(HBĐT) - Ở bản Sạn, xã Phúc Sạn (Mai Châu) có câu chuyện người nhanh dắt người chậm, người sáng chỉ giúp người chưa thông, người có của lo cho người nghèo hơn để cùng no cái bụng, ấm cái thân. Ấy là chuyện nuôi bò "rẽ". Người có bò cho người khác nuôi hộ gọi là nuôi "rẽ", mỗi năm đẻ ra hai con bê thì chia nhau mỗi người một con. Người nhận nuôi "rẽ" khi đã có vài "cặp" lại cho những hộ khác nuôi, cứ thế cặp bò bê lan tỏa ra khắp bản Sạn. Không những thế còn sinh sôi ở những bản khác nữa.

Tôi tha thẩn trên con đường đầu bản Sạn rồi bước lên cầu thang một ngôi nhà sàn lợp ngói xi măng. Sàn nhà phẳng phiu, bóng bẩy, được ghép bằng những thanh ván rộng 10 phân đều tăm tắp. Mọi xếp đặt trong nhà giống như kiểu nhà của người Thái, mặc dù ông chủ nhà là người Ao Tá. Sau hồi trò chuyện, tôi được biết, ông là Đinh Xuân Mai, nguyên Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư thường trực Đảng xã Phúc Sạn.

Ông Mai có cái vẻ điềm tĩnh, ít cười, mỗi lời nói được bao bọc bởi đức tính khiêm tốn. Tôi hỏi ông làm thế nào ra nhiều tiền thế, ông chỉ cười trừ: "Nhiều nhặn gì đâu, có nhà còn hơn đấy". Rồi ông cũng kể cho tôi nghe về cuộc sống gia đình. Ấy là lần chạy nước hồ sông Đà dâng năm 1989. Nhà ông đã nghèo, con cái lại đông, vén nhà lên đỉnh đồi, gianh lợp chưa héo lá đã phải chạy vì nước lũ dâng cao. Người dân năm ấy di cư táo tác. Người vén dần lên đỉnh núi, nước dừng ở đâu, dựng lều tại đó. Người vào Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp. Người thì tìm lối sang các bản xa hồ. Trong số mười hộ di cư sang bản Sạn, có gia đình ông. Khỏi nói đến nỗi khổ của người di cư như thế nào, chỉ biết nó đến cùng cực của cái khổ. Ngôi nhà cũ vén lên đồi chỉ còn đủ gỗ làm lều, lúc chạy lũ chuyển sang bản Sạn thì chẳng còn gì nữa, gỗ tre đã mục nát, vì mối mọt, vì chạm va, cắt xén thu nhỏ... Trắng tay, ông dựng cái lều che tạm, vật vã kiếm miếng ăn qua ngày. Đến năm Nhà nước hỗ trợ vốn trồng luồng theo Dự án 747, gia đình ông được giao 6 ha đồi rừng cùng luồng giống và tiền gạo chăm sóc. Cùng thời kỳ này, gia đình ông nhận nuôi rẽ một cặp bò, bê từ một hộ khác. Có thể nói, cuộc sống gia đình ông Mai có bước chuyển từ đây, từ cặp bò, bê nuôi rẽ này.

Cặp bò của ông nhờ được chăn dắt tốt sau năm đầu tiên ông có một chú bê khỏe mạnh. Vài năm sau, ông có đàn bò 15 con, bắt đầu tính đến chuyện cho hộ khác nuôi rẽ và gia đình ông lần lượt xuất cho các hộ nuôi rẽ đến hơn ba chục con bò, bê. Nhờ đó mà nhiều hộ cũng khá lên.

Ngôi nhà vững chãi có giá trị của ông Đinh Xuân Mai được tích cóp chủ yếu từ bò, nhưng thu nhập của gia đình còn hai nguồn quan trọng nữa là cá và luồng. Hai nguồn này không được tiền cục như bò, nhưng tổng hợp cái bán lẻ tẻ cả năm cũng được dăm bảy chục triệu. Ao cá nhà ông ở ngay mép nền nhà, nằm trong nhà mà nghe cá quẫy. Ao được ngăn đôi thành ao trên, ao dưới theo thế bậc thang, bởi vậy nước ra nước vào rào rào, thông thoáng. Để có được cái ao như bây giờ, ông Mai phải bao phen cực nhọc, đổ ra không ít công sức, tiền của. Có năm, lũ suối So Lo quét trắng mấy tấn cá của ông. Một nguồn thu quan trọng như thế luôn bị rình rập đe dọa bởi lũ suối đột xuất.

Nói đến Phúc Sạn là nói đến cây luồng. Luồng ngút ngàn xanh một dải lòng hồ sông Đà, từ Gò Lào trải miên man ra Gò Mu, Suối Lốn. Luồng nhấp nhô, bồng bềnh qua So Lo, bản Sạn, ngút ngát xanh, thăm thẳm xanh đến xa tít Thầm Nhân, Suối Nánh, bản Đoi, bản Khoang... Cây luồng thực sự đem lại thế cân bằng cho cuộc sống, cuộc đời người dân vùng lòng hồ vốn chênh chao một thuở chạy nước.

Cũng như những bản làng vùng lòng hồ khác, bản Sạn đã tươi lên màu ngói, những ngôi nhà ngói hồng, ngói trắng thấp thoáng dưới tán luồng xanh. Gia đình ông Đinh Xuân Mai có một nghìn gốc luồng, đã khai thác và cho thu ổn định từ nhiều năm nay. Một nghìn gốc luồng là nguồn tiền không biết bao nhiêu mà tính. Luồng là giống cây dễ trồng, mọc khỏe, lớn nhanh. Sau trận mưa rào mùa hạ, các mầm măng bụ bẫm đội đất lên tua tủa để mùa sau, một nghìn khóm luồng lại được bổ sung thêm hàng vạn cây.

Sự năng động cùng tư duy làm ăn mới như ông Đinh Xuân Mai và nhiều người giỏi nữa ở xã Phúc Sạn, Tân Mai đang trỗi dậy lan tỏa, náo nức cả vùng núi đồi một thời hoang hóa.

Lò Cao Nhum

(Bản Lác, thị trấn Mai Châu, Mai Châu)


Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục