụng nhóm vitamin và khoáng chất kết hợp (gồm calci glucoheptonat + vitamin C + vitamin PP) - dạng uống của BV hạng II; nhưng lại được sử dụng nhóm kết hợp nhiều loại hơn (gồm calci glucoheptonat + vitamin C + vitamin PP + vitamin D2). Tương tự, trạm y tế phường/xã, các phòng khám đa khoa được phép sử dụng thuốc chống thiếu máu, kết hợp từ sắt fumarat và acid folic, trong khi lại cấm thuốc chỉ có sắt fumarat - dành cho BV hạng II trở lên.

 

Ngoài nhóm vitamin và khoáng chất, các BV hạng III còn gặp khó khăn trong vấn đề kê toa cho người bệnh với các loại kháng sinh thông thường. Cụ thể, trong nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, Bộ Y tế cho phép BV hạng II trở lên được sử dụng kháng sinh cefotaxim + sulbactam - dạng tiêm, dùng điều trị nhiễm trùng phổi nặng, nhiễm trùng đường tiết niệu, sau sinh mổ…; nhưng không cho phép BV hạng III kê toa, trong khi các loại kháng sinh này cũng tương đương như kháng sinh Cefmetazole, Cefoxitin đang sử dụng tại các BV hạng III.

 

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2, bức xúc: dù là BV hạng III nhưng BV Q.2 có đầy đủ các khoa sản, khoa ngoại để sử dụng các loại kháng sinh này, đặc biệt, BV vừa áp dụng kỹ thuật đẻ không đau nên nhu cầu mở rộng nhóm kháng sinh đáp ứng cho người bệnh là rất cần thiết. Thế nhưng, ngay cả nhóm thuốc chống thiếu máu đơn giản như: sắt ascorbat + folic acid hay sắt aminoat + vitamin B6 + B12 + folic acid hấp thu tốt hơn cho thai phụ trước và sau sinh cũng không được sử dụng.

 

Sửa quy định hay bệnh viện tự bổ sung?

 

Các bác sĩ lo lắng, mục đích của BHYT là hướng đến hỗ trợ điều trị tốt, đảm bảo sức khỏe toàn dân, đồng thời khuyến khích người dân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến quận/huyện, thậm chí là tuyến phường/xã, góp phần giảm quá tải cho tuyến trên. Làm được điều này, trước hết phải thuyết phục người bệnh thông qua sự công bằng, hợp lý trong công tác khám, chữa bệnh. Việc nhiều BV tuyến quận/huyện vẫn chưa thể tiếp cận được với các loại vitamin hay nhóm kháng sinh đơn giản, theo các bác sĩ, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khám chữa bệnh.

 

BS Phạm Quốc Dũng kiến nghị, với những loại vitamin vốn dùng bổ dưỡng, nâng cấp thể trạng cho người bệnh, không nguy hiểm đến tính mạng hay ngay cả những loại kháng sinh thông thường, BHYT nên tạo điều kiện cho BV hạng III được phép kê toa. Để tránh việc lạm dụng kháng sinh gây kháng thuốc ở tuyến dưới, BHYT chỉ nên khống chế các loại kháng sinh phổ rộng, kháng sinh mạnh, kháng sinh thế hệ mới.

 

BS Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, BHXH cũng nhận thấy nhiều BV hạng III vẫn đủ khả năng kê toa một số loại kháng sinh, vitamin như BV tuyến trên. Tuy nhiên, việc sử dụng loại vitamin nào, kháng sinh ra sao… đều do Bộ Y tế quy định; BHYT chỉ thanh toán viện phí dựa trên Luật BHYT và quy định của Bộ Y tế. Nếu các cơ sở y tế nào muốn sử dụng các thuốc của BV tuyến cao hơn, phải đề xuất với sở y tế. Dựa vào đó, sở sẽ phối hợp với BHYT đánh giá cơ sở đó có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để áp dụng các kỹ thuật, phương tiện như tuyến trên.

 

Rõ ràng, các loại vitamin và kháng sinh thông thường được Bộ Y tế phê duyệt cho BHYT thanh toán còn nhiều bất hợp lý. Thực tế, bất cập của cơ chế “xin - cho” trong cấp phát thuốc BHYT vẫn còn tồn tại, gây lãng phí thời gian, công sức của các BV tuyến dưới cũng như gây tốn kém cho bệnh nhân.

 

 

 

 

                                                          Theo PN TP HCM

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục