"Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Và, để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề” - nghệ nhân gốm sứ Hà Thị Vinh trải lòng...

Đưa gốm Bát Tràng ra thế giới

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm gốm ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), bà Hà Thị Vinh đã cống hiến hết mình, làm hưng thịnh nghề gốm ở quê hương. Giờ đây, nữ nghệ nhân vẫn tiếp tục những dự định góp phần đưa làng gốm Bát Tràng trở thành điểm du lịch đặc sắc.
 

Sản xuất gốm tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.


Tại nhà máy gốm sứ Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, bà Hà Thị Vinh niềm nở đưa chúng tôi tham quan các khâu trong quy trình tạo ra sản phẩm. Tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng bà vẫn thoăn thoắt với đôi mắt tinh tường quán xuyến công việc gọn ghẽ, khoa học...

Bên chén trà, lúc chậm rãi, khi sôi nổi, bà kể về những ngày đầu khởi nghiệp với hành trình đánh đổi bằng mồ hôi và cả nước mắt. Sản xuất cái gì, bán ở đâu, tiếp cận thị trường bằng cách nào... luôn đau đáu trong bà. Những năm cuối thập niên 8 của thế kỷ trước, khi bắt đầu thành lập tổ hợp sản xuất, bà Vinh đi nhiều nơi tìm kiếm thị trường. "Gõ cửa” một số tổng công ty xuất, nhập khẩu ở Hà Nội nhưng không thành công, bà tiếp tục tìm khách hàng tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Rồi, hành trình tìm bạn hàng xuất khẩu trên đất Mỹ, Đức, Australia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, bà đã sang Trung Quốc - cái nôi gốm sứ của thế giới rất nhiều lần để tìm hiểu cách thức sản xuất quy mô lớn.

"Thị trường nước ngoài rất khó tính. Tuy hàng gốm trau chuốt, sản phẩm đẹp nhưng người Bát Tràng đốt lò bằng than, không thân thiện với môi trường nên bị mất khách” - bà Vinh quả quyết. Bà đã nhận ra mô hình gia công sẽ không thể phát triển được nếu muốn thâm nhập các thị trường "khó tính". Năm 2001, công ty quyết định đầu tư thêm một nhà máy sản xuất gốm sứ tại huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Công ty là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc nhập lò nung đốt bằng gas - công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc) với trị giá hơn 20.000 USD và tiến đến áp dụng lò nung bằng gas theo công nghệ tiên tiến của Đức; đầu tư hệ thống chế biến nguyên liệu theo công nghệ của Nhật Bản, Đan Mạch... "Sản phẩm gốm sứ qua cải tiến chất liệu phối trộn nên cứng, khó vỡ nhưng rất nhẹ. Cùng với đó là kết hợp các chất liệu men và hoa văn giữa cổ điển với hiện đại, tạo ra sản phẩm thời trang nhưng không lỗi mốt” - bà Vinh chia sẻ...

Đối với công nhân, bà Vinh tuyển chọn lao động và dạy nghề tại chỗ. Qua kiểm tra, những ai phù hợp mảng nào, bà cho đào tạo chuyên sâu mảng đó, từ thợ vuốt, nặn, vào lò, vẽ... nên hầu hết công nhân của công ty đều thuần thục những công đoạn được giao.

Đi lên từ thợ gốm rồi thành lập tổ hợp sản xuất với 6 lao động, đến nay, công ty của bà Vinh đã phát triển hơn 300 lao động với 2 xưởng sản xuất tại Bát Tràng (Hà Nội) và Đông Triều (Quảng Ninh). Trên 90% sản phẩm gốm của công ty được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, trong đó có những thị trường "kỹ tính” như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha...

Phát triển du lịch làng nghề

"Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng về xây” - nổi tiếng từ lâu đời, gạch Bát Tràng xuất hiện ở nhiều khu di tích lớn trên cả nước, từ Kinh đô Huế đến Thành cổ Quảng Trị, Hoàng thành Thăng Long hay tại các làng quê Bắc Bộ với rất nhiều đường làng, sân đình được lát gạch Bát Tràng xưa. Đó là những viên gạch tốt nhất, bền nhất, qua năm tháng không rêu mốc, sứt mẻ... Bà Vinh kể: "Ngày xưa người làng Bát Tràng không chủ tâm làm gạch. Người làng nghề mua đất sét từ các nơi về pha với nước để lọc lấy đất tinh làm hàng cao cấp như bát đĩa, đôn, chậu… Phần đất thô được đem trộn với những mảnh bát, mảnh sành vỡ rồi đóng thành từng viên gạch lớn để ngăn giữa vùng "nóng” và vùng "lạnh” trong lò nung gốm. Do được dùng nhiều lần, nung đi nung lại nên gạch rất chắc, bền. Sau này, gạch Bát Tràng nổi tiếng, nhu cầu tiêu thụ cao, người Bát Tràng mới sản xuất gạch...”.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề gạch còn rất ít hộ làm. Công ty Quang Vinh đã nghiên cứu phục chế và cho ra lò sản phẩm gạch Bát Tràng xưa nhằm đáp ứng yêu cầu phục dựng các công trình kiến trúc cổ. Bà Vinh đã tận thu phế liệu của các nhà máy gạch trong khu vực, trộn với đất sét và một số chất liệu để phục chế sản phẩm gạch Bát Tràng. Gạch được đốt ở nhiệt độ 1.250-1.350oC. Từ khi nung đến khi ra lò là 12 ngày nên sản phẩm rất cứng, đẹp. Theo bà Vinh, sản phẩm này sẽ phục vụ các dự án mà công ty đang triển khai tại Bát Tràng và sẽ là nguồn cung để cải tạo các công trình kiến trúc theo lối cổ...

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội và Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ngoài sản xuất, bà Vinh còn hướng công ty tới phát triển du lịch. "Làng nghề chứa đựng nhiều tinh hoa, làm thế nào để khoe với thế giới? Khi TP Hà Nội có chủ trương xây dựng làng gốm Bát Tràng kết hợp với du lịch, tôi xung phong xây dựng dự án du lịch làng nghề, trình thành phố phê duyệt. Dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thu hút thêm lượng khách mà người làng gốm cũng sẽ được hưởng lợi. Dự kiến, năm 2019, dự án Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại Bát Tràng do công ty thực hiện sẽ được khởi công. Tôi muốn du khách đến làng Bát Tràng được thăm đình, đền thờ Mẫu, văn chỉ của làng và nghe người làng Bát Tràng kể chuyện - những câu chuyện làm nghề từ nhiều đời, rất đời thường nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị: Tại sao đường làng Bát Tràng rất nhỏ, tại sao món ăn Bát Tràng lại ngon đến thế, tại sao cột đình làng Bát Tràng 2 người ôm không xuể...? Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm, tự tay làm các bộ ấm chén thật đẹp, tự vẽ họa tiết lên những chiếc bình và thưởng thức các món đặc sản của Bát Tràng như: Xôi vò, chè đường, bánh chưng, chè kho, măng mực” - bà Vinh sôi nổi.

Bà còn kể nhiều câu chuyện về tâm linh, về truyền thống lịch sử, về nghề... "Chúng tôi xây dựng các tour du lịch để du khách trải nghiệm. Hiện nay, vào cuối tuần, làng nghề Bát Tràng đã có hàng trăm khách đến tham quan. Tương lai gần, du lịch làng nghề chắc chắn sẽ phát triển, trở thành nguồn lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - bà Vinh kỳ vọng và chúng tôi cũng tin vào điều đó!

                       TheoHanoimoi

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục