Cán bộ y tế thôn bản xã Tân Pheo gặp gỡ, tư vấn  về biện pháp chăm sóc thai nhi cho em Lò Thị Thoại ở xóm Náy 2.

Cán bộ y tế thôn bản xã Tân Pheo gặp gỡ, tư vấn về biện pháp chăm sóc thai nhi cho em Lò Thị Thoại ở xóm Náy 2.

(HBĐT) - Người ta thường bảo tuổi 15 - 17 là cái tuổi vô lo, vô nghĩ, ăn chưa no, lo chưa tới, là thời kỳ trẻ mới lớn lên nên thể chất, tâm hồn còn non nớt lắm. Thế nhưng ở huyện Đà Bắc, trẻ vị thành niên phải làm vợ, làm mẹ lại là chuyện không hiếm. Trung tâm YTDP huyện Đà Bắc vừa thống kê một con số sửng sốt: 9 tháng năm 2012, toàn huyện có 75 trường hợp trẻ vị thành niên mang thai. Hiện còn 49 trẻ đang được theo dõi, quản lý thai nghén.

 

Cấm, phạt vẫn cưới

 

Vấn nạn tảo hôn tập trung nhiều ở những xã vùng cao, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn như: Tiền Phong, Đoàn Kết, Tân Pheo... Trong số các trẻ vị thành niên đã làm vợ, làm mẹ hiện nay, đa số là người dân tộc Dao, Tày, phổ biến nhất ở tuổi 16.

 

Bà Hà Thị Cúc, y tế thôn bản xóm Náy 1, xã Tân Pheo kể: Các cặp tảo hôn ở đây đều làm cưới, hỏi cả đấy. Có người biết đến khuyên can, xóm, xã đến nói hết nhẽ mà họ chẳng nghe. ở đây, nhiều bà con người Dao, Tày vẫn theo phong tục, tập quán cũ, con gái học đến biết chữ là được rồi, lấy chồng sớm cũng giúp gia đình bớt đi gánh nặng. Tiệc cưới, hỏi của trẻ vị thành niên rôm rả, công khai chẳng khác cách tổ chức cưới, hỏi thường thấy, có đám làm cỗ mời anh em, bạn bè, họ mạc lên tới 50 - 60 mâm.

 

Có điều, vì bản thân người vợ, thậm chí có trường hợp cả người chồng và người vợ đều chưa đủ tuổi kết hôn nên các cặp đôi này dù đã tổ chức cưới xin vẫn không được pháp luật công nhận. Theo chị Lường Thị Bình, cán bộ tư pháp xã Tân Pheo, nạn tảo hôn diễn biến phức tạp trong 1, 2 năm nay, kéo theo đó là tình trạng làm mẹ ở tuổi vị thành niên nổi cộm. UBND xã vừa tiến hành xác minh, xử lý 11 trường hợp tảo hôn (vi phạm lĩnh vực hôn nhân và gia đình), trong đó có 3 trường hợp còn trây ì, 8 trường hợp đã chấp hành xử phạt hành chính. ông Lường Văn Thâm, Trưởng Trạm y tế xã cung cấp thêm danh sách trường hợp trẻ VTN mang thai trong 2 năm (2011 - 2012) như các em Lý Thị Lan, Bàn Thị Mai, 16 tuổi, dân tộc Dao ở xóm Bon, Bương; Xa Thị Thực, 16 tuổi, dân tộc Tày ở xóm Náy... Các em Lan, Mai đã sinh con, trong đó có 1 em phải sinh mổ.

 

 

Hệ lụy tảo hôn

 

Câu chuyện lấy chồng sớm của em Lò Thị Thoại, người dân tộc Tày ở xóm Náy 2, xã Tân Pheo là một thí dụ. Sinh năm 1995, Thoại học đến lớp 7 thì xin nghỉ, ở nhà làm nương rẫy. Tháng 12/2011, em về làm vợ một người con trai xóm Náy 1 khi tuổi mới vừa 16. Còn quá trẻ để làm dâu, con, mọi việc trong gia đình nhà chồng, Thoại chưa tự thu xếp được. Mẹ chồng bảo làm gì, Thoại làm nấy và cũng chỉ làm được mấy việc quét nhà, phụ mẹ nấu nướng mà thôi. Giờ, Thoại lại sắp làm mẹ. Chúng tôi gặp em khi em đang mang thai ở tháng thứ 9. Với sức nghĩ chưa đủ lớn, dường như em chưa biết tới đây sẽ đương đầu với những khó khăn khi phải làm mẹ thế nào. Chạnh lòng, xót xa khi Thoại ngơ ngác thổ lộ: Trước lúc mang thai, em được 40 kg. Giờ gần đến ngày sinh, em mới tăng được 5 kg. Vì ngại, tính lại hay quên nên trong suốt thời kỳ mang thai em bỏ, không uống bổ sung viên sắt.

 

Chưa đến tuổi kết hôn đã phải lấy chồng, chưa sẵn sàng cho việc mang thai đã trải qua cuộc đẻ, trẻ tuổi vị thành niên tảo hôn ở Đà Bắc với tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, chưa được trang bị hành trang để đối mặt với những nguy cơ, thách thức lâu dài. Bác sĩ Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Đà Bắc chia sẻ: trước mắt, làm vợ, làm mẹ ở tuổi còn quá trẻ như thế, vị thành niên còn xấu hổ, giấu việc mình mang thai, ngại tiếp cận, thăm khám. Nhiều em do chưa biết cách chăm sóc bản thân, nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc thai nghén cũng chưa đến nơi, đến chốn dẫn đến nguy cơ cuộc đẻ nhiều tai biến, một vài trường hợp phá thai ở cơ sở y tế tư nhân bị tai biến dẫn đến vô sinh. Kỹ năng nuôi con sau đẻ của người mẹ trẻ cũng rất yếu nên đứa con dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi cọc. Với trường hợp trẻ vị thành niên sinh nở, trạm y tế cơ sở ít dám tiếp nhận, thường tư vấn đẻ ở bệnh viện tuyến huyện hoặc tuyến cao hơn để tránh tai biến sản khoa.

 

 

Cách nào xóa bỏ?

 

Trong quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm tảo hôn sẽ chịu xử phạt hành chính. Việc xử phạt chủ yếu nhằm mục đích giáo dục để cá nhân nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ pháp luật hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung. Với người vi phạm là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng cao, xa, có xem xét đến ảnh hưởng và tác động của phong tục, tập quán để vận dụng cho phù hợp (từ cảnh cáo đến xử phạt vi phạm hành chính).

 

Dù rằng vẫn còn một bộ phận đồng bào thiểu số có tư tưởng cũ, nặng về phong tục, tập quán nhưng nhìn nhận lại công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở huyện Đà Bắc những năm qua vẫn chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả. Sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các xã trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật còn ở chừng mực nhất định. Vấn nạn tảo hôn ở vùng cao đang là một trong những thực trạng báo động. Theo bà Xa Thị Ngọc, Trưởng phòng Tư pháp huyện, Đối với trường hợp tảo hôn, cách được pháp luật cho phép là không đăng ký kết hôn cho họ. Để ngăn chặn vấn nạn này cần bắt đầu từ vai trò của chính quyền cơ sở. Đẩy mạnh, đổi mới phương pháp truyền thông, tư vấn sẽ tác động thiết thực, mạnh mẽ hơn, làm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về địa bàn vùng cao, xa cũng cần được tăng cường hơn nữa. Với trẻ vị thành niên và thanh niên vùng cao nên hướng cho các em được tiếp cận, tham gia hoạt động của các CLB pháp luật, SKSS của phụ nữ, thanh niên... Xây dựng quy ước, hương ước xóm, bản không có vấn nạn tảo hôn cũng là việc đáng làm.

 

 

 

                                                                                 Bùi Minh

 

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục