Trung tướng, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt nói chuyện truyền thống đánh B52 trong chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với CBCS đoàn H50.

Trung tướng, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt nói chuyện truyền thống đánh B52 trong chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với CBCS đoàn H50.

(HBĐT) - Không hẹn nhưng chúng tôi được Thượng tá Lưu Văn Đại, Chính ủy Đoàn H50 cho biết: “Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi có mời Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, người trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn tên lửa 52 chiến đấu bắn rơi 4 máy bay B52 trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972”. Với chúng tôi và cả cánh lính trẻ Đoàn H50 đều coi đó là một dịp may hiếm có để được nghe, được sống lại không khí chiến đấu trong 12 ngày đêm của những con người quả cảm, kiên cường.

 

Người đặt bệ phóng cho chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội

 

Dù đã ở cái tuổi 75, nhưng vị tướng hai sao Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về chính trị của Quân chủng phòng không - không quân (PK-KQ) vẫn còn mẫn tiệp, luôn nổi bật với nụ cười hào sảng và phong thái đĩnh đạc dễ gần, dễ mến. Giữa đám lính trẻ, ông bảo: ngày xưa khi bắt đầu đi lính tớ cũng như các cậu, nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhưng môi trường quân ngũ đã rèn dũa để ngày càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường.

 

Trong câu chuyện của vị tướng già, tôi thấy ông nói nhiều về những trận đánh của bộ đội tên lửa với những chiến công đã làm cho cả thế giới ngả mũ thán phục trong chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Dẫu thế, ông vẫn không quên kể về người đã đặt bệ phóng cho bộ đội tên lửa lập nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. ông kể: năm 1962, trước tình hình chiến tranh ngày càng quyết liệt đòi hỏi ta cần phải có sự chuẩn bị để đủ sức đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của chiến trường, Bác Hồ đã gọi đồng chí Phùng Thế Tài, lúc đó đang là Tư lệnh phòng không lên. Trong cuộc gặp đó, Bác đã hỏi: “chú làm Tư lệnh phòng không, chú có biết loại máy bay B52 chưa”. Trong khi vị Tư lệnh còn đang lúng túng trước câu hỏi đó thì Bác nói tiếp “cho dù chú có biết nhưng chú cũng không làm gì được nó đâu, vì nó bay cao trên 10km. Chú mới có pháo cao xạ thì làm sao mà bắn được nó. Nhưng bây giờ chú đã là Tư lệnh Phòng không rồi thì chú phải tiếp tục theo dõi nó, nghiên cứu nó để rồi đánh nó”.

 

Sau đó, cho đến tháng 6/1965, Mỹ đưa B52 bắt đầu đánh ra khu vực Bến Cát thuộc phía tây bắc Sài Gòn, Bác lại theo dõi nó, đồng thời Người đã tiên đoán sau này nhất định Mỹ sẽ dùng B52 đánh ra Hà Nội. Để sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất khi Mỹ dùng B52 đánh ra Hà Nội, trước đó, tại cuộc gặp với đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô vào tháng 2/1965 trong chuyến sang thăm Việt Nam, Bác đã đề nghị Liên Xô giúp cho Việt Nam tên lửa. Bởi Bác biết chỉ có tên lửa mới đánh được B52. Đây là loại vũ khí, khí tài đặc biệt được Liên Xô bố trí bảo vệ xung quanh thủ đô Matxcova. Với tên lửa SAM 2, lực lượng phòng không của Liên Xô đã bắn rơi máy bay do thám U2 của Mỹ khi đang bay ở độ cao 20km trên bầu trời Matxcơva. Lời đề nghị đó của Bác đã được phía bạn đồng ý, sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Bang Xô Viết từ tháng 2 cho đến cuối tháng 4/1965, Việt Nam đã tiếp nhận những bộ khí tài tên lửa SAM 2 hiện đại nhất lúc bấy giờ. Và ta bắt tay ngay vào học tập sử dụng.

 

Bởi vì tên lửa SAM2 Liên Xô sản xuất từ năm 1952 bố trí ở Matxcơva lực lượng phòng không Liên Xô đã bắn rơi máy bay do thám U2 của Mỹ khi đó bay ở độ cao 20km. Khi bắt đầu học tập bạn yêu cầu phải 1 năm ta mới đánh, nhưng trước yêu cầu đó, ta chỉ xin 3 tháng. Nhưng trên thực tế chỉ 59 ngày là ta đã làm chủ được loại khí tài đặc biệt này. Bạn đồng ý ngay, từ tháng 2 đến cuối tháng 4 tên lửa đã sang đến Việt Nam rồi. Bắt đầu 1/5/1965 ta bắt đầu học tập làm chủ khí tài tên lửa. Trong những ngày đầu bỡ ngỡ, bạn sang giúp ta không chỉ huấn luyện mà còn trực tiếp chiến đấu. Nhớ lại thời điểm ấy, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết thêm: Mặc dù yêu cầu để sử dụng thành thạo bộ khí tài đặc biệt này theo như phía chuyên gia Liên Xô thì phải mất đến 1 năm huấn luyện. Thế nhưng với sự sáng tạo, trí tuệ của bộ đội ta chỉ mất có 59 ngày huấn luyện đã có thể chiến đấu. Sau trận đầu đánh thắng máy bay Mỹ bằng tên lửa, Bác mới bảo: Muốn bắt được cọp thì phải vào hang cọp. B52 đánh ở miền nam thì bộ đội tên lửa phải vào trong đó để tìm hiểu cách đánh, tích lũy kinh nghiệm cho những trận đối đầu với chúng trên bầu trời miền Bắc. Có thể nói, ngay từ khi B52 còn chưa xuất kích, Người đã xây bệ phóng, chuẩn bị cả khí tài và tinh thần cho cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội.

 

Chuyện về bộ khí tài đặc biệt 

 

Năm 1965, sau chiến công đầu của bộ đội tên lửa, ta đã xác định cần phải tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCS tên lửa phòng không có trình độ, chất lượng cao làm xương sống cho lực lượng bộ đội tên lửa còn non trẻ, Đảng và Bác Hồ đã quyết định đưa một số CBCS sang học tập ở Liên Xô. Trong đoàn chiến sỹ sang Liên Xô học tập về điều khiển tên lửa năm ấy có Nguyễn Văn Phiệt. Trong quá trình học tập về điều khiển tên lửa ở Liên Xô, có một kỷ niệm mà Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt không thể quên. ông kể: khi mình học tập, thực hành trên bộ khí tài điều khiển tên lửa, một vị tướng của bạn phụ trách việc đào tạo đã nói với anh em là các bạn mà sử dụng tốt bộ khí tài này thì sau này chúng tôi sẽ chuyển nó về cho các bạn. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là câu nói đùa nhưng tôi vẫn lấy bút viết tên mình lên bóng đèn báo sóng để đánh dấu. Và đúng như lời hứa, sau  khi về nước, chúng tôi đã nhận lại được đúng bộ khí tài đó. Đó là một món quà thật đặc biệt. Nó đã theo Tiểu đoàn chiến đấu một cách bền bỉ liên tục suốt 1.300 giờ trên khắp các chiến trường từ Vĩnh Linh, Quảng Bình và tham gia hiệu quả, bền bỉ trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội trước những cuộc không kích ác liệt của hàng nghìn lượt máy bay chiến đấu không lực Mỹ ném bom, bắn phá. Với bộ khí tài này, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, Tiểu đoàn 52 anh hùng đã bắn rơi 21 máy bay các loại, trong đó có 4 máy bay B52, 7 máy bay F111 và 10 máy bay các loại trên khắp các chiến trường mà nó tham chiến.                                   

 

(Còn nữa)

 

 

                                                                                Mạnh Hùng

 

Bài 2: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc Việt Nam.

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục