Chiến sĩ đại đội 121 (Lương Sơn) trên trận địa pháo cao xạ phòng không bắn máy bay địch xâm phạm vùng trời Hòa Bình. ảnh: T.L

Chiến sĩ đại đội 121 (Lương Sơn) trên trận địa pháo cao xạ phòng không bắn máy bay địch xâm phạm vùng trời Hòa Bình. ảnh: T.L

(HBĐT) - Tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc từ mùa đông năm 1946 khi mới 15 tuổi; là chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến hoạt động ở vùng Hòa Bình trong những năm 1947 - 1950. ông cũng là một trong số ít người được giữ lại “làm khung” để xây dựng Trung đoàn 12 với nhiệm vụ vừa là bộ đội địa phương, vừa đóng vai trò là Tỉnh đội Hòa Bình sau khi Trung đoàn 52 hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn 1950 - 1954. ông là Giang Hồng Phúc, hiện đang sống ở tổ 29, phường Phương Lâm (TPHB).

 

Hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ, hiện giờ dù đã ngoài 80 tuổi nhưng người CCB Giang Hồng Phúc vẫn được xem như là một “pho sử sống” về thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở khu vực Hòa Bình. Bước qua thời binh lửa bắt đầu từ những ngày mùa đông năm 1946 trên các khu phố cổ của thủ đô Hà Nội, cũng như hiên ngang đi qua các trận đánh, những khó khăn, gian khổ, cơn sốt rét ác tính ở miền viễn Tây khi là một chiến sỹ Tây Tiến, CCB Giang Hồng Phúc đã từng bước trưởng thành và là một trong số ít người tham gia xây dựng Trung đoàn 12, đơn vị tiền thân của Tỉnh đội (nay là Bộ CHQS tỉnh).  

Ông bảo: Tôi thoát ly tham gia kháng chiến khi mới 15 tuổi. Sau khi rút khỏi thủ đô về vùng rừng núi Hòa Bình, đơn vị tôi nhập vào Trung đoàn 52 Tây Tiến rồi sau đó ở lại vừa tham gia chiến đấu, vừa tổ chức xây dựng lực lượng chiến đấu ở Trung đoàn 12, tiền thân là Tỉnh đội Hòa Bình. Quá khứ đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng cùng quân - dân Hòa Bình tham gia kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ của người lính già đầu bạc vẫn còn vẹn nguyên như hôm nào, nhất là thời kỳ cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa chiến đấu, vừa tổ chức xây dựng lực lượng trong những năm 1950-1954.  

Ông Giang Hồng Phúc kể lại: Sau khi kháng chiến toàn quốc nổ ra vào tháng 12/1946 và cho đến năm 1950 thì ở Hòa Bình chỉ có Trung đoàn 52 Tây Tiến. Bấy giờ chỉ có Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 52, đây được coi là tiểu đoàn bộ đội đầu tiên ở tỉnh. Cuối năm 1950, trước yêu cầu mới cần phải có những đơn vị lớn để đánh địch, do vậy Trung ương đã chủ trương sáp nhập các trung đoàn vào thành đại đoàn (Sư đoàn). Từ chủ trương đó, Trung đoàn 52 đã rút về vùng đồng bằng để tham gia thành lập Sư đoàn 320. Một phần còn lại gồm Tiểu đoàn 616 với một số CB-CS của Trung đoàn 52 được giữ lại làm nòng cốt để xây dựng Trung đoàn 12 Hòa Bình. Trung đoàn 12 được thành lập ngày 15/2/1951 do Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam lúc bấy giờ là Hoàng Văn Thái ký. Có nhiệm vụ chủ yếu là thay thế Trung đoàn 52, đồng thời phối hợp với các đơn vị chủ lực tổ chức chiến đấu ở vùng Hòa Bình. Đặc biệt, Trung đoàn 12 có tính chất không giống với bất kỳ một đơn vị nào, vừa làm Tỉnh đội, vừa làm Trung đoàn. Có nghĩa vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu tập trung, đánh những trận lớn trong tỉnh, vừa làm nhiệm vụ xây dựng LLVT địa phương. Trung đoàn trưởng đầu tiên là đồng chí Võ An Khang do Quân khu cử về. Chính trị viên là đồng chí Lê Thành Công, khi ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy, sau đó, đồng chí Nguyễn Đình Khanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Lê Thành Công làm chính trị viên Trung đoàn. Sau này, đồng chí Đinh Công Niết, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 616 được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12. Sau khi thành lập, Trung đoàn 12 ra mắt ngay tại xóm Bãi Bệ, xã Dũng Phong (Cao Phong) gồm 5 Đại đội thuộc tiểu đoàn tập trung (bộ đội chủ lực của tỉnh) gồm có Đại đội 51, 55, 57, Đại đội trợ chiến và Đại đội bảo vệ Sở Chỉ huy. Còn ở huyện có Đại đội 121 Lương Sơn, Đại đội 116 của Mai Đà (Mai Châu và Đà Bắc), Đại đội 16 Kỳ Sơn, Đại đội 112 Lạc Sơn. Đến năm 1953, khi Lạc Thủy sáp nhập về Hòa Bình có Đại đội 159.  

Nhiệm vụ của các đại đội thuộc Trung đoàn 12 chủ yếu là tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Có những trận độc lập chiến đấu, có những trận phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu đánh địch và huy động lực lượng phục vụ chiến đấu trên địa bàn tỉnh. Điển hình như trận đánh tại Cầu Mè (Mông Hóa - Kỳ Sơn) bẻ gãy âm mưu tái chiếm Hòa Bình của giặc Pháp ngày 2/12/1951. Trong trận này, Đại đội 16 Kỳ Sơn đã phối hợp với bộ đội chủ lực là Trung đoàn 66 tiêu diệt một đoàn xe 34 xe cơ giới. Tiếp đó, ngày 11/12/1951, Đại đội 16 phối hợp cùng Tiểu đoàn 616 phục kích đánh địch trên đường 6 đoạn từ cầu Dụ đến hang đá Thau, diệt 2 trung đội lính âu - Phi, phá hủy 10 xe quân sự, giải thoát hàng chục đồng bào bị địch bắt. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), các đơn vị bội đội địa phương của Trung đoàn 12 còn phối hợp với các đơn vị chủ lực bẻ gãy nhiều đợt càn quét của địch. Các Đại đội 121 Lương Sơn, Đại đội 116 Mai Đà, Đại đội 112 Lạc Sơn phân tán về các địa phương củng cố, xây dựng lực lượng du kích, đẩy mạnh cao độ chiến tranh du kích, tích cực phục vụ, phối hợp chiến đấu cùng bộ đội, tham gia tổ chức vận chuyển, giúp đỡ bộ đội hành quân, chuẩn bị trận địa, diệt tề, trừ gian, phá cầu, đường, phục kích địch... Trong chiến đấu, bộ đội địa phương có sự trưởng thành vượt bậc, độc lập tác chiến nhiều trận rất hiệu quả. Điển hình là Tiểu đoàn 616 tập kích quân địch đi càn trú đóng tại điểm cao 585 (Lương Sơn), diệt và bắt sống 100 tên; Đại đội 116 Mai Đà bẻ gãy cuộc càn quét lên chợ Bờ tại bến Chương (Hiền Lương)... Đỉnh cao là chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), các đơn vị của Trung đoàn 12 đã tham gia chiến đấu phối hợp, hiệp đồng với bộ đội chủ lực chiến đấu tiêu diệt 6.012 tên, phá hủy 156 xe các loại, 17 tàu chiến, ca nô, 12 khẩu đại bác, góp phần quan trọng vào giải phóng Hòa Bình, giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược, chia cắt chiến trường Bắc bộ của Pháp.  

Sau khi kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (5/1954), thực hiện chủ trương giảm trừ binh bị, Trung đoàn 12 giải thể, bản thân ông Giang Hồng Phúc khi ấy đang làm trợ lý tác huấn tại Tiểu ban tác huấn cùng một bộ phận cán bộ của Trung đoàn được giữ lại tiếp tục trở thành “khung” để thành lập Tỉnh đội. Trải qua nhiều vị trí công tác, nhiều khó khăn trong các thời kỳ lịch sử cho đến khi về nghỉ chế độ, người CCB Giang Hồng Phúc vẫn giữ vững phẩm chất của một người lính chiến đã từng kinh qua trận mạc. Cho đến giờ, những câu chuyện, ký ức về thời binh lửa của ông vẫn còn được kể lại với tinh thần hào sảng, khảng khái, đầy cảm xúc mãnh liệt của những người lính bộ đội Cụ Hồ.

 

                                                                    Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục