Đời sống được nâng lên, nhiều hộ dân xã Yên Thượng (Cao Phong) đầu tư dựng lại nhà sàn mới để cải thiện cuộc sống.

Đời sống được nâng lên, nhiều hộ dân xã Yên Thượng (Cao Phong) đầu tư dựng lại nhà sàn mới để cải thiện cuộc sống.

(HBĐT) - Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường Tây Phong - Yên Thượng (Cao Phong) có tổng chiều dài hơn 14 km, giờ chỉ còn hơn 2 km đang thi công dở dang. Đến Yên Thượng có nhiều điều lạ lẫm đến khó tả. Ở Tây Phong là cảm giác nóng bức ngột ngạt của mùa hè nhưng lên đến vùng đất chiến khu xưa không khí vẫn còn se lạnh như những ngày đầu đông.

 

Người dân địa phương tự hào giải thích: “Yên Thượng còn hơn 200 ha rừng nguyên sinh, ở đó có “vó vua”, giếng nước cao hơn mặt biển khoảng 1.000 m nên trên này thỉnh thoảng chỉ biết mùa hè vào giữa trưa thôi, suốt năm lúc nào bếp cũng đỏ lửa, đi ngủ vẫn phải dùng chăn, đệm”. Không khí mát dịu ở Yên Thượng đã giúp chúng tôi quên đi những mệt mỏi sau chặng đường trơn lầy, gập ggềnh, khúc khuỷu. Nhưng mới chỉ ít ngày được “ba cùng” với người dân từ các xóm Cun, Bộ, Pheo, Đai đến Rớm, Khánh, Bái Sét... chúng tôi mới hiểu vùng đất chiến khu xưa còn nhiều trăn trở lắm.

 

Điều đáng quý trọng nhất là cuộc sống ở Yên Thượng thật bình yên. Với người dân ở đây những từ như ma túy, mại dâm, cờ bạc thật xa lạ . Mỗi khi có việc đi vắng, dù không có người trông coi, trong khi cửa nhà vẫn trống tuềnh, trống toàng mà người dân ở đây không hề phải lo mất trộm. Chiếc xe máy là tài sản lớn của mỗi gia đình nhưng ngày cũng như đêm để dưới gầm nhà sàn hay ven đường khi xuống ruộng, lên rẫy cũng không phải bận tâm và 4 năm qua, ở Yên Thượng không xảy ra trọng án. Có được nhịp sống bình yên ấy, ngoài bản chất hiền lành, chất phác, tình đoàn kết gắn bó của người dân, những năm qua, phong trào toàn dân BVANTQ ở Yên Thượng đã phát huy hiệu quả với mô hình cụm an ninh giáp ranh Cao - Lạc - Kim - Tân được hình thành năm 2009 do Ban CA xã Yên Thượng làm Cụm trưởng đầu tiên. Cùng với nhịp sống bình yên, bất cứ ai đến đây cũng đều trân trọng khi người dân Yên Thượng vẫn giữ nguyên được bản sắc của mình. Đó là những bà, những mẹ, chị trong cuộc sống đời thường cũng như những ngày lễ hội vẫn giữ đậm nét mộc mạc nhưng không kém phần sặc sỡ với bộ váy áo bình dị của dân tộc Mường. Thấp thoáng sau những rặng tre, những vườn cây bản địa vẫn là những nếp nhà sàn đơn sơ, gần gũi gắn với sự tích “ông Đải” mà đồng  bào dân tộc Mường còn gọi là “thần rùa”, vị thần giúp các bản Mường làm lên những nếp nhà  có những cột trụ vững chắc chống được muông thú và 4 mái nhà che chở được nắng, mưa, sấp, chớp, nóng bức và giá lạnh bởi trên 97% hộ dân ở Yên Thượng vẫn ăn ở, sinh hoạt trong những nếp nhà sàn truyền thống. Hơn thế, để giữ rừng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giờ đây xu thế của người dân Yên Thượng là làm nhà sàn bê tông lợp ngói. Hiện, cả xã đã có trên 15% hộ  đã có những nếp nhà truyền thống bằng bê tông xi măng. Bên cạnh đó, không chỉ ngày lễ, ngày tết, khi có hiếu, hỉ hoặc nhà ai đó có trẻ nhỏ mới chào đời hay những sự kiện vui, buồn của cộng đồng, khắp các bản làng ở Yên Thượng vẫn âm vang tiếng trầm hùng của những làn điệu cồng chiêng... Dù thiên nhiên ở Yên Thượng vẫn còn hoang dã, người dân Yên Thượng vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa đậm đà, ngày ngày vẫn miệt mài một nắng, hai sương để làm ra hạt lúa, bắp ngô, củ khoai, cây mía nhưng một điều không thể phủ nhận là Yên Thượng vẫn rất nghèo. Với tỷ lệ hộ nghèo còn tới 55,01% và hộ cận nghèo cũng chiếm tới 25,5%. 

 

Lý giải vấn đề này, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã trăn trở: Yên Thượng không thiếu đất thâm canh, vốn để đầu tư sản xuất cũng không đến nỗi nhọc nhằn. Năng suất lúa vụ chiêm - xuân của xã cũng “ngang ngửa” với các xã bạn, bình quân đạt 70 tạ/ha. Nhưng đến vụ mùa, hàng chục năm nay vẫn chỉ gieo cấy bằng giống bao thai lùn nên năng suất chỉ đạt 27 tạ/ha. Đã nhiều lần xã nhờ cậy các ngành chức năng của huyện và tỉnh để tìm giống khác thay thế nhằm cải thiện năng suất, sản lượng vụ mùa nhưng đến giờ chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, mặc dù nguồn sinh thủy ở Yên Thượng khá dồi dào nhưng từ trước đến nay chưa hề được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nên quá trình sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, vì thế, thất bát là lẽ thường và tỷ lệ hộ nghèo còn cao là không thể tránh khỏi.

 

 Yên Thượng chưa hình thành sản xuất hàng hóa, trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu mang tính tự sản, tự tiêu, đó là thực tế. Chị Bùi Thị Thuật ở xóm Bộ B giãi bày: Đường Tây Phong - Yên Thượng khởi công đến nay đã hơn 3 năm nhưng vẫn còn 2 km đang thi công dở dang nên việc đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, ngoài đường vào xóm Khánh mới được nâng cấp, 11 xóm khác vẫn chỉ là đường cấp phối. Tình trạng đó đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh. Hàng chục năm qua, các mặt hàng thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất chúng tôi đều phải chịu mua với giá cao gấp 3 - 4 lần so với các xã Dũng Phong, Tây Phong. Ngược lại, sản phẩm nông - lâm sản làm ra lại bị ép giá vì khách hàng cho rằng phải bù đắp vào chi phí vận chuyển do đường quá xấu. Chúng tôi thiết tha mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông  để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và đời sống dân sinh trên địa bàn.

 

Hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém cùng những hạn chế trong tuyên truyền, quảng bá nên những tiềm năng  du lịch về văn hóa, tâm linh, sinh thái ở Yên Thượng chưa được phát huy. Vì thế, hầu như nếu chưa lên Yên Thượng ít người biết ở đó có chùa Khánh - khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng của chiến khu Cao Phong - Thạch Yên với sự tôn nghiêm, huyền bí để mỗi ai khi đặt chân đến đây đều phải nâng niu  từng nhánh cỏ, nụ hoa, chiếc lá. Dù nằm trong khuôn viên khá khiêm tốn nhưng nơi đây không chỉ là nơi che chở những cán bộ cách mạng trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 mà theo truyền thuyết chùa Khánh rất linh ứng, đã mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khi đến đây cầu nguyện. Người ta cũng ít biết trong  khu rừng nguyên sinh ở xóm Kháy, có vó Vua với làn nước mát lạnh về mùa hè, ấm áp về mùa đông, gần đó là bãi đất từ bao đời chưa một lần mọc một ngọn cỏ. Vó nước, bãi đất ấy gắn với những lời ca, điệu múa, âm vang cồng chiêng của ngày hội “Khuống mùa” trên vùng đất Mường Thàng với những câu chuyện đầy kỳ bí bất cứ ai mới thoáng nghe một lần cũng muốn đến tận nơi để tìm hiểu, khám phá.

 

Lần đầu đặt chân đến Yên Thượng, hầu như ai cũng chộn rộn niềm vui vì diện mạo nông thôn ở vùng chiến khu xưa đã có bước khởi sắc, nhất là trụ sở UBND xã, trường, lớp học các cấp đã được xây dựng kiên cố khang trang, hệ thống điện lưới quốc gia đã vươn tới khắp các bản làng đem ánh sáng cho 98% hộ trong xã... nhưng cũng thật buồn khi thấy công trình cấp nước tự chảy ở Yên Thượng được Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng đã không phát huy hiệu quả vì tình trạng “cha chung không ai khóc”. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, xã không thành lập ban quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, nên mạnh ai người nấy đục phá đường ống dẫn nước về nhà mình nên chả mấy chốc công trình trở thành hoang phế mà nước ăn uống sinh hoạt hàng ngày thiếu vẫn hoàn thiếu.

 

Nhìn đồi, vườn, rừng, đồng đất ở Yên Thượng với những bãi chăn thả mênh mông, những nơi đất đai chật hẹp phải trồng cỏ ở góc vườn, bờ dậu để nuôi bò nhốt chuồng thì đây thực sự là một tiềm năng. Yên Thượng đất rộng, người thưa, cả xã có 549 hộ với 2.380 nhân khẩu nhưng diện tích tự nhiên có tới 1.741,94 ha. vậy mà tổng đàn trâu, bò chỉ có khoảng 1.300 con. Diện tích chăn thả rộng mà bình quân mỗi hộ chỉ có hơn một con trâu, bò khiến người ta có cảm giác người dân Yên Thượng chỉ biết hài lòng với cuộc sống của mình chứ ít nghĩ đến việc tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất hàng hóa, tìm hướng thoát nghèo và tiến tới làm giàu, mặc dù không ít lớp chuyển giao kỹ thuật và mô hình trình diễn chăn nuôi trồng trọt đã được xã phối hợp với các phòng chức năng của huyện tổ chức đến tận thôn, bản.

 

Chúng tôi tạm xa Yên Thượng khi mặt trời bắt đầu xuống núi, trong tiết trời se lạnh, ai nấy đều chộn rộn khi vùng chiến khu xưa đang chìm dần trong làn sương mờ. Tiễn chúng tôi, cụ Bùi Văn Thiện, già làng chuyên trông coi chùa Khánh bịn rịn: “Làm nhà nông, ai cũng hiểu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, ở khu đồi ổ Mềm, xóm Bộ B có nguồn nước tốt lắm, giá như được Nhà nước đầu tư làm cho cái hồ chứa thì Yên Thượng không phải lo nước sản xuất, nước sinh hoạt, lúc đó cái nghèo,cái đói cũng lùi nhanh thôi”.

 

                                                                               Đức Phượng

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục