Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào của thành phố Hoà Bình cùng nhau ôn lại kỉ niệm những năm tháng tham gia giúp bạn

Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào của thành phố Hoà Bình cùng nhau ôn lại kỉ niệm những năm tháng tham gia giúp bạn

(HBĐT) - Theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, hàng vạn người con đất Việt đã vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ sang nước bạn Lào để làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trên khắp nước bạn Lào đều có dấu chân, những giọt mồ hôi, những giọt máu của chiến sỹ hai nước hoà quyện vào nhau để đổi lấy độc lập tự do cho cả hai dân tộc. Ân nghĩa sâu nặng “hơn nước Hồng Hà - Cửu Long” đã được đắp xây và gìn giữ bằng mồ hôi và xương máu theo suốt chiều dài lịch sử từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thời kỳ xây dựng đất nước hôm nay.

 

 

Hồi ức của những chiến sỹ “Ba cùng”

 

Ngay từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, khi mà lực lượng, cơ sở cách mạng của cả nước ta và nước bạn đều còn rất non yếu thì với tinh thần “chung sức đồng lòng, nhường cơm sẻ áo”, đã có hàng ngàn chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam sang Lào giúp bạn những bước đi đầu tiên xây dựng căn cứ địa, tiến hành chiến tranh du kích. Thời kỳ này, số lượng quân tình nguyện của tỉnh ta sang tận thủ đô Viêng – Chăm giúp bạn tuy không nhiều nhưng lại là thời kỳ gian khổ nhất, nguy hiểm nhất và có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Hơn 40 thanh niên Hoà Bình đã vượt qua những tháng ngày gian nan, nỗ lực “ba cùng” với nhân dân Lào chiến đấu. Vì tuổi cao sức yếu, vì vết thương chiến tranh, hiện nay trên địa bàn Hoà Bình chỉ còn khoảng 30 chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào thời kỳ chống Pháp còn sống. Mỗi chiến sỹ quân tình nguyện giờ đây như một kho sử sống, là minh chứng rõ nét của tình hữu nghị Việt – Lào và mang trong mình tình yêu nước bạn như quê hương thứ hai của mình.

 

Có một điều đặc biệt là đa số quân tình nguyện Hoà Bình tham gia chiến đấu tại Lào đều là con em Việt kiều Lào – Thái. Sở dĩ, lực lượng thanh niên Việt kiều được Bác Hồ kêu gọi tham gia giúp nước bạn Lào xây dựng cách mạng từ những ngày đầu vì họ đã biết sẵn tiếng Lào, hiểu văn hoá Lào nên rất thuận lợi khi tiếp cận, giúp đỡ nhân dân Lào. Ông Trần Thanh, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào của Thành phố Hoà Bình nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi là lực lượng thanh niên Việt kiều đang sống tại Thái Lan. Theo lời kêu gọi của cụ Hồ và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng ba nước Đông Dương, chúng tôi đã tạm biệt người thân, vượt sông Mê – Kông, từ Thái Lan sang Lào giúp bạn”. Việc giúp đỡ Lào trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp chỉ có thể gói gọn trong cụm từ “vô cùng gian khổ”. Bởi ở thời điểm này, dân cư của nước bạn còn thưa thớt, địa hình chủ yếu là đồi núi hoang sơ, cơ sở cách mạng - lực lượng cách mạng chưa có gì, quân đội non yếu phải đấu chọi lại lực lượng hùng hậu, vũ khí tối tân của thực dân Pháp. Do đó, chỉ có một phương pháp duy nhất để tiến hành cách mạng là chiến tranh du kích, rút vào rừng, dựa vào địa hình hiểm trở để xây dựng căn cứ, lực lượng.

 

Quân tình nguyện Hòa Bình nói riêng, quân tình nguyện Việt Nam nói chung có nhiệm vụ “nằm vùng” sẽ là cầu nối, thông tin liên lạc, phối hợp với quân đội Lào giác ngộ cách mạng cho nhân dân Lào, mở đường cho lực lượng quân chủ lực. Thời kỳ này, lực lượng quân tình nguyện của chúng ta hoàn toàn phải sống ở các lán trại trong rừng, dựa vào nhân dân Lào, được nhân dân Lào tiếp tế lương thực. Những món ăn “đậm chất Lào” mà quân tình nguyện Hoà Bình vẫn còn nhớ vẹn nguyên hương vị món ăn và nghĩa tình của người mẹ Lào là “chẹo” (ớt nướng dằm với muối), “chè bong” (rêu lấy ở núi đá, gói trong lá chuối, vùi trong tro bếp nướng cho chín), “mắm pà đẹc” (món cá mắm)…. ăn với xôi (người Lào ăn gạo nếp là chính). Ngoài ra, còn có các món ăn “truyền thống của bộ đội quân tình nguyện” như canh măng rừng, rau tàu bay…. Những món ăn tuy hết sức giản dị, thanh đạm nhưng đã được những bà mẹ Lào nuôi quân gửi gắm vào đấy cả tình nghĩa yêu thương, sự dũng cảm và chấp nhận mất mát hi sinh khi vượt qua đồn bốt của địch để tiếp lương vào rừng cho bộ đội Việt Nam. Có những bà mẹ Lào đã bị địch bắn chết ngay khi vừa mang cơm cho bộ đội từ trong rừng trở ra. Chính sự anh dũng hi sinh của những người mẹ Lào vì “các con bộ đội Việt Nam” đã làm cho sự gắn bó Việt – Lào thêm máu thịt, keo sơn, góp phần tăng thêm sức mạnh cho bộ đội ta vượt mọi khó khăn, vững vàng ý chí, chắc tay súng giúp nước bạn.

           

Ân tình Việt – Lào còn mãi với thời gian

 

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ngoài lực lượng quân tình nguyện Hoà Bình tham gia “nằm vùng” tại Viêng – Chăm, hàng chục thanh niên của huyện Mai Châu và Lạc Sơn đã tham gia vào đoàn quân Tây Tiến để phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, nhắm đánh tiêu hao quân đội Pháp ở Thượng Lào. Mai Châu là hậu phương trực tiếp của mặt trận Tây Bắc nên đã nỗ lực xây dựng lán trại, quyên góp quân lương. Chỉ trong vòng một tháng, huyện Mai Châu đã huy động nhân dân làm được 200 lán trại cho bộ đội ăn nghỉ, xây dựng 20 nhà kho chứa vũ khí, lương thực. Mặc dù cuộc sống còn rất nhiều thiếu thốn những nhân dân huyện Mai Châu đã quyên góp được 18 tấn gạo, 5 tấn thực phẩm, bảo vệ an toàn cho cán bộ chỉ huy trung đoàn Tây Tiến.

 

Gian khổ, hi sinh – đó là những thử thách vô cùng lớn lao mà lực lượng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào đã phải trải qua. Và có đến đất nước Lào, sống trong ân tình của nhân dân Lào, chúng ta mới hiểu hết vì sao quân tình nguyện Việt Nam lại hết lòng giúp bạn và chấp nhận gian nan như thế. Là một đất nước Phật giáo, với đa phần dân số theo đạo Phật nên đa phần người dân Lào đều rất đỗi hiền hậu, mến khách và coi trọng chữ “hoà” chữ “hiếu”. Đặc biệt, họ còn là những người rất kiên trung, khi đã được giác ngộ cách mạng thì một lòng theo cách mạng, kiên cường nuôi quân, giấu quân. Họ là “tai mắt” của cách mạng, kịp thời liên lạc thông báo với bộ đội những diễn biến từ đồn bốt địch. Và họ đã coi những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam như là người con được nước Lào sinh ra và nuôi lớn.

 

Ngày 07/05/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ ở Việt Nam toàn thắng tạo nên một sức mạnh, động lực tinh thần vô cùng to lớn cho cách mạng ba nước Đông Dương, trong đó có Lào. Hoà vào khí thế chung đó, cách mạng Lào với sự giúp đỡ đắc lực của quân đội Việt Nam đã tổ chức các đợt tổng tấn tông, giành lại độc lập. Lúc này, lực lượng quân tình nguyện Hoà Bình “nằm vùng” ở các khu vực xung quanh Viêng – Chăm có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội và nhân dân Lào nổi dậy đánh các đồn bốt lẻ. Hoà bình lập lại, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, đoàn quân tình nguyện Việt Nam phải lưu luyến chia tay nhân dân Lào về nước.

 

Hơn 50 năm đã trôi qua những những kí ức ngày chia tay lưu luyến ấy vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ các chiến sỹ quân tình nguyện Hoà Bình chiến đấu tại Lào. Ông Trần Thanh xúc động nhớ lại: “Trước ngày chúng tôi về nước, ông trưởng bản nơi chúng tôi đóng quân đã tổ chức một buổi chia tay rất xúc động. Nhà nào có món ăn gì thì mang đến góp, sau đó thì làm lễ cúng “buộc chỉ cổ tay” để cầu may mắn bình an cho bộ đội quân tình nguyện”. Sáng hôm sau, những bà mẹ, chị em gái Lào dậy từ rất sớm để đồ xôi, chuẩn bị cơm nắm cho bộ đội tình nguyện lên đường trở về Việt Nam. Để lại sau lưng dấu ấn đẹp về người lính tình nguyện Việt Nam bình dị mà oai hùng, trẻ trung mà gan dạ, vui vẻ, quật cường; đội quân tình nguyện vấn vương mang về những kỷ vật đáng quí do chính bàn tay khéo léo của người con gái Lào làm nên như khăn quàng cổ, “phá phe” (khăn to)…để còn mãi nhớ về điệu múa Lăm – vông, nụ cười thân thiện của đất nước Lào.

 

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, tình hữu nghị Việt – Lào đã được xây dựng, vun đắp và trở thành hai nước anh em, nương tựa vào nhau dưới sự che chở của dãy Trường Sơn. Xương máu của đội quân tình nguyện đã hoà vào cỏ cây, trở thành hồn thiêng sông núi, dệt nên những trang sử hào hùng về tinh thần quốc tế vô tư trong sáng, làm nên mốc son thắm đậm cho tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.

 

Vậy nên, ngay khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu bùng nổ, hoà vào khí thế và tinh thần chung của cả nước, hàng ngàn thanh niên Hoà Bình đã lên đường nhập ngũ, giúp nước bạn Lào chống lại các đế quốc xâm lược, xây dựng đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 1961 – 1975, tỉnh Hoà Bình đã có khoảng 3.000 thanh niên tham gia lên đường tham gia sát cánh cùng bộ đội Pa Thét – Lào đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Và đã có 150 người con Hoà Bình để lại mạng sống và xương máu nơi nước bạn Lào.

 

Khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng thì nước bạn lại rơi vào tình trạng bất ổn vì hoạt động chống phá của bọn Phỉ Vàng Pao. Theo tiếng gọi của Đảng, lớp lớp thanh niên tỉnh Hoà Bình lại một lần nữa xung phong lên đường tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại cánh đồng Chum Xiêng - Khoảng, Loong - Chẹng… giúp nước bạn xây dựng quân đội, ổn định chính trị. Vào những năm cuối thập kỷ 70, thực hiện sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, tỉnh Hà Sơn Bình đã kết nghĩa với tỉnh Luông Phra Băng. Tỉnh ta đã  cử hàng chục đoàn cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý trên mọi lĩnh vực sang hướng dẫn, giúp đỡ bạn xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội. Ngoài ra, tỉnh ta còn nỗ lực giúp bạn xây dựng đất nước bằng hàng chục đoàn xe tải chở vật tư, giống cây trồng, xi măng, sắt thép… thiết thực giúp bạn xây dựng đất nước.

 

Ấm áp Tết Lào giữa lòng nước Việt

 

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, hoà vào không khí tưng bừng, náo nức của cả nước ta hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam - Thống nhất đất nước, Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào của Thành phố Hoà Bình trân trọng nhận lời mời của bà Sounthone Sayachak - Đại sứ Cộng hoà Dân chủ Lào tại Việt Nam về Đại sứ quán Lào dự Tết truyền thống của người Lào.

 

Hàng năm, vào giữa tháng 4 dương lịch tức là tháng 5 theo Phật lịch, người dân Lào lại vui tươi phấn khởi chuẩn bị đón tết cổ truyền Bun – Pi – Mày (còn gọi là Bun - Sổng – Kan hoặc Bun - Hột - Nắm). Đối với người Lào, đây là thời gian đánh dấu sự chuyển mùa, chuyển năm nên người Lào tổ chức tết cổ truyền để cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, mọi người chúc phúc cho nhau và mỗi gia đình đều tổ chức lễ “buộc chỉ cổ tay” cầu may cho mọi người trong gia đình. Tết Bun – Pi – Mày, xuân Canh Dần 2553 (Phật lịch) năm nay được Đại sứ quán Lào tổ chức hết sức ấm cúng và trang trọng. Điều đặc biệt hơn cả, đây còn là buổi gặp mặt, hội tụ của hàng trăm quân tình nguyện Việt Nam, đại diện cho hàng triệu quân tình nguyện Việt Nam đã từng chiến đấu ở Lào suốt từ Bắc vào Nam. Nghi lễ “buộc chỉ cổ tay” được tổ chức trang trọng với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Lào - Việt trước sự chứng kiến của hàng trăm quân tình nguyện và quan khách đã thêm khẳng định vững chắc tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em. “Buộc chỉ cổ tay” là một đại lễ truyền thống lâu đời của nhân dân các dân tộc Lào thể hiện tấm lòng rộng mở và bác ái. Theo phong tục truyền thống, trong đại lễ này, con cháu ở xa phải về sum họp gia đình để cùng vảy nước hoa chúc mừng ông bà cha mẹ, người thân để rửa đi những điều xui xẻo và buộc chỉ cổ tay lẫn nhau gọi cho hồn, vía đã bị thất lạc ở đâu đó hãy về với thân thể, cầu cho năm mới vạn sự như ý.

 

Tổ chức Tết Lào tại Việt Nam còn là cơ hội để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước của hai nhà nước Việt – Lào và các chiến sỹ quân tình nguyện đã không tiếc xương máu vì nước bạn cùng nhìn lại thành quả của tình hữu nghị mà hai hai đất nước đã vun đắp. Theo suốt dọc chiều dài lịch sử hơn 60 năm qua, mối quan hệ hữu nghị Việt – Lào đã được các thế hệ lãnh đạo, các nhà cách mạng, nhân dân hai nước xây dựng, gìn giữ và phát triển, trở thành tài sản quý giá của cả hai dân tộc. 35 năm trong thời bình, chúng ta vẫn tiếp tục phát huy truyền thống hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong bảo vệ và xây dựng đất nước. Hiện nay, trong bối cảnh khu vực và thế giới đầy biến động, mối quan hệ trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc không bị phai mờ mà còn ngày càng phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho hai đất nước.

 

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã giành sự ủng hộ và giúp đỡ quí báu đối với đất nước Lào, Bà đại sứ Sounthone Sayachak cho biết thêm: “Hiện nay, hai nước đang khẩn trương biên soạn “Lịch sử liên minh chiến đấu và quan hệ đặc biệt Việt – Lào” và xây đài tưởng niệm liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào. Đây sẽ là những giá trị tinh thần vô giá cho nhân dân, thế hệ trẻ hai nước và đồng thời là tư liệu quan trọng để tuyên truyền với các bạn bè trên thế giới về mối quan hệ hiếm có này.”   

 

                                                                          Dương Liễu

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục