Dãy nhà mái bằng, gồm 4 phòng làm việc được coi là khang trang nhất giờ xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, trần nhà bị thấm dột nặng, loang lổ vết mốc xanh.

Dãy nhà mái bằng, gồm 4 phòng làm việc được coi là khang trang nhất giờ xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, trần nhà bị thấm dột nặng, loang lổ vết mốc xanh.

(HBĐT) - Quý Hòa là một xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Lạc Sơn 20 km, hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn nên nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ của người dân rất cao. Thế nhưng, do được xây dựng đã lâu, qua quá trình sử dụng không được tu sửa, nâng cấp nên đến nay cơ sở vật chất của Trạm y tế xã đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Trạm Y tế xã Quý Hòa được xây dựng ở xóm Thang, trên diện tích gần 3.000m2 gồm có 3 dãy nhà. Trong đó,  dãy nhà cấp 4, lợp ngói đỏ được xây dựng từ năm 1986 hiện đã xuống cấp trầm trọng và nhiều năm nay đã bỏ hoang.  2 dãy nhà còn lại được xây dựng năm 1998 cũng đang trong tình trạng xuống cấp từng ngày. Nền nhà bị sụt lún, trần nhà thấm dột nặng loang lổ những vết mốc xanh và tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt là tình trạng của dãy nhà mái bằng - dãy nhà khang trang nhất trạm. Các hoạt động khám, chữa bệnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân được thực hiện ở đây nên mỗi phòng phải kiêm nhiệm thêm nhiều chức năng khác nhau: Phòng tư vấn sức khỏe phải kiêm thêm các chức năng: tư vấn truyền thông, tiêm, truyền, khám thai. Phòng sản phải kiêm thêm nhiệm vụ làm thủ thuật kế hoạch hóa gia đình. Điều đáng nói là, với tình trạng xuống cấp như hiện nay, phòng không đảm bảo tiêu chuẩn cho công tác chuyên môn.

Bác sĩ Bùi Quang Hưng, Trưởng trạm trăn trở: “Do cách xa trung tâm huyện nên đa số các chị em đều sinh ở trạm, mặc dù hiện tại phòng sản cũng bị thấm dột nặng, xuống cấp và không đảm bảo an toàn, diệt khuẩn. Sau khi sinh, bệnh nhân muốn ở lại điều trị nhưng không có phòng, trạm đành phải lấy phòng hội trường làm phòng điều trị nội trú cho bệnh nhân. Các cuộc họp với y tế thôn, bản hàng tháng đành chen chúc vào căn phòng chật chội. Thiếu phòng nên các hoạt động như tiêm chủng phải thực hiện ngoài sân trạm”. Theo chia sẻ của bác sĩ Hưng, không chỉ xuống cấp, hiện Trạm còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, các công trình phụ như: nhà bếp, nhà vệ sinh, bể nước cũng không đảm bảo.

Xuống trạm chăm sóc con gái sau khi sinh, Bà Bùi Thị Sim, ngụ tại xóm Vẹ vui mừng vì “mẹ tròn, con vuông” nhưng lại buồn bã: “Nhà tôi cách Trạm 6 cây số, đường toàn dốc, nhiều sỏi đá nên khi con gái trở dạ, gia đình chồng nó phải dùng võng khiêng xuống, chứ không đi xe máy được. Cán bộ Trạm  tận tình nên chúng tôi rất yên tâm, chỉ có điều là giếng nước cạn, phòng ở Trạm lại quá chật chội, thấm dột nên người dân chúng tôi mong Trạm sớm được đầu tư, nâng cấp...”

Đó cũng là nỗi trăn trở của đồng chí Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa khi trao đổi với chúng tôi. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, do cách trung tâm huyện khá xa, nhiều xóm nằm trên đồi, núi chưa có đường bê tông, việc đi lại rất trắc trở nên bà con mong muốn có Trạm đảm bảo để được chăm sóc sức khỏe. Hiện, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trạm có chất lượng chuyên môn cao với 1 bác sĩ có trình độ đại học và 3 y sĩ trình độ cao đẳng nhưng cơ sở vật chất xuống cấp như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trước vấn đề đó, giải pháp trước mắt mà xã đưa ra là tiến hành lợp mái tôn cho cả Trạm để khắc phục tình trạng thấm dột.

Là một xã đặc biệt khó khăn, có 3 xóm: Thung 1, Thung 2, Thêu thuộc 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh, Quý Hòa gặp vô vàn khó khăn  trong hành trình xây dựng NTM. Do đó, xã rất cần sự quan tâm đầu tư của cấp trên và trước mắt là cải tạo, nâng cấp Trạm y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của 6.200 người dân địa phương.

 

                                                                           Viết Đào

 

 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục