Những ngón tay đàn đôi lúc còn ngượng ngập, run rẩy của Thuận là “liều thuốc” để cha, con họ quên đi nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn và thể xác.

Những ngón tay đàn đôi lúc còn ngượng ngập, run rẩy của Thuận là “liều thuốc” để cha, con họ quên đi nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn và thể xác.

(HBĐT) - Dù đã quen với khúc nhạc “vô thường” của những tay đàn lão luyện. Nhưng chẳng hiểu sao khi ngồi trước họ, tôi cứ bị cuốn theo những ngón đàn đôi lúc còn ngượng ngập, run rẩy, những gam nhạc thăng, giáng đôi lần vấp váp, lỡ nhịp và cuốn theo cả những cảm xúc vừa mơ hồ, vừa hiện hữu trên khuôn mặt đau đáu khát vọng của Thuận...

 

Nỗi đau xuyên 3 thế hệ

 

Trong không gian chật chội của ngôi nhà tình nghĩa được xây cách đây khoảng chục năm có lẻ ở xóm Dệ 2, xã Bắc Phong (Cao Phong), khúc nhạc Thuận dành tặng chúng tôi có lẽ đó là một thứ quý giá nhất của những con người sống ở đó. Bởi lẽ đối với họ, khúc nhạc ấy là “liều thuốc tiên” để họ quên đi nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn và thể xác.

 

Ngôi nhà đó nằm bình yên giữa một khoảng sân rộng. Trái ngược với sự yên bình của cảnh vật, bao năm nay, trong trái tim người thương binh già Bùi Văn Nỏn luôn nặng trĩu nỗi đau bất tận mang tên dioxin. Nỗi đau ấy, theo như cách nói của ông thì “tính đến nay đã xuyên qua ba thế hệ”. Chất độc ấy từ đời ông truyền sang đời các con và đến cả đứa cháu ngoại hơn 2 tuổi cũng trở thành nạn nhân của nó. Nỗi đau ấy cứ dai dẳng như có ai lấy kim châm vào từng khúc ruột. Đến nỗi mỗi khi chợt nghĩ đến dù không khóc nhưng mắt cứ nhòa lệ. Chẳng vậy, khi nói về điều đó, ông cứ rưng rưng: trong chiến tranh, khi đứng giữa ranh giới sống - chết thì đâu có mảy may một giây phút sợ hãi. Vậy mà trở về với cuộc sống thời bình lại đớn đau và tuyệt vọng quá! Có người cha nào như tôi, sinh con ra rồi lại sợ chúng lớn lên từng ngày. Tôi sợ lớn lên sẽ hiểu ra chúng là những đứa trẻ tật nguyền do di chứng của chiến tranh mà cha chúng để lại cho suốt cuộc đời những đứa con không lành lặn...

 

Là thương binh hạng 4/4 lại bị nhiễm chất độc da cam nên giờ đây, sức khỏe của ông giờ đây giống như một thân cây đã mục ruỗng. Dù cho cái cảm giác ban đầu mới gặp, tôi vẫn nghĩ ông còn tráng kiện với nước da au đỏ như đồng hun của những con người chịu nắng gió miền sơn cước. Ông bảo: Càng có tuổi, chất độc trong người lại càng phát tác. Trái nắng, trở trời, có những lúc mình như người mất hồn, không bình thường, có biểu hiện say say, hay nhầm lẫn và thẫn thờ một mình. Nhưng đó chưa phải là tất cả, nhắc đến những đứa con, đứa cháu như chạm vào tận cùng nỗi đau. Ông cho biết: Sinh được 5 đứa con thì có 3 bị mù lòa bẩm sinh và 1 đứa thì bị ảnh hưởng do di chứng chất độc da cam toàn thân nổi mụn đau đớn. Không chỉ có vậy, thứ chất độc ấy đã truyền sang thế hệ thứ 3. Đứa cháu ngoại thứ hai khi sinh ra được 10 tháng cũng đã phải đi thay máu và thay tủy vì chất độc quái ác này.

 

Sinh ra và lớn lên trong thời điểm đất nước đang oằn mình với nỗi khát vọng tự do, năm 1970, khi 18 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, anh lính trẻ Bùi Văn Nỏn được biên chế vào Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu ở chiến trường đường 9 - Nam Lào rồi tham gia chiến đấu tại Xanavan (Lào). Những nơi anh lính trẻ Bùi Văn Nỏn đặt chân tới đều có một khung cảnh hoang tàn, chết chóc, khắp nơi rừng cây khô trụi, đất khô cằn trơ đá bởi chất độc khai quang. Trong những trận đánh tại Xanavan, anh lính Bùi Văn Nỏn đã bị thương. Với tỷ lệ thương tật 25%, anh đã được đơn vị cho đi an dưỡng. Tháng 12/1973, xuất ngũ trở về địa phương. Tưởng chừng cuộc sống sẽ bình yên, năm 1976, anh thương binh Bùi Văn Nỏn lấy vợ và sinh cậu con trai đầu lòng. Thật trớ trêu, khi cậu con trai vừa mới sinh ra đã bị mù hai mắt. Đến năm 1979, sinh hạ thêm cô con gái thứ hai hoàn toàn lành lặn. Những tưởng niềm vui đã trở lại ở gia đình nhỏ ấy. Nhưng sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha khi lần lượt người con thứ ba và thứ tư sinh ra đều bị mù bẩm sinh. Lúc này, anh lính phục viên Bùi Văn Nỏn mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam.

 

Đôi mắt mờ đục với ánh nhìn vô hồn vào cõi hư vô, người CCB ấy như đang cố chôn xuống tận đáy lòng những giọt mặn đắng. Trong số 5 người con thì duy nhất có cô con gái thứ 2 là Bùi Thị Tiện được lành lặn. Còn anh trai cả Bùi Văn Thuận cùng Bùi Văn Tiến, Bùi Thị Nhinh ngay từ khi mới lọt lòng đã bị mù bẩm sinh. Cậu con trai út Bùi Văn Bựng có may mắn khi sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng hiện giờ cũng đang xuất hiện những vết lở loét toàn thân, mụn nhọt khắp người. Nuốt những giọt nước như đang trực trào trên đôi mắt già nua, ông bảo: Đó là những gì còn lại sau những năm tháng xông pha nơi chiến trận. Bom đạn kẻ thù không giết nổi mình. Nhưng những nỗi đau về tinh thần cứ như dao sắc, kim nhọn dai dẳng đâm cứa vào tâm can đến nao lòng. Dù cho đã nhiều năm trôi qua, tưởng rằng tinh thần người lính trong ông đã được hun đúc đủ mạnh để giúp ông đối diện vững vàng với mọi nỗi đau đớn trong cuộc đời. Ấy vậy mà nay nó không thể vực ông dậy mỗi khi nghĩ về con, cháu...

 

Khát vọng nơi bóng đêm

 

Với gia đình ấy và với những con người ấy, tôi đã từng nghĩ, dù không may mắn nhưng cuộc sống của họ sẽ bớt gian truân khi luôn nhận được sự giúp đỡ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, người thân và cả những người... dưng trong xã hội. Ấy vậy, cho đến giờ, họ vẫn còn trăn trở với những khát khao. Nói chuyện với chúng tôi, anh trai cả Bùi Văn Thuận cứ suy tư: Giá như em không bị mù đôi mắt thì đến bây giờ, chắc em cũng đã có một gia đình đầm ấm, một nếp nhà vui tươi với tiếng bi bô con trẻ. Giờ em chỉ ước có được một việc làm phù hợp tự nuôi sống bản thân để bớt đi một gánh nặng cho gia đình. Nghĩ đơn giản nhưng để làm được khó quá.

 

Tôi biết, không chỉ Thuận mà cả các em Bùi Văn Tiến, Bùi Thị Nhinh cũng đau đáu ước nguyện nhỏ nhoi ấy, bởi lẽ, cả 5 - 6 con người trong ngôi nhà nhỏ ấy ngoài số tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam với hơn 4 triệu đồng/tháng và đôi vai già của người cha còm cõi mưu sinh trên khoảnh đất vườn hơn 1.000 m2 thì cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Nói về gia cảnh của mình, ông Bùi Văn Nỏn cười buồn: Có gì đâu! Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng và hơn 1.000 m2 đất canh tác thì chẳng còn trông được vào đâu. Mọi đồ đạc trong nhà từ giường tủ, chăn màn đều được các tổ chức xã hội quyên góp, ủng hộ. Thực sự tôi cũng chỉ mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức - xã hội quan tâm, giúp đỡ, tạo việc làm phù hợp cho các cháu và tạo điều kiện cho gia đình vay vốn sản xuất để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, có thêm kinh phí chữa bệnh cho các cháu. Không cứ như thế này thì cơ cực quá...

 

Tạm biệt họ, tạm biệt những nụ cười lạc quan, tạm biệt khúc nhạc “Vô thường” còn đôi nốt ngượng ngập, run rẩy của Thuận. Trở về trên con đường qua những nếp nhà yên vui, tôi chợt nghĩ nếu những điều “giá như” trong cuộc đời trở thành hiện thực, thì cuộc sống của Thuận, của Tiến, của Nhinh và của cả hàng trăm người không may mắn vì chất độc quái ác kia sẽ bớt khó khăn.

 

                                                                         Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục