Vò rượu cần được dùng làm vũ khí tiêu diệt hơn 100 tên giặc trong ngày 30/10/1948.

Vò rượu cần được dùng làm vũ khí tiêu diệt hơn 100 tên giặc trong ngày 30/10/1948.

(HBĐT) - Tính ra, câu chuyện được người dân Phú Lương (Lạc Sơn) kể nhiều nhất không phải là những mùa vàng bội thu mà đó là câu chuyện về những người con mưu trí, quả cảm chỉ bằng một... vò rượu cần đã tiêu diệt được 105 tên giặc. Câu chuyện đó đã được ghi vào trang sử vàng của dân và quân Mường Vang như một chiến công sáng chói trong những năm kháng chiến chống Pháp. Quá khứ đã xa nhưng lại thật gần trong ký ức và trong trang sử của người Yên Lương - Phú Lẫm (xã Phú Lương ngày nay).

 

“Đánh giặc bằng…rượu. Chuyện nghe có vẻ hoang đường và khó tin. Nhưng về Phú Lương, lật giở những trang sử, nghe người dân kể về vùng đất này mới thấy đó là một câu chuyện có thật”. Ông Bùi Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương mở đầu câu chuyện một cách tự nhiên, khoáng đạt như tính cách của con người vùng đất này là vậy.

 

Yên Lương - Phú Lẫm xưa kia là vùng đất trù phú và cũng là một vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng. Dù trong gian khó, nhưng  người Yên Lương - Phú Lẫm vẫn một lòng một dạ theo cách mạng. Chẳng thế mà vùng đất này đã trở thành một trong những điểm khởi đầu cho các cuộc càn quét, cướp phá của giặc Pháp. Cũng chính ở vùng đất này, quân và nhân dân Yên Lương - Phú Lẫm đã trực tiếp tập kích 21 trận, chống càn 13 trận, tiêu diệt 360 tên giặc, làm cho giặc Pháp và bè lũ tay sai kinh hồn, bạt vía. Trong đó, đỉnh cao là trận đánh cách đây vừa tròn 64 năm vào ngày 30/10/1948, đội du kích Yên Lương - Phú Lẫm đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc khi tiêu diệt gần 250 tên địch, trong đó có 105 tên bị tiêu diệt chỉ bằng một... vò rượu cần. Thứ rượu truyền thống của đồng bào người Mường vốn được dùng trong các dịp tết, hội hè hoặc đón khách quý đã trở thành một thứ vũ khí vô cùng lợi hại trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Theo những người có tuổi kể lại, từ khi chiếm đóng và kiểm soát Lạc Sơn đầu năm 1948, giặc Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc rượu. Trong đó, rượu cần là một trong những sản vật được binh lính Pháp ưa thích nhất. Cái vị ngọt thanh tan dần rồi đọng lại trong miệng, rồi tê tê cay nơi đầu lưỡi như một thứ bùa ngải đã làm mê hoặc những tên lính lê dương vốn chỉ quen với những chai rượu mạnh. Trong những lần càn quét, bắt bớ, rượu cần được chúng đặc biệt ưa thích, đến đâu, bao giờ chúng cũng lùng sục rượu cần. Thấy vò rượu nào là chúng lại khiêng ra uống cho thoả thích.

 

                 

Đồng chí Bùi Văn Tớn người có sáng kiến dùng rượu cần trộn lá ngón giết giặc.

 

Tuy vậy, suốt cả năm trời từ khi chiếm đóng vùng Lạc Sơn, âm mưu chiếm đóng và kiểm soát vùng Yên Lương - Phú Lẫm của Pháp vẫn  không thực hiện được do vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và nhân dân nơi đây. Trong những trận càn vào Yên Lương - Phú Lẫm, giặc Pháp đều bị chặn đánh, thậm chí, chúng còn chưa một lần được qua đêm ở vùng đất này. Điều đó đã làm cho tên quan ba Điốt - đồn trưởng đồn Vụ Bản hết sức tức tối. Ngày 29/10/1948, Điốt ra lệnh cho một trung đội lính tăng cường từ Vụ Bản lên càn quét. Vừa đặt chân đến đây, địch đã bị đội du kích phục kích chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải bỏ chạy về Vụ Bản. Cay cú sau trận thua, ngay hôm sau, Điốt đã huy động một lực lượng lớn có xe cơ giới cùng hỏa lực mạnh yểm trợ đánh vào Yên Lương - Phú Lẫm quyết tiêu diệt bằng được lực lượng kháng chiến. Bằng 2 mũi tiến công, ngay từ mờ sáng, một đại đội địch đã từ Lỗ Sơn, theo đường Gia Mô (Tân Lạc) tiến xuống và một mũi từ Vụ Bản theo đường từ Định Cư tiến lên. Mũi tiến công thứ nhất của địch vừa đặt chân đến vùng đất Yên Lương - Phú Lẫm đã bị bộ đội, du kích chặn đánh. Trong trận này, gần 100 tên địch bị tiêu diệt và bị thương. Cánh quân thứ 2 từ Vụ Bản qua Định Cư cũng đã bị bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chặn đánh. Nhưng theo sáng kiến của đội viên du kích Bùi Văn Tờn dùng rượu cần trộn lá ngón để đánh địch. Thống nhất ý tưởng đó, bộ đội địa phương, du kích đã rút lui để giặc tiến vào Yên Lương. Vào đến nơi, không gặp ai, chúng điên cuồng lùng sục, đốt phá, khi đến nhà ông Bùi Văn Duỗn thôn Gò Rẽo, chúng thấy giữa nhà có một vò rượu lớn đã cắm cần sẵn. Thấy rượu cần, chúng tranh nhau uống. Mấy tên quan uống trước, binh lính uống sau. Mới được một chầu, bọn chúng đã ngã lăn ra xung quanh vò rượu cần đứa nằm thoi thóp thở, đứa rên xiết quằn quại đau đớn. Lợi dụng điều đó, bộ đội địa phương và dân quân du kích Yên Lương - Phú Lẫm đã nổ súng tiêu diệt tại trận địa 50 tên, số còn lại chạy được về Vụ Bản sau 3 ngày bị nhiễm độc, chết thêm gần 100 tên nữa. Sau thất bại này, tinh thần, ý chí của giặc bị giảm sút nghiêm trọng. Sự càn quét của giặc và Yên Lương - Phú Lẫm cũng đã giảm hẳn. Nhiều tên đã thề sẽ không bao giờ dám vào Yên Lương - Phú Lẫm thêm lần nào nữa.   

 

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tiếp bước thế hệ cha anh, nhiều người con của quê hương Yên Lương - Phú Lẫm đã không tiếc xương máu tham gia chiến đấu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Phú Lương đã có 1320 lượt người lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở khắp các chiến trường, trong đó đã có nhiều người anh dũng chiến đấu, hy sinh, huy động nhân dân địa phương đóng góp 450.000 ngày công phục vụ chiến đấu; ủng hộ kháng chiến 22.370 tấn lương thực, 13.320 tấn thực phẩm... Ghi nhận chiến công, đóng góp của nhân dân xã Phú Lương trong 2 cuộc kháng chiến, năm 1998, Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và Huân chương chiến công hạng nhất cho những đóng góp của quân và dân Phú Lương trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

                                                                                   

 

                                                                       Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục