Ông Bùi Văn Nhỉn và cát vàng ở suối Cháo, xã Kim Tiến (Kim Bôi) được  tuyển chọn làm vật liệu xây Lăng Bác.

Ông Bùi Văn Nhỉn và cát vàng ở suối Cháo, xã Kim Tiến (Kim Bôi) được tuyển chọn làm vật liệu xây Lăng Bác.

(HBĐT) - Một “đại công trường” trải suốt một dải 3 km trên dòng suối Cháo (xã Kim Tiến - Kim Bôi) với hàng nghìn con người già có, trẻ có ngày đêm hừng hực khí thế, chung một quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai thác cát phục vụ việc xây Lăng Bác. Có lẽ vẫn còn nguyên trong ký ức nhiều lớp người dân xã Kim Tiến, niềm tự hào đó như một ngọn lửa sáng truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp.

 

Từ ký ức “đại công trường” ở Kim Tiến... 

 

Được chứng kiến khí thế sôi nổi của đại công trường khai thác cát vàng xây Lăng Bác cách đây ngót nghét 40 năm, Bí thư Đảng ủy xã Kim Tiến Bùi Văn Đương khi ấy mới chỉ là cậu bé mới chỉ 7 - 8 tuổi nhưng ký ức về những ngày ấy và hơn 700 ĐV-TN ưu tú được tuyển lựa từ 10 huyện, thị xã trong tỉnh và cả những người dân quê ông hừng hực khí thế, niềm tin hướng về công trình vĩ đại, dành cho một con người vĩ đại yên nghỉ sẽ mãi là những dấu ấn không thể nào quên. “Khi đó, vào thời điểm đầu năm 1973, tôi còn nhỏ, hàng ngày đến trường đều đi qua công trường khai thác cát xây Lăng Bác. Cả một khu vực rộng lớn dọc theo con suối Cháo lúc nào cũng ken đặc người múc, người gánh gồng với những đống cát khổng lồ màu vàng óng như những quả núi đường đỏ. Quả thực đó là những ngày rất vui vẻ, sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết không thể nào quên” - Bí thư Đảng ủy xã Kim Tiến hồi tưởng.

 

Ông Bùi Văn Nhỉn, xóm Gò Mu năm nay đã ngoài 80 tuổi khi ấy là Trung đội trưởng dân quân của xã, sau này là Chủ tịch UBND xã Kim Tiến còn nhớ ngày được cấp trên giao phó nhiệm vụ thiêng liêng. ông kể: khi nhận nhiệm vụ bảo vệ công trường khai thác cát làm vật liệu xây Lăng Bác, chúng tôi đã tự hứa với mình bằng giá nào cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công trường và đảm bảo cát mang về xây Lăng Bác là loại cát tốt nhất, sạch nhất. Với tinh thần đó, cấp ủy, chính quyền xã Kim Tiến đã chủ động cắt 8 ha đất lúa để làm khu vực tập kết và cắt cử lực lượng dân quân cơ động của xã luân phiên ngày đêm canh gác, không để cho trâu, bò, người lạ, người không có nhiệm vụ vào gần khu vực tập kết cát. Đồng lòng với quan điểm đó và với tình cảm thiêng liêng với Bác, không chỉ lực lượng dân quân cơ động xã mà cả những người dân xã Kim Tiến đã tích cực tham gia bảo vệ công trường, bảo vệ khu vực tập kết cát đã khai thác từ lòng suối và tích cực cùng với hơn 700 ĐVTN tham gia đẩy nhanh tiến độ khai thác cát, đáp ứng đầy đủ lượng cát với chất lượng cao nhất cho công trình xây Lăng Bác.

 

... đi tìm lại người “thủ lĩnh” thanh niên trên công trường khai thác cát

 

Rời Kim Tiến giữa cái nắng chang chang như đổ lửa trong hành trình đi tìm những người đã từng tham gia “đại công trường” khai thác cát xây Lăng Bác cách đây gần 40 năm, chúng tôi về huyện Kỳ Sơn theo những thông tin chắp, ghép trong ký ức nhạt nhòa của Bí thư Đảng ủy xã Kim Tiến và ông Bùi Văn Nhỉn để gặp người “thủ lĩnh” thanh niên được giao nhiệm vụ chỉ huy công trường khai thác cát ở Kim Tiến năm ấy đó là ông Nguyễn Văn ái, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh đoàn hiện đang ở xóm Hữu Nghị, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn). Chúng tôi đến, vừa may ông đi việc về. Sau tuần trà đượm, hỏi ông về những năm tháng trên công trường khai thác cát xây Lăng Bác, như chạm vào dòng chảy sâu thẳm trong ký ức của người “thủ lĩnh” đoàn năm xưa như được khơi nguồn ào ạt chảy về. ông kể: Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Trung ương Đảng đã quyết định tiếp tục triển khai kế hoạch xây Lăng Bác trên tinh thần không cho phép nghỉ ngơi, chậm trễ. Hàng nghìn công nhân kỹ thuật bậc cao ở các ngành, bộ, địa phương và quân đội đã được huy động. Đồng thời, tập trung vật lực ở mức cao nhất cộng với sự giúp đỡ từ phía Liên Xô, quân - dân cả nước háo hức hướng về công trường xây dựng Lăng Bác ở Quảng trường Ba Đình. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng với lòng kính yêu và biết ơn Bác, toàn Đảng, toàn dân đã quyết tâm cao nhất khơi dậy mọi nguồn lực, trí tuệ và sức mạnh để xây dựng nơi yên nghỉ của Người.

 

Với những yêu cầu nghiêm ngặt và tỉ mỉ đến từng chi tiết, do vậy, nguyên vật liệu xây dựng Lăng Bác được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các địa phương như xi măng được sản xuất từ loại đá Tràng Kênh (Hải Phòng)  nổi tiếng là tốt. Đá dăm dùng cho công trình được khai thác ở mỏ đá Hoàng Thi, khu vực Thác Bà (Yên Bái). Cát được lựa chọn tại xã Kim Tiến (Kim Bôi).

 

Nhiệm vụ khai thác cát được giao cho lực lượng ĐV-TN của tỉnh làm nòng cốt cùng với nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi tổ chức khai thác cát phục vụ công trình. “Nhận nhiệm vụ, tất cả ĐV-TN trong tỉnh đều hướng về Bác với tình cảm thiêng liêng thế nên ai cũng hăng hái tham gia. Ngày 700 ĐV-TN của 10 huyện, thị xã tập trung về công trường ở Kim Tiến sôi nổi như ngày hội. Ngay sau khi ổn định chỗ ăn, ở, chúng tôi đã chính thức phát động khởi công công trường khai thác cát xây Lăng Bác trong nỗi xúc động nghẹn ngào xen lẫn tự hào” - ông ái nhớ lại. Ngay sau lễ phát động, 700 ĐV-TN cùng hàng trăm người dân địa phương hăng hái thi đua lao động trên công trường kéo dài gần 3 km. Đó có lẽ là một đại công trường lớn nhất của tỉnh vào thời điểm bấy giờ. Hàng nghìn người tập trung với tinh thần cao nhất, khẩn trương nhất để đưa cát về công trường xây dựng Lăng. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự và niềm tự hào thiêng liêng, thành kính khi được đóng góp công sức của mình cho nơi an nghỉ của Người. Liên tục trong thời gian 4 tháng, hàng nghìn m3 cát được khai thác đổ thành những quả đồi vàng rực, óng ánh. Từ đây, từng đoàn xe vận tải nhộn nhịp ngày đêm chở cát về công trường xây dựng Lăng Bác.

 

“Dù khó khăn nhưng với tinh thần sức trẻ, đặc biệt với lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, chúng tôi đã khắc phục, vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi luôn tâm niệm một điều, trong mỗi hạt cát bé nhỏ là tấm lòng của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đối với Bác” - ông ái nhấn mạnh. Giờ đây, người “thủ lĩnh” thanh niên năm xưa và cả những người dân ở nơi khởi nguồn dòng cát quý vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy. Trong những bước đường đi tới, họ luôn tự hào vì những đóng góp cho công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hướng đến sinh nhật Bác, những câu chuyện và ký ức về đại công trường khai thác cát năm xưa vẫn còn được người dân Kim Tiến kể cho con cháu mình nghe với niềm tự hào và sự thành kính với Người.

 

                                                                           Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục