(HBĐT) - Bao nhiêu năm nay có một người phụ nữ sống trong xóm nhỏ heo hút ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ ngày ngày bán xôi sáng ở đầu xóm. Lúc rảnh rỗi, bà lại trồng hoa hồng và chăm con mèo cho khuây khoả nỗi nhớ cha. Nhưng ít ai biết được quá khứ của bà và người cha là ông Schulze, người Đức đã có nhiều cống hiến cho cách mạng.

 

Năm 1946, Verner Schulze (ảnh), một người Đức bị bắt đi chiến đấu trong đội quân lê dương của Pháp. Nhưng qua thời gian chiến đấu ông nhận thấy đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa đi cướp bóc dân tộc khác nên ông có cảm tình với quân đội Việt Nam. Qua liên lạc được với cách mạng, ông đã vận động được 5 lính Pháp theo cách mạng. Trong một đêm, 6 người chuốc rượu cho lính trong đồn uống say rồi bỏ cát vào súng ống, chạy sang hàng Việt Minh. Trước đây, ông làm trong xưởng chế tạo máy bay nên Bộ Quốc phòng đã điều đến xưởng quân giới quân khu 2.  Làm việc một thời gian ông được điều đến Nha nghiên cứu kỹ thuật và được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Đức Việt. 5 người bạn của ông cũng được đặt tên là: Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hoà. Là người sống hoà nhã, giản dị chịu đựng được gian khổ như người Việt nên ông được mọi người quan tâm, nhất là cô Hoàng Thị Thành, dân tộc Tày quê ở Hoàng Su Phì (Hà Giang). Được mọi người động viên, bà Thành đã lấy ông Việt tạo điều kiện cho ông gắn bó lâu dài với cách mạng. Năm 1947, đám cưới của ông Nguyễn Đức Việt và bà Hoàng Thị Thành được tổ chức tại sân bay Sơn Tây. Một năm sau, họ sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Việt Hoa. Sau đó sinh ra một cậu con trai là Nguyễn Đức Hồng. Hai cái  tên này  do ông Việt đặt. ông bảo: đây là loài hoa mà ông yêu thích đều có ở nước Đức và Việt Nam.

 

 

Bà nguyễn Việt Hoa, con gái của người lái máy bay đầu tiên cho không quân Việt Nam  với những bức thư của cha.

 

Năm 1949, Ban nghiên cứu Không quân được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chiêu sinh hai lớp huấn luyện phi công. ông được bổ nhiệm làm trưởng ban huấn luyện trực tiếp huấn luyện phi công. Ban đóng tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Năm đó, ông là người đầu tiên đã bay thử một trong hai chiếc máy bay của không quân Việt Nam do vua Bảo Đại tặng lại Chính phủ. Chiếc máy bay này được tháo rời, vận chuyển từ Huế ra Gia Lâm, lên Sơn Tây rồi mới chuyển đến Chiêm Hoá. Do vận chuyển đường dài lại không được bảo dưỡng đúng quy trình nên các phụ tùng hỏng hóc, nhiều phụ tùng phải chế lại. Ngày 15/8/1949, tại sân bay dã chiến Chiêm Hoá (Tuyên Quang), chiếc máy bay Tiger Moth sơn cờ đỏ sao vàng được cất cánh lần đầu bay thử. Khi đã lấy được độ cao nhưng ông Việt thấy bộ phận máy có vấn đề không thể tiếp tục bay được nữa. Biết không thể cứu được tình hình ông Việt đã nhanh trí lái máy bay hạ cánh xuống sông Gâm để nó khỏi bị hỏng. ông chui ra từ khoang lái hỗ trợ cho thợ máy bị thương nhẹ. Người thì không sao nhưng máy bay thì không thể sửa chữa được và từ đó nó chỉ được dùng vào việc học tập cho chiến sỹ. Hồi đự, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã khen ngợi hành động này của phi công Nguyễn Đức Việt: “Với một máy bay lạ cất trong kho bốn năm, điều kiện bảo quản không tốt, vậy mà dám bay thử. Đó là hành động thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của một phi công bay thử”. Ông cùng những người cán bộ Việt Nam dịch và viết nhiều cuốn sách nhận diện máy bay ta và địch, bắn máy bay bằng súng trường tập trung. Những cuốn sách giúp ích nhiều cho quân đội ta chiến đấu với không quân địch. Ông là người rất nghiêm khắc. Nhiều người nhớ lại: một hôm, thầy đang dạy học say sưa, trong lớp bỗng trong lớp có tiếng xì xào cười khúc khích, thầy ngừng giảng hỏi lý do tại sao? Hoá ra có mấy con khỉ thấy vắng người đã leo vào hai máy bay để trong rừng kêu khẹc khẹc làm mọi người nhìn thấy. Thầy nghiêm nét mặt nói:  Mỗi học viên ngồi đây là đại diện cho hàng triệu người Việt Nam. Cả lớp xấu hổ, nín bặt.

 

 Năm 1952, do yêu cầu của kháng chiến, Ban nghiên cứu không quân tạm thời dừng hoạt động, những người tham gia đều được điều đi học pháo cao xạ ở Trung Quốc và chuyển sang làm các nhiệm vụ khác. Ông Nguyễn Đức Việt lại trở về công tác tại Nha nghiên cứu kỹ thuật. ông đã có nhiều sáng kiến trong việc chế tạo các loại vũ khí phục vụ kháng chiến, đặc biệt là nghiên cứu chế tạo thành công lựu đạn chống tăng AT bằng công nghệ dập. Đây là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc kháng chiến. Sáng kiến của ông đã được Chính phủ cách mạng đánh giá cao. Năm 1949, ông đã được gặp Bác Hồ và được Bác tặng một bộ quần áo lụa. Sau đó, Nguyễn Đức Việt được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1954, ta tiếp quản một số sân bay do Pháp bàn giao lại. ông Nguyễn Đức Việt lại có cơ hội được phát huy chuyên môn khi cùng với những cán bộ của Việt Nam về tiếp quản và tổ chức hoạt động của sân bay Gia Lâm những ngày đầu. Bà Hoa kể: Tôi vẫn còn nhớ năm lên 5 tuổi, tôi cùng các bạn đang nghịch với con dao lam trên tay thì máy bay đến, tất cả sợ quá bỏ chạy vào gốc trám nấp bị ngã dao lam cứa vào tay chảy máu. Mặc cho máy bay thả bom ông Việt cầm thuốc lào lao đến dịt cho bà. Dịt xong ông ôm bà vào lòng che bom và khóc ướt đẫm áo bà. Một lần khác, bà ngoáy tai bị bông kẹt trong lỗ tai, ông Việt cõng bà đi 7, 8 km đường rừng đến chỗ bác sỹ Tôn Thất Tùng để nhờ lấy ra. Những lần gặp trời mưa, hai cha con đang đi trên đường, cha bà đã cởi áo mưa bọc cho bà để mình chịu ướt. Khi về tiếp quản sân bay Gia Lâm, mỗi chiều cuối tuần, bố bà thường đánh xe ô -tô đưa hai chị em đi ra phố ăn kem. Cũng nhiều hôm bận rộn, ông không đưa các con đi chơi được, hai chị em lại giấu hàm răng giả của ông đi để ra điều kiện, thế là ông lại phải sắp xếp công việc chiều chúng tôi...

 

Đến cuối năm 1955, cùng với những hàng binh nước ngoài khác, Nguyễn Đức Việt phải trở về nước. Bà Hoàng Thị Thành vì nhiều lý do đã không thể cùng chồng sang Đức, ở lại Việt Nam với hai con.Từ đấy, bà Nguyễn Việt Hoa phải rời xa người cha. Đầu năm 1968, mẹ con bà nhận được một bức điện của Bộ Ngoại giao thông báo: ông Nguyễn Đức  Việt chuẩn bị về nước dự lễ khánh thành triển lãm quân đội Việt Nam. Ba mẹ con bà mừng rơi nước mắt. Năm đó bà mới  20 tuổi. Cuối năm ấy, khi chuẩn bị diễn ra khánh thành triển lãm quân đội gia đình bà lại nhận được tin của Bộ Ngoại giao: Schulze - Nguyễn Đức Việt đã mất đột ngột do bệnh tình nặng. Cả nhà điếng người.

 

Sau khi lập gia đình, cuộc đời bà gặp nhiều sóng gió, vất vả phải chuyển nhà nhiều lần. Năm 1990, bà Hoa quyết định chuyển về Hoà Bình dựng nhà sống một cuộc sống đạm bạc ở đây.Với số lương hưu mỗi tháng trên vài trăm nghìn, cuộc sống của bà khá eo hẹp. Thời gian sau, bà xoay qua làm xôi bán. Ngày ngày bà dậy từ hai giờ sáng đồ một yến gạo xôi các loại để đem ra ngã ba đầu làng bán thêm tiền rau dưa. Bà bảo: hàng ngày, ngoài công việc mưu sinh, tôi dành thời gian chăm những khóm hoa hồng. Mỗi lần nhìn thấy hoa, tôi thấy đỡ nguôi ngoai nỗi nhớ cha đang nằm cách đây nơi nửa vòng trái đất. 

 

 

                                                                   Việt Lâm

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục