Người tiêu dùng ưa chuộng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại cửa hàng thị trấn Lương Sơn.

Người tiêu dùng ưa chuộng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại cửa hàng thị trấn Lương Sơn.

(HBĐT) - Đó là những mô hình có sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn nông dân cả ở vùng thấp, sâu, xa, cao. Việc sản xuất mang tính ổn định, vững bền hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cũng rõ rệt. Những mô hình này đang góp phần không nhỏ, có tác dụng cổ vũ lớn lao, khích lệ nông dân tiếp cận thị trường, nắm bắt cơ hội làm giàu.

 

“Nông nghiệp hữu cơ” - mô hình đột phá 

Có lẽ với người dân ở huyện Lương Sơn, cụm từ nông nghiệp hữu cơ giờ không còn lạ lẫm. Xuất hiện từ năm 2008, đến nay, chương trình sản xuất này đã thu hút được đông đảo hộ nông dân theo học và triển khai thực hiện. Kết quả đã thành lập được 1 HTX, 13 nhóm sản xuất với hơn 100 thành viên tham gia. Ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện chia sẻ: Từ chỗ mặt bằng canh tác chỉ khoảng 9 ha, đến nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ toàn huyện đã nhân rộng được hơn 20 ha. Với việc hình thành tư duy sản xuất mới, thực hiện luân canh và phương pháp canh tác an toàn, giá trị thu nhập trên ha diện tích không dừng lại ở con số vài chục triệu đồng/ha. Theo thống kê mới đây, giá trị thu nhập/ha canh tác nông nghiệp hưu cơ đã đạt từ 450 - 700 triệu đồng. 

Đáng kể là từ chỗ mạnh ai người nấy làm, mô hình nông nghiệp hữu cơ đã liên kết các nhóm hộ cùng sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn làm thế mạnh cung ứng ra thị trường. Chị Hoàng Thị Tư, một thành viên nhóm sở thích nông nghiệp hữu cơ trên cây rau xóm Đầm Đa 2, xã Hợp Hòa cho biết: Nhóm chúng tôi đã tiến hành canh tác không dùng phân bón hóa học, không có chất biến đổi gen nên thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cho dù sản xuất theo phương pháp này bỏ công, bỏ sức nhiều hơn, phải bền bỉ cải tạo đất, quản lý sâu bệnh hại, bù lại, giá trị lợi nhuận có được cao hơn 30% so với cách làm cũ, an toàn với người sử dụng. 

Đặc biệt, nếu như trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chỉ bó gọn ở một số chợ trên địa bàn, thu nhập của nhà nông chẳng đáng là bao, từ sau khi có mô hình nông nghiệp hữu cơ, nhiều sản phẩm do bà con làm ra đã vươn tới thị trường trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng gần, xa yên mến, tin dùng. Ngoài một số công ty có trụ sở tại Hà Nội hợp đồng đặt hàng thường xuyên, tại trung tâm huyện còn duy trì cửa hàng bán và giới thiệu nông sản hữu cơ. Với sức mua trên thị trường ngày càng lớn, việc cung ứng của bà con không gặp trở ngại nào. Không ít siêu thị lớn ở Hà Nội muốn làm khách hàng chính thức tiêu thụ các loại rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. 

Tư duy mới trong sản xuất ở vùng cao 

Cùng thời điểm ra đời mô hình nông nghiệp hữu cơ, ở vùng cao các huyện Tân Lạc, Mai Châu... cũng bắt đầu hình thành vùng sản xuất và những mô hình mới. Đó là mô hình trồng su su lấy ngọn ở Ngổ Luông, Quyết Chiến, Lũng Vân (Tân Lạc), Ba Khan (Mai Châu), mô hình trồng tỏi tía ở Bắc Sơn, Nam Sơn (Tân Lạc), Noong Luông, Pù Bin (Mai Châu), mô hình chè shan tuyết ở Pà Cò (Mai Châu)... Năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh, nông dân xã vùng cao Quyết Chiến được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đưa cây su su vào cơ cấu cây trồng, góp phần đẩy mạnh công cuộc XĐ-GN. Theo ông Bùi Văn Nhỏ - trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, trước đây, bà con vùng cao quen với nền sản xuất manh mún theo nếp cũ, sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình, ít tiếp cận với thị trường hàng hóa. Được hỗ trợ chuyển giao, mô hình tỏi, su su lấy ngọn ở các xã vùng cao đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập thường xuyên, ổn định cho hộ nông dân. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các xã vùng cao của huyện Tân Lạc hiện có hơn 400 hộ tham gia các mô hình với diện tích hơn 50 ha su su và hơn 8 ha tỏi bản địa. Đáng mừng là với việc hình thành tư duy sản xuất mới, chỉ với vài nghìn m2 canh tác đã mang về thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng cho nhiều hộ dân như ông Nguyễn Văn Quang ở xóm Biệng, xã Quyết Chiến, ông Đinh Văn Miêng ở xóm Chiềng, xã Lũng Vân. ông Miêng phấn khởi cho biết: mỗi kg ngọn su su có giá 6.000 đồng tại vườn, so với trồng ngô, nông dân có lãi gấp 4 - 5 lần lại dễ trồng, chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao. Thêm vào đó, thị trường đầu ra của tỏi, su su ổn định, đã xuất hiện một số cơ sở thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Thường có một số công ty, còn lại là thương lái nhiều vùng khác hợp đồng thu mua rau su su, tỏi. Làm như vậy, hộ sản xuất yên tâm bởi khâu vận chuyển tiêu thụ đã có doanh nghiệp và lái thương lo liệu. 

Dịp cuối năm 2011, tại hội thảo về thông tin thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tỉnh, các mô hình trồng su su lấy ngọn, tỏi bản địa các xã đã được đại biểu đánh giá cao với giá trị kinh tế vượt trội hơn hẳn các loại rau, củ, quả khác (đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha). Cùng với đó, những chuyển đổi trong tư duy, nhận thức canh tác của nông dân cũng được đánh giá tích cực, từng bước hình thành, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. 

Thay lời kết

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Những mô hình được nhân rộng tạo lực đẩy quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vùng cao, sâu, xa, góp phần làm cuộc sống người dân nơi đây thay da, đổi thịt. Cùng với tư duy mới, cách thức làm ăn mới, người dân tham gia là một trong những mắt xích đảm bảo chuỗi hợp đồng, cạnh tranh theo chuỗi thông qua sự liên kết, kết nối tạo ra thị trường hoàn chỉnh. Hiện nay, mô hình nông nghiệp hữu cơ, tỏi, su su đã tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài, đang từng bước hình thành, xây dựng thương hiệu. Các mô hình cũng có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ nông dân, những người yếu thế có điều kiện tiếp cận thương mại, thị trường, liên doanh, liên kết và ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả lao động.

 

                                                                    Bùi Minh 

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục