Thương binh Trần Viết Ngân chăm sóc đàn lợn “đặc sản” của gia đình.

Thương binh Trần Viết Ngân chăm sóc đàn lợn “đặc sản” của gia đình.

(HBĐT) - Trang trại của vợ chồng anh Trần Viết Ngân, cách cầu xóm Chu, xã Trung Minh (TPHB) một cây số. Khi tới đầu trang trại, nhìn hai quả đồi cao dốc dựng đứng tầm sáu mươi độ, mấy ai tin được hai quả đồi ấy cách đây mười năm còn là đồi lau sậy mà nay đã là rừng tre, keo xanh tươi lá hát quanh năm với gió rừng.

 

Tôi đi thẳng vào dãy nhà nằm dưới chân rừng nơi anh chị Ngân chăn nuôi, chăm sóc những đàn lợn bản địa mới sinh sản. Nhìn ô chuồng nào cũng sạch sẽ, những đàn lợn con lông mượt màu vỏ quả dưa gang, chúng chạy quanh chuồng chán rồi lại quấn quýt bên nhau. Vợ chồng Ngân lúi húi tiêm phòng dịch cho lợn ở phía ô chuồng cuối nhà, thấy tôi, Ngân ngừng tay, mời tôi về  lán uống nước. Chúng tôi ngồi trên ngôi nhà sàn bé nhỏ, bàn tiếp khách bằng tre, Ngân rót nước lá rừng vào bát mời tôi uống. Chúng tôi quen nhau từ trước Tết. Hôm đến mua lợn cho bạn ở Hà Nội, thấy vợ chồng Ngân vui tính, tôi  hẹn tháng sáu đến thăm trang trại, có nắng là xin chụp mấy kiểu ảnh nghệ thuật tặng người miền xuôi. Hôm nay gặp lại Ngân, được biết anh là CCB. Ngân vui, lôi cuốn tôi vào chuyện đời, chuyện gian nan vượt khó trồng 20 ha rừng keo, tre.  

Năm 1980, từ biệt mái trường cấp III Dân Hạ  huyện Kỳ Sơn, Ngân lên đường nhập ngũ, được biên chế vào sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Đầu năm 1981, Ngân cùng sư đoàn sang Campuchia giúp bạn giải  phóng đất nước, trong một trận đánh lớn ở Xiêm Riệp, anh bị thương. Năm 1991, trung úy Trần Viết Ngân được xuất ngũ trở về quê xóm Chu, xã Trung Minh. Là thương binh hạng 4/4, khi về với quê hương, anh chăm chỉ làm ruộng. Ngay năm mới về, Ngân xây dựng gia đình với bạn gái Nguyễn Thị Xuân. Cô gái Xuân ngày ấy xinh tươi như bông hoa núi. Người xóm Chu ai cũng khen đôi vợ chồng Ngân - Xuân đẹp đôi, một lần đọc Báo Hòa Bình, vợ chồng Ngân biết được ở tỉnh có nhiều tấm gương sáng bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả. Vợ chồng Ngân bàn bạc quyết định phát triển trồng rừng, chăn nuôi gia súc ngay trên đồi Thờ, đồi Chu.  

Tâm sự với tôi, Ngân nhớ lại, năm 1980, trước khi anh đi bộ đội, khu rừng xóm Chu là những đồi cây to cao, lá xanh phủ kín đất, những đàn chim chiều chiều bay về chấp chới cả cánh rừng, khi trở về quê, mấy quả đồi trơ trọi toàn lau, sậy. Khe suối chu mỗi lần có bão lũ nước cuốn trôi hết hoa màu ven suối. Đồi Chu, đồi Thờ dốc dựng đứng, phải có quyết tâm cao, kiên trì mới có kết quả trồng rừng tốt. Nghĩ vậy vợ chồng Ngân đã mạnh bạo đề xuất với UBND xã Trung Minh cho được dọn sạch lau, sậy trồng cây ăn quả và trồng rừng.  

Suốt ba tháng phát dọn sạch lau, sậy, bụi gai, vợ chồng Ngân đã có đất trồng hàng trăm cây xoài, hàng trăm cây vải và 2 ha tre, luồng. Đồi quá dốc chỉ tre, luồng lên xanh, còn cây xoài, cây vải có cho quả nhưng khó bán vì quả không cho vị ngon ngọt. Năm 2004, Ngân quyết định chỉ để 2 ha cây tre, luồng, còn 18 ha đất trồng xoài, vải, nhãn... chuyển sang trồng cây keo. Cây keo ưa đất đồi chỉ mấy năm sau cây cho hoa, những cánh hoa keo thon thả nép mình sau tán lá gọi chim, gọi đàn ong về làm tổ. Có rừng tre, rừng keo, vợ chồng Ngân bàn bạc việc chăn nuôi lợn bản địa. Nuôi lợn tại nhà đã khó, nuôi lợn trên rừng đã mấy ai nuôi. Đầu năm 2006, vợ chồng Ngân đã lên vùng cao để mua đàn lợn bản địa về nuôi. Nuôi được một năm, mổ lợn ăn thử  thấy mùi thịt không thơm ngon vì có thể lợn đã bị lai giống khác. Đầu năm 2007, Ngân quyết định đi ngược long hồ sông Đà tìm lợn giống. Khi dừng chân ở bản Khủa thuộc tỉnh Sơn La, anh đã quyết định mua cả hai lợn mẹ cùng 10 lợn con, giống lợn bé nhỏ, lông đen nhánh về nuôi. Lợn nuôi được chín tháng, Ngân thịt một con để ăn thử, thịt lợn bản Khủa ngọt thơm. Từ năm 2007, vợ chồng Ngân đã quyết định lấy 10 con lợn bản Khủa cho lai giống lợn rừng.  

Để phát triển chăn nuôi tốt, Ngân đã xin học lớp khuyến nông, khuyến lâm tỉnh mở. Ngân học được cách chăn nuôi, tiêm phòng bệnh cho lợn. Cứ ba tháng lợn con được tiêm thuốc tẩy giun sán một lần, trừ lợn mẹ không tiêm. Lợn đã tẩy giun, sán khi ta ăn tiết lợn không có mùi gây hôi. Theo Ngân, khi lai giống lợn bản địa và lợn rừng phải chọn thời điểm. Đàn lợn bản địa lai lợn rừng ngày một phát triển. Vợ chồng Ngân san đất đồi, ngăn nước khe đồi Chu làm ao cá, mặt ao nuôi bèo làm thức ăn cho lợn. Thức ăn hàng ngày cho lợn chủ yếu cám gạo và cây chuối, cây bèo, cây rau mùng. Vợ chồng Ngân trang bị cho trang trại máy vi tính nối mạng để thường xuyên tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi. Năm 2010, đàn lợn bản địa lai lợn rừng của vợ chồng Ngân đã lên tới 206 con, năm 2011 lên 250 con, ước tính đến cuối năm 2012 cộng cả lợn sinh sản sẽ lên tới 305 con. Lợn cuối năm không đủ bán, khách mua đăng ký trước hai tháng, người mua từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên lặn lội đổ về, giá bán từ 180 - 200.000 đồng/kg lợn hơi.  

Tôi được vợ chồng Ngân chiêu đãi bữa cơm măng chua thịt gà rừng. ăn cơm trưa xong, Ngân mời tôi đi thăm rừng. Lạc vào rừng keo cây to cao, cành lá xanh tươi, chúng tôi như vơi đi nóng bức ngày tháng sáu. Ngân chỉ cho tôi xem một số hang hố đất do đàn lợn tự tạo ra để tránh mưa. Anh bảo thức ăn ở rừng tre, rừng keo này khá phong phú cho lợn. Chúng kiếm lá, cỏ dại, mầm măng làm thức ăn, cứ chiều về vợ chồng tôi gõ kẻng ở đầu trang trại, chúng nghe kẻng mới chịu trở về ăn cám. Một ngày cho lợn ăn một lần vào buổi chiều, con nào lớn nhanh một tháng lên một cân. Lợn leo đồi dốc, ăn cây chuối, cây măng, ăn lá rừng, thịt mới có độ dai, độ chắc, thớ thịt nạc thơm ngon, chúng tôi đang chăm chú nhìn hốc đá to có bốn con lợn đang đùa nhau. Phía ngang dốc có tiếng reo, chị Xuân hô to: A, tìm thấy lợn đẻ rồi, được sáu con. Hai chúng tôi chạy tới phía Xuân cùng chia vui. Ngân bảo lợn bản địa lai lợn rừng chúng khôn ngoan, mấy ngày mưa dầm, tôi tưởng mẹ con nó chết ở rừng, vậy mà chúng tự tìm lá, tìm cành cây làm ổ để sinh con, nhìn lợn mẹ che chở đàn lợn con, tôi thấy thân thương như nhìn rừng cây xanh che chở đất đồi được hồi sinh.  

Để đáp ứng cho người tiêu dùng thích ăn lợn bản địa lai lợn rừng, vợ chồng Ngân đã tuyển thêm ba thanh niên về cùng chăm sóc rừng và chăn nuôi lợn, mức lương mỗi người được trả hàng tháng gần 3 triệu đồng. Năm 2012, Ngân dự tính bán lợn hơi sẽ cho lãi 280 triệu đồng, năm 2014, nếu được phép bán cây keo, anh sẽ có gần 2 tỷ đồng.  

Giai đoạn 2002 - 2007, vợ chồng Ngân đạt danh hiệu công dân kiểu mẫu, năm 2011, Ngân đạt danh hiệu nông dân lao động giỏi cấp thành phố. Tháng 7/2012, anh là một trong những đại biểu dự Đại hội nông dân thành phố Hòa Bình.  

Tạm biệt xóm Chu đầm ấm tình người, tạm biệt vợ chồng anh thương binh trồng rừng, chăn nuôi giỏi. Tôi không thể quên câu nói của Ngân khi chia tay: Bí quyết của thành công là phải chịu học hỏi kinh nghiệm, phải cần cù chịu khó, phải kiên trì và biết vận dụng khoa học vào thực tại mình đang làm.

 

                                                      Trần Quốc Dũng (T.T.V)

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục