Sùng A Pha bên vườn trè san tuyết xã Pà Cò.

Sùng A Pha bên vườn trè san tuyết xã Pà Cò.

(HBĐT) - Trong những năm gần đây, Pà Cò (Mai Châu) được nhắc đến là một nơi với “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển ma tuý trong tỉnh. Tuy vậy, gạt bỏ những định kiến, nơi đây đã và đang có những con người biết tránh xa những cạm bẫy, vượt qua khó khăn, làm nên những điều có ích cho quê hương - Sùng A Pha, chàng thanh niên người Mông, xã Pà Cò là một người như vậy.

 

Pà Cò trong ánh nắng ban mai. Đây đó lấp ló những cây chè cổ thụ san tuyết sừng sững có tuổi lên đến hàng trăm năm vốn dĩ đã thành bản sắc vốn có. Trong cơ sở sản xuất chè tại xã Pà Cò của Công ty TNHH Giống cây trồng Phương Huyền, chúng tôi gặp anh Sùng A Pha đang đăm chiêu bên chiếc vi tính. Phía trong xưởng, mấy thanh niên trong bản đang quay mình bên lò sao chè cho ra những sản phẩm đặc sản san tuyết - loại chè mà không dễ gì nhiều người dân trong tỉnh được thưởng thức.

 

Thoang thoảng mùi thơm chát của chè san tuyết đến ngọt giọng, Sùng A Pha tâm sự: Cuộc sống của người dân Pà Cò những năm trước đây nhìn chung khá nhiều vất vả. Xung quanh toàn đồi núi cao. Ruộng, nương chẳng mấy nhưng cằn cỗi, đầy rẫy sỏi, đá. Nhiều năm qua, nhờ Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư khá nhiều vào hệ thống hạ tầng, điện, đường, trường, trạm... Hơn nữa, một vài doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư vào đây mở rộng vùng trồng chè san tuyết, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân nên đời sống giờ cũng đỡ vất vả hơn so với trước đây.

 

Ngược dòng thời gian cùng Sùng A Pha trở về thời niên thiếu. Sinh năm 1985, Pha là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh, chị, em. Bố mẹ cùng cả gia đình Sùng A Pha chỉ trông vào nông nghiệp với vài ngàn mét vuông trồng ngô cộng với dong riềng. Ngày còn nhỏ, cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, mới học lớp 4, lớp 5, Sùng A Pha đã phải lên rừng kiếm củi, kiếm cây nhớt, lá dong về bán phụ giúp gia đình.Cảnh nghèo đến nỗi học đến THPT, đôi dép Pha cũng chẳng có mà đi. Thời tiết Pà Cò quanh năm rét ngọt, ấy vậy một chiếc áo ấm cũng chẳng có mà mặc bởi Pha phải nhường chị, em gái.

 

Chỉ có con đường học hành sau này mới lên người - lời khuyên nhủ của người cha như in dấu trong tâm trí của chàng thanh niên Pà Cò suốt những năm tháng.  Quyết tâm theo con đường học tập của Sùng A Pha nhiều lần cũng đã vấp phải những lời bóng gió của một số kẻ xấu khi đem so sánh học hành với lợi nhuận từ buôn ma túy. Nhưng vượt lên bản thân, với quyết tâm và nghị lực khắc phục khó khăn, cùng với sự động viên của gia đình, họ hàng, Sùng A Pha đã từng bước vượt qua mọi khó khăn học hết THPT.

 

Rồi cũng đến cái ngày như Pha nói bước ngoặt trong cuộc đời. Nhớ ngày đầu tiên và cũng là lần đầu tiên Pha đặt chân tới thị xã Hòa Bình để tìm đến trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hòa Bình dự lớp cử tuyển con em dân tộc ít người của tỉnh, năm 2000. Trên chuyến xe khách nhưng chật ních hàng hóa năm nào, lúc đó, trong túi Sùng A pha chỉ có 70.000 đồng bố mẹ dành dụm đưa cho Pha đến trường. Xuống được ngã ba Chăm Mát, lớ ngớ hỏi thăm mãi Pha mới tìm vào được trường. Làm thủ tục nhập học xong, trở về ngay nhà tối hôm đó cũng là lúc trong túi Pha hết nhẵn tiền. Trong quá trình học, Pha đều cố gắng học chăm chỉ. Ngày nghỉ, Pha tranh thủ về phụ giúp cùng cha mẹ làm nông nghiệp, lên rừng kiếm củi lấy tiền ăn học. Trong quá trình học 2 năm học tại trường, Pha được nhà trường trợ cấp thêm 140.000 đồng/tháng. Số tiền đó phần nào cũng giúp thêm cho Pha trong chi tiêu trong thời gian học tập.

 

Học xong trung cấp, Sùng A Pha xin vào làm việc tại Công ty TNHH Giống cây trồng Phương Huyền. Khi đó, Công ty Phương Huyền đang đầu tư mở rộng vùng trồng chè San tuyết tại Pà Cò. Trong môi trường mới, được đi học tập nhiều nơi, từ Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên cho đến thủ đô Hà Nội tham khảo quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản chè đã giúp cho Sùng A Pha từng bước trưởng thành. Đến nỗi, nhiều khi đi tiếp thị sản phẩm chè san tuyết, nhiều người còn không tin Pha là người Mông.

 

Hiện nay, vừa đi học thêm đại học, Sùng A Pha vừa được Công ty Phương Huyền giao cho quản lý tài chính, hướng dẫn người dân trồng, thu mua, chế biến chè San tuyết tại Pà Cò. Nói đến chè Pà Cò, Sùng  Pha cứ vanh vách và có vẻ như rất tâm đắc với vùng chè san tuyết của Pà Cò trong tương lai. Pha cho biết thêm, sau nhiều năm mở rộng, cả xã Pà Cò hiện có trên 165 ha chè san tuyết được trồng mới. Cùng với đó, khoảng 1.300 cây chè San tuyết cổ thụ có tuổi hàng trăm năm. Pha cũng mong muốn cùng với Công ty Phương Huyền ngày cảng mở rộng vùng chè san tuyết, tạo cho Pà Cò một vùng chè rộng lớn với bản sắc cây chè san tuyết Pà Cò chính là ước ao bấy lâu của Sùng A Pha. Những trên hết, để người dân trong xã có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, từ đó hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển chuyển ma túy mới là điều Sùng A Pha trăn trở.

 

Rời Pà Cò trong màn sương chiều trắng xóa phủ kín núi rừng. Cảm nhận về một Pà Cò mới đang trên đà thay đổi theo chiều hướng tích cực, đang dần đi lên. Xóa đói, giảm nghèo, đưa đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, rời xa tệ nạn ma túy không chỉ cần có sự đầu tư của Đảng, Nhà nước. Điều quan trọng của Pà Cò hiện giờ đã có những thanh niên như Sùng A Pha vẫn đang miệt mài, hăng say học tập và làm việc với những ước mơ giản dị, trong sáng. Những người con Pà Cò như Sùng A Pha luôn sẽ luôn là tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ Pà Cò noi theo. Cho dù còn đó những khó khăn nhưng Pà Cò đã và sẽ có nhiều thêm nữa những thanh niên như Sùng A Pha là tiền đề quan trọng cho sự thay đổi căn bản về nhận thức lẫn ý thức. Đó mới chính là điều căn bản đưa Pà Cò từng bước đổi thay, tiến bộ, theo kịp xu thế phát triển của cộng đồng. 

                                                                                                           

 

 

                                                                   Hồng Trung

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục