Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới vào rạng sáng 17-2-1979, trên các mặt trận. Quân Trung Quốc dùng hỏa lực, bộ binh, xe tăng nhanh chóng lấn chiếm biên giới các tỉnh. Ác liệt nhất là mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, bởi chiếm được Đồng Đăng coi như con đường thọc sâu vào lãnh thổ nước ta của Trung Quốc trở nên thuận lợi. Những chứng tích, nhân chứng còn lại đã minh chứng sự chiến đấu anh dũng để gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc của quân và dân ta.


Ông Nguyễn Văn Bình tại hang Đền Mẫu, Đồng Đăng, Lạng Sơn, nơi mà cách đây 40 năm là nơi trú ẩn  của hơn 500 người dân trước quân địch

Cầm cự để chiến đấu đến cùng

Trong sử sách thị trấn Đồng Đăng ghi rõ: Năm 1979, tình hình biên giới với Trung Quốc diễn biến ngày càng phức tạp. Ngày 15-2-1979, phía Trung Quốc huy động 2 đại đội đánh chiếm một số điểm thuộc thị trấn Đồng Đăng và xã Bảo Lâm. Sáng sớm 17-2, thị trấn Đồng Đăng bị đánh chiếm… Bảo vệ Đồng Đăng, các chiến sĩ Đồn biên phòng 193 đã phối hợp với cảnh sát cơ động, đại đội công binh, Trung đoàn 12 cùng nhân dân xã Bảo Lâm nổ súng đánh trả quyết liệt. Lực lượng phòng thủ tại Đồng Đăng chưa được chi viện kịp, nhưng vẫn bám trụ trận địa cho tới ngày 22-2.

Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, quân Trung Quốc đã phải chở bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn vào lỗ thông hơi giết hại nhiều thương binh và dân thường. Nhưng ác liệt nhất, phải kể đến cuộc bám trụ 3 ngày đêm tại hang Đền Mẫu của quân và dân thị trấn Đồng Đăng.

Trong cơn mưa nặng hạt những ngày giáp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, ông Nguyễn Văn Bình (nguyên là lính trinh sát, tiểu đội trưởng, trong sự kiện ngày 17-2-1979) đang giúp vợ và các con dọn dẹp vài chiếc ghế nhựa cũ kỹ sau buổi bán hàng ăn sáng dưới chân hang Đền Mẫu. Biết chúng tôi tìm đến ông để hỏi về cuộc chiến đấu biên giới cách đây 40 năm, ông Bình như "sống lại” thời khắc oanh liệt đó. 

Cách đây tròn 40 năm, nhiều người cao tuổi ở thị trấn Đồng Đăng không ai không nhớ rạng sáng 17-2, khi mọi người đang ngon giấc thì bất chợt đạn pháo từ bên kia biên giới dội ầm ầm xuống thị trấn, khói mù mịt khiến nhiều người hoảng sợ. Ông Bình nhớ lại, lúc đó ông là tiểu đội trưởng đóng quân tại thị xã Cao Bằng nhưng vì bị ốm, ông Bình được đưa về tuyến dưới điều trị. Sau khi ra viện, ông Bình trở lại đơn vị, trên đường đi từ Hà Nội qua Đồng Đăng để lên Cao Bằng thì không ngờ tới Đồng Đăng (ngày 16-2-1979) cũng là thời điểm chiến sự nổ ra. Lúc 5 giờ sáng 17-2-1979, đạn pháo Trung Quốc bắn vào thị trấn đỏ trời.

Nhà ông Bình cạnh hang Đền Mẫu, pháo bắn cạnh nhà ông, ông hô hoán gia đình và làng xóm chạy lên hang để tránh đạn, vì vội không ai mang theo thứ gì. Lên đến hang thì gặp một đại đội cảnh sát cơ động cũng đang đưa từng tốp người dân địa phương di chuyển lên để tránh đạn pháo của địch. "Lúc tới hang, thấy đại đội toàn tân binh, kinh nghiệm còn ít nên tôi nghĩ không lên Cao Bằng nữa mà ở trong hang cùng bà con. Đã chiến đấu thì ở đâu cũng chiến đấu. Sau đó, tôi xin sáp nhập vào đại đội công an này, lúc đầu các anh chưa chấp nhận, sau khi xem giấy tờ quân nhân và biết tôi là người địa phương nên được chấp nhận cùng đại đội chiến đấu và bảo vệ người dân...”, ông Bình nhớ lại. 

Cho tới giờ, trong tâm trí của người lính năm xưa vẫn không quên hình ảnh gần 500 người dân với 120 chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng trú tại hang Đền Mẫu trong 3 ngày (từ sáng 17-2 đến ngày 19-2), không chỉ có cái đói, cái khát bủa vây mà còn là súng đạn của quân địch rình rập, đe dọa. Ban ngày, ông Bình và các chiến sĩ thay nhau canh gác cửa hang để đảm bảo quân Trung Quốc không xâm phạm tới tính mạng người dân. Nói là canh gác nhưng người phải nằm, phải bò từng gang để cảnh giới quân địch. Cầm cự được đến hết ngày 17-2, sang ngày 18-2, ban đêm, ông Bình cùng vài chiến sĩ đã bò ra ngoài, men theo sườn hang xuống nhà dân để tìm thức ăn cho đồng bào. "Gần như tìm được cái gì có thể ăn là ăn, lạc (đậu phộng) sống, su hào sống, cơm nguội… miễn cầm cự càng lâu càng tốt. Trong hang không có nước uống, người cứ khô đi...”, ông Bình xúc động kể.

Sát cánh chiến đấu cùng ông Bình trong những ngày ở hang Đền Mẫu còn có Binh nhì Triệu Quang Điện, thuộc Đại đội cảnh sát cơ động. Trong hàng trăm con người ở trong hang, 2 ông là người thông thạo địa hình, xông xáo trong từng việc. Cách đây 40 năm, Binh nhì Triệu Quang Điện chưa đầy 20 tuổi nhưng vô cùng gan dạ. Chứng kiến quân địch có hỏa lực mạnh, biết mình không bắn xuể, ông Điện nhắc đồng đội phải tiết kiệm đạn để chuyển phương án tác chiến bắn tỉa. "Tới khoảng 11 giờ trưa, tôi và các chiến sĩ nghĩ rằng, phải tính viên đạn nào cho địch, viên nào bảo vệ người dân. Đồng đội tôi có người hy sinh ngay trước cửa hang, lập tức có người khác cầm súng lên thế chỗ. Cho tới ngày 18-2, toàn bộ thị trấn Đồng Đăng bị bao vây, biết tình thế nguy hiểm, anh em bảo nhau bắn tỉa sau lưng địch... Việc bảo vệ đồng bào mình là trên hết, song lúc đó đạn dược rất ít nên việc chọn phương án tác chiến nào vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm đạn được ưu tiên hàng đầu...”, ông Điện nhớ lại.

Mở đường máu cứu đồng bào

Trong ký ức đầy sự kiện của mình, ông Bình vẫn thường kể chuyện cho các con cháu nghe về cuộc "giải cứu” hơn 500 người dân ở hang Đền Mẫu. Ông Bình tâm sự: "Trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nếu không đánh giá kỹ, tìm hiểu kỹ đối phương sẽ dẫn đến thương vong rất lớn. Thực tế, sau 3 ngày trong hang, không ánh sáng, không thức ăn, không nước uống, sức lực đã dần cạn kiệt và phải tính phương án đưa đồng bào thoát ra ngoài càng sớm càng tốt. Sau vài ngày tìm hiểu, ông nắm được "điểm yếu” quân Trung Quốc là ban ngày chúng hùng hổ, đi đi lại lại quanh thị trấn với xe tăng yểm trợ, nhưng ban đêm chúng co cụm và thi thoảng chỉ bắn đạn chỉ thiên để dọa nạt”.

Chiều 18-2-1979, đại đội trưởng và chính trị viên đại đội cảnh sát cơ động bàn phương án đưa người dân trong hang ra vùng an toàn. Nhiều phương án được tính tới, trong đó có phương án đưa dân qua các khe núi hiểm trở để tránh quân Trung Quốc phát hiện (ông Bình gọi là yên ngựa). Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và một vài lần thăm dò quân Trung Quốc thông qua các lần đi tìm thức ăn, ông Bình ngăn cản phương án đó, bởi nếu đi giữa 2 khe núi ắt sẽ bị phục kích ở hai bên. Đại đội trưởng và chính trị viên thắc mắc thì ông phân tích: "Tôi là người khu vực này, nếu đi qua đó sẽ có 2 khẩu 12 ly 7 đợi sẵn”. Do vậy, phương án rời hang phải thay đổi, buổi tối hôm đó, ông Bình và ông Điện trinh sát lại khu vực để xem chỗ nào không bị phục kích, trước khi quyết định đưa người dân ra ngoài. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhận thấy tình hình yên ả hơn, ông Bình và ông Điện đề xuất đưa đại đội cảnh sát và người dân bắt đầu ra khỏi hang từ chiều ngày 19-2. Lối đi men bờ suối để ra quốc lộ 1B tới huyện Văn Quan. Lúc này, mọi người đã bàn nhau: "Nếu trên đường đi bị địch đánh thì phải chia nhỏ từng tốp để mở đường máu đưa bằng được dân ra khỏi vòng vây”. 

Quả thật, quân Trung Quốc rất đông, hỏa lực mạnh, án ngữ nhiều nơi và đoàn người không tránh khỏi bị phục kích. Ông Điện và ông Bình lúc đó lấy hết sức để cõng những người bị thương ra khỏi vòng vây, một số đồng đội ông hy sinh ngay trước mặt. Nén lại nỗi đau, ông Bình, ông Điện cùng các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu để đưa người dân về vùng an toàn. Trong thời gian từ chiều 19-2 đến sáng ngày 21-2, nhân dân mới đến được huyện Văn Quan. Lúc ra tới huyện Văn Quan, Trưởng ty Công an Đào Đình Bảng vỗ vai tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bình: "May quá, nhờ có đồng chí, nếu không thì đơn vị này không biết như thế nào”. 

Trong cuộc giải vây đó đã có 13 chiến sĩ cảnh sát cơ động hy sinh. Sau này, khi nhắc lại sự kiện đó, Đại tá Triệu Quang Điện (nguyên Trưởng phòng Truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn) nói: "Chúng giết hết dân, phá nhà cửa, lúc đó mình chỉ nghĩ làm sao để cứu được bà con mình ra”. Sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, khi được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông Điện vẫn cho rằng: "Là thanh niên 18, đôi mươi, đi cứu dân, giữ nước là trách nhiệm của người chiến sĩ”.

 

              Theo SGGP

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục